Các góc làm việc sát cạnh nhau trong công sở hiện đại dễ khiến các đồng nghiệp “hàng xóm” khó chịu vì những chuyện nhỏ nhặt không ngờ tới. Liệu bạn đã nắm được các quy luật bất thành văn tại góc làm việc của mình? 10 quy tắc vàng dưới đây sẽ giúp bạn có được hiệu quả tối đa trong công việc với 8 tiếng mỗi ngày tại góc làm việc nhỏ xinh của mình:
Tại công sở có những quy tắc bất thành văn mà bạn cần phải học hỏi. Ảnh: internet
1. Tập trung cao độ
Vì các góc làm việc thường san sát nhau nên thỉnh thoảng đồng nghiệp này ghé vô, đồng nghiệp kia ghé vào là chuyện không thể tránh. Do đó, bạn cần đặt ra các ưu tiên trong công việc và tập trung hoàn thành, nếu không, bạn sẽ không có được hiệu quả làm việc tốt nhất bởi những phen “cắt ngang” bất ngờ của đồng nghiệp.
2. Thoải mái là trên hết
Cho dù bạn muốn ngồi dựa lưng vào tường hay thích ngắm đồng nghiệp đi lại ngang qua góc làm việc của mình, hãy sắp xếp không gian hợp lý theo ý thích của bạn. Bạn cũng có thể trang trí thêm bằng các bức ảnh gia đình, các vật dụng nhỏ xinh để góc làm việc mang “phong cách” riêng của bạn. Cảm giác thoải mái tác động rất nhiều đến năng suất làm việc.
3. Không bật speaker của điện thoại
Đôi khi bạn có thói quen để chế độ speaker khi nói chuyện điện thoại, vì như thế sẽ tiện cho bạn đánh máy, hay sắp xếp công việc khác. Tuy nhiên, nên nhớ rằng, những “hàng xóm” bên cạnh có thể không muốn nghe “tất tần tật” chuyện của bạn và điều này khiến họ khó chịu vì dễ bị xao lãng trong công việc.
4. Chọn nơi thích hợp để thảo luận
Không nên tổ chức thảo luận hay nhóm họp tại góc làm việc của bạn. Thay vì vậy, hãy chọn hẳn phòng họp hoặc khu vực giải lao của công ty để tiếp tục bàn luận. Đồng nghiệp sẽ không ngại nếu nhóm của bạn có trao đổi ngắn tại góc làm việc nhưng sẽ thấy phiền nếu cuộc “đàm đạo” diễn ra quá lâu.
5. Cẩn trọng lời nói
“Tai vách mạch rừng”, do đó, cho dù không thấy ai xung quanh mình, những trao đổi của bạn vẫn có thể bị “rò rỉ” qua các khe hở giữa các góc làm việc. Theo Jaccqueline Peros, nhà sáng lập Tập đoàn Tư vấn Phong cách và Hình ảnh JMP, bạn hãy đặc biệt cẩn trọng khi nói những điều không hay về công việc hay đồng nghiệp khác, tránh sử dụng ngôn ngữ “đường phố”.
6. “Bẻ lái” đồng nghiệp
Nếu đồng nghiệp của bạn chỉ tạt qua đôi chút tán gẫu thì bạn chắc chắn sẽ không cảm thấy bị làm phiền. Nhưng nếu cuộc đối thoại chuyển sang hướng “tỉ tê lê thê”, thì bạn nên bẻ lái câu chuyện, và hẹn lại vào buổi ăn trưa hay cà phê sau đó. Điều này không khiến đồng nghiệp phật lòng, đồng thời đảm bảo tiến độ công việc của bạn.
7. Chú ý âm lượng
Đừng làm phiền người khác khi để âm lượng nhạc chuông hay âm báo tin nhắn quá lớn. Bạn nên điều chỉnh âm lương vừa phải hoặc để ở chế độ rung. Nếu xem tài liệu dạng video hay file âm thanh, bạn nên sử dụng tai nghe để tránh ảnh hưởng đến người khác.
8. Giọng nói “đạt chuẩn”
Hầu hết dân công sở đều không chú ý đến giọng nói của mình, nhất là khi trò chuyện qua điện thoại. Bao nhiêu hỷ, nộ, ái, ố bạn tuôn ra trên điện thoại sẽ khiến đồng nghiệp nhăn mặt khó chịu. Hãy điều chỉnh cho giọng nói “đạt chuẩn” và nếu không chắc về giọng nói của mình, bạn nên tiếp chuyện điện thoại ở xa góc làm việc để bảo đảm sự riêng tư,
9. Thân thiện với “hàng xóm”
Không lý nào ở hai góc làm việc sát nhau mà bạn lại tỏ ra xa lạ với “hàng xóm” của mình. Do đó, hãy thiết lập mối quan hệ, thường xuyên trò chuyện với đồng nghiệp bên cạnh. Điều này sẽ hữu ích trong việc tạo nên môi trường làm việc tương hỗ và hiệu quả tại công sở.
10. Luôn luôn ý tứ
Cho dù bạn làm gì tại góc làm việc của mình đi chăng nữa, mọi hành động của bạn đều ít nhiều bị “soi”. Do đó, mỗi sáng đến sở làm, bạn hãy tự nhắc nhở mình thể hiện phong cách chuyên nghiệp. Theo Peros, “Ý tứ là cực kỳ quan trọng khi làm việc trong môi trường công sở hiện đại vì mỗi nhân viên đều chia sẻ một góc riêng tư tại không gian công cộng.”