Một góc nhìn về nghề PR

Nhân viên PR và nhân viên quảng cáo có chung mục đích là tạo dựng hình ảnh tốt về công ty trong mắt khách hàng. Tuy nhiên họ áp dụng những cách thức khác nhau.


Nghề PR được coi là ngành hot trong thời gian gần đây.
Quảng cáo được xem là hình thức bỏ tiền ra để mua khách hàng, và tất nhiên kinh phí mỗi chiến dịch quảng cáo phải được tính chi li và cuối cùng chia ra con số bình quân trên mỗi đầu người. PR, mặt khác lại được sử dụng cho các chiến dịch đánh bóng thương hiệu, thu hút chú ý của dư luận, chứ không nhắm trực tiếp vào việc thúc đẩy doanh số trong ngắn hạn.
Nhiệm vụ của một nhân viên PR về cơ bản là lắng nghe thông điệp của công ty, phân tích hình ảnh muốn tạo dựng, và sau đó biên tập tất cả những nội dung này thành một kịch bản chiến lược rồi sử dụng các công cụ truyền thông để quảng bá đến công chúng. Do đặc thù nghề nghiệp, ngành PR có quan hệ mật thiết với giới báo chí. Thậm chí có một bộ phận lớn nhân viên PR xuất thân từ nghề ký giả, phóng viên.
Về cơ bản nhân viên PR được chia thành 2 nhóm chính:
– PR in house: là nhân viên bộ phận PR của một công ty, nhãn hàng nào đó, họ làm việc ở hậu trường nhiều hơn và nhiệm vụ của họ cũng thường đơn giản hơn nhánh còn lại của nghề.
– PR agency: đây là nhân viên của các công ty chuyên về PR. Với các sự kiện, chiến dịch lớn, các công ty không thể đảm đương về mặt nhân sự cũng như chuyên môn, thì tìm đến PR agency là lựa chọn sau cùng của họ. Do đó công việc của PR agency có phần nặng hơn PR in house, khi họ phải trực tiếp hoạt động bên ngoài, phải lăn lộn đây đó để móc nối quan hệ, thu thập thông tin, lên kế hoạch tổ chức sự kiện…Vì đặc thù nghề nghiệp này nên các PR agency thường là người trẻ tuổi có thể chất tốt và không vướng bận chuyện gia đình.
Nghề PR được coi là ngành hot trong thời gian gần đây, với nhiều cơ hội được tiếp xúc với các nhân vật “tai to mặt lớn” cũng như đi đây đi đó, đặc biệt, một nhân viên PR chuyên nghiệp có mức lương có thể lên đến hàng nghìn đô. Tuy nhiên, nghề hot cũng dẫn đến rất nhiều cạnh tranh gay gắt cũng như ảo tưởng nghề nghiệp ở các bạn trẻ. Bước chân vào nghề, các bạn trẻ thường vẽ nên hình ảnh về một người quan hệ công chúng hào nhoáng, cho đến khi bắt đầu vấp phải những trở ngại trong nghề…không ít đã phải tặc lưỡi bỏ lại ước mơ PR đê chuyển sang ngành nghề khác.