Mối quan hệ với đồng nghiệp, người quản lý và cấp dưới tốt đẹp sẽ giúp mang lại thành công cho sự nghiệp. Nhưng thật không may nếu bạn bất cẩn để mối quan hệ này xấu đi bởi một lời nói “hớ”, hành động gây mâu thuẫn và nhiều hoàn cảnh khác.
Ảnh minh họa
Vậy, một người chuyên nghiệp sẽ làm gì nếu và khi mối quan hệ công sở trong tình cảnh “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”, “bằng mặt mà không bằng lòng”? Hãy làm theo 6 bước dưới đây để phục hồi mối quan hệ:
Thừa nhận vấn đề
Bạn càng phớt lờ vấn đề mối quan hệ càng lâu, chúng sẽ càng trở nên tồi tệ hơn và không thể phục hồi. Hãy nhìn nhận vấn đề và tự vấn bản thân:
– Điều gì đã gây ra sự đổ vỡ trong mối quan hệ?
– Bạn có vai trò ra sao trong tình huống đó?
– Vấn đề đó đã gây ra những hậu quả gì?
– Hậu quả tương lai nếu bạn không giải quyết vấn đề?
Xác định hướng giải quyết
Bạn kỳ vọng điều gì ở mối quan hệ này? Hãy nhớ rằng, đây là mối quan hệ công việc, không phải tình bạn. Bạn không nhất thiết phải trở thành bạn bè của nhau nhưng hãy thân thiện, hòa đồng. Mối quan hệ công việc nên lịch sự, năng suất và chuyên nghiệp. Các bạn phải làm việc cùng nhau và hoàn thành mọi việc.
Vì vậy, hãy dành thời gian để xác định rõ điều bạn muốn từ mối quan hệ. Sẽ có khác biệt gì nếu mối quan hệ được cải thiện? Điều gì bạn sẵn sàng thỏa hiệp để tạo ra kết quả khả quan?
Đối thoại trực tiếp
Một khi bạn xác định điều mình muốn về mối quan hệ, đã đến lúc cần bộc lộ với người kia. Dưới đây là một số điều nên ghi nhớ khi nói chuyện:
– Nên gặp trực tiếp người kia ở 1 nơi riêng tư để có thể nói chuyện một cách thoải mái và nhớ hẹn lịch trước.
– Không gây áp đảo với người kia bằng cách đi với 1 nhóm bạn. Đây là chuyện riêng của 2 người nên hãy gặp nhau riêng để bớt căng thẳng hơn.
– Loại bỏ cảm xúc cá nhân ra cuộc nói chuyện. Đừng tự dằn vặt bản thân về mối quan hệ. Thay vào đó, hãy tập trung vào những luận điểm như năng suất của nhóm và mong muốn công việc chung hiệu quả hơn.
Cam kết thực hiện những điều đã thống nhất
Trong cuộc nói chuyện, hãy đi đến những thống nhất chung, những điều 2 người sẽ làm và không làm để mối quan hệ được cải thiện. Hãy nhấn mạnh vào lời hứa của mỗi bên, nó không chỉ là lời nói mà là hành động. Cả 2 người phải làm theo vì chất lượng công việc.
Kiên trì
Kiên trì là chìa khóa của thành công. Nhớ rằng nói thì dễ, làm mới khó. Bạn có thể nói về vấn đề này cả ngày nhưng nếu bạn không thay đổi cách mình tương tác với người kia, đó chi là sự lãng phí thời gian.
Hãy kiên trì thực hiện những gì mình đã hứa. Bạn có thể xây dựng kế hoạch B dự phòng: bạn sẽ làm gì nếu người kia không thực hiện như đã nói và ngược lại, sẽ ra sao nếu bạn là người không giữ lời hứa? Quá trình này nhằm xây dựng niềm tin và phục hồi lại mối quan hệ nên không xảy ra chỉ sau 1 đêm. Nhưng chỉ cần 2 người sẵn sàng cố gắng, mọi thứ sẽ dần tốt lên.
Chủ động
Đừng để mối quan hệ của bạn ra sao thì sao. Đừng chờ cho tới khi vấn đề tự khắc phục. Hãy chủ động cải thiện và phát triển mối quan hệ sớm.
Nhớ rằng mọi người không thể đọc được suy nghĩ của bạn, giống như bạn cũng không thể đọc được suy nghĩ của họ. Bạn phải hình thành những nguyên tắc cho mối quan hệ trong điều khoản thực tế, chẳng hạn nói chuyện ngay khi cảm thấy người nào đó không vừa ý với bạn hay không bao giờ hành động vội vàng khi vấn đề chưa rõ ràng…