Ảnh minh họa
Không riêng các nhà nghiên cứu kinh tế, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp cũng đang nỗ lực đi tìm lời giải cho câu hỏi trên. Với kinh nghiệm 10 năm làm Tổng Giám đốc Công ty Tư vấn Y dược quốc tế IMC – doanh nghiệp từng đạt tốc độ tăng trưởng 100% trong 4 năm liên tiếp – ông Nguyễn Ngọc Thành đúc kết 5 điểm tạo nên thành công cho một doanh nghiệp. Dưới đây là chia sẻ của ông Thành, được trích dẫn từ chương trình Leader Keynote của Viện Quản trị Kinh doanh FSB.
Xây dựng tầm nhìn: Đặt mình vào vị trí của thần tượng
Ông Thành đưa ra bài toán đầy hình ảnh, nhưng dường như bất khả thi: làm thế nào để một CEO nhìn thấy cánh đồng màu mỡ có thể thâm canh hiệu quả sau dãy núi cao? Lời giải không đơn giản: các CEO buộc phải đẩy tư duy lên cao hơn ngọn núi đó. Làm cách nào để đẩy tư duy lên cao hơn ngọn núi? Hãy thử đặt mình vào vị trí của thần tượng để có suy nghĩ giống như họ, tìm đọc tất cả các cuốn sách, bài báo viết về thần tượng này, lối tư duy và hành động của ông/bà ta. Quá trình nghiên cứu thần tượng sẽ bồi đắp lượng kiến thức rất lớn cho các CEO. Một khi đứng được trên vai những người khổng lồ, bạn sẽ trở nên cao lớn hơn, nhìn xa hơn, tư duy sẽ vượt qua cả đỉnh núi để nhìn thấy cách đồng màu mỡ khuất sau.
Thực tế thì tầm nhìn của doanh nghiệp cũng được hình thành kiểu như vậy, giống như một giấc mơ đẹp khiến cho các CEO luôn thấy khát khao, trăn trở, đồng thời phải cụ thể nhằm tạo ra thách thức và động lực thôi thúc CEO mỗi ngày. Ngọn núi lớn trong kinh doanh đối với Tổng Giám đốc Nguyễn Ngọc Thành chính là huyền thoại công nghệ quá cố Steve Jobs. Nhờ động lực từ ý tưởng “điên rồ” của Jobs “Rồi cả thế giới sẽ phải quen với điều đó”, ông Thành đã thuyết phục được Hội đồng quản trị (HĐQT) IMC thay đổi hướng đi, từ tư vấn đến sản xuất và tạo nên sự phát triển vượt bậc cho công ty ông.
Sứ mệnh của doanh nghiệp cũng rất quan trọng, nó là ngọn cờ tập hợp đội ngũ trong doanh nghiệp ấy. Tập hợp đội ngũ là công việc vô cùng quan trọng với CEO, bởi đây là hành động cần thiết giúp người lãnh đạo thực hiện được tầm nhìn của mình. Cụ thể, sứ mệnh doanh nghiệp là tuyên ngôn về con đường mà suốt cuộc đời doanh nghiệp sẽ đi theo (hoặc sẽ thực hiện). Sứ mệnh là ngọn cờ cho nên nó phải đảm bảo đồng thời cả hai đặc tính “Cao cả” và “Vì cộng đồng” tại chính thời điểm nó được tuyên bố. Một yếu tố nữa không thể thiếu đối với thành công của doanh nghiệp là quá trình xây dựng giá trị cốt lõi. Sau khi đã xác định được điểm đến và con đường đi, việc lựa chọn hành lý mang theo là một thử thách. Muốn leo cao, hành trang của doanh nghiệp phải “Nhẹ bằng không và (có) chất (lượng) để giải quyết mọi vấn đề phát sinh”. Nói nôm na, doanh nghiệp cần tập hợp đầy đủ mọi phẩm chất của mỗi con người trong đó, rồi được CEO gạn lọc để chọn ra các giá trị cốt lõi tinh túy nhất, qua đó tạo nên công cụ phù hợp nhất để giải quyết vấn đề nảy sinh trong kinh doanh. Đây là giá trị cốt lõi của doanh nghiệp. Ông Nguyễn Ngọc Thành giải thích, giá trị cốt lõi của một doanh nghiệp sẽ được vận dụng để giải quyết mọi vấn đề của doanh nghiệp. Do vậy, các giá trị đó cần được truyền bá sao cho “ngấm vào máu” của mọi nhân viên, từ đó tác động đến cách hành xử của mỗi người. Giá trị cốt lõi là kim chỉ nam cho mọi hành động của doanh nghiệp, do vậy nó cần được tôn trọng triệt để.
Văn hóa doanh nghiệp: Bầu không khí để thở
Văn hóa doanh nghiệp được ông Thành xác định như hai thành tố bao bọc ngôi nhà công ty: nền móng và không khí. Văn hóa phải là nền móng bởi nó cần được xây dựng ngay từ những ngày đầu thành lập công ty. Nếu không được định hướng rõ ràng từ đầu, các thành viên sẽ “buông thả”, mỗi người đi theo một hướng và phá hỏng văn hóa công ty đó. Ngược lại, nếu văn hóa công ty được xác lập rõ, nó sẽ tác động tích cực đến mọi thành viên ngay từ khi bắt đầu đặt chân vào công ty, buộc họ phải tuân thủ theo. Nền móng được coi là bộ quy tắc ứng xử (Code of Conducts) bao gồm hệ thống các quy định, chính sách của công ty được xây dựng dựa trên tầm nhìn, sứ mệnh, giá trị cốt lõi của doanh nghiệp. Không chỉ là nền móng ban đầu, văn hóa còn được coi là không khí để thở cho nhân viên. Bởi khi văn hóa đã ngấm vào từng người, trở thành thói quen, phong cách sống thì mọi người sẽ coi đó là điều tự nhiên. Để có thể giữ bầu không khí luôn được trong sạch, các CEO cần lắp đặt “máy lọc ozon” trong phạm vi văn phòng của mình. Các máy lọc này chính là những gì thể hiện ra bề ngoài thông qua các hình ảnh, lễ hội, hoạt động tập thể…
Phương pháp quản trị doanh nghiệp là yếu tố mà các CEO cần cân nhắc để áp dụng vào hệ thống của mình. Trên thế giới hiện nay, phương pháp quản trị phổ biến là theo chiều dọc. Tuy nhiên, phương pháp này đang thể hiện một số bất cập và nhiều doanh nghiệp đã chuyển sang quản trị theo mục tiêu. Đây là phương pháp được đánh giá là hiệu quả nhất, nhưng cũng khó triển khai nhất. Nhưng nếu quyết tâm và kiên trì thực hiện, chắc chắn sẽ đạt hiệu quả cao. Tại IMC, phương pháp này đã được triển khai trong hơn 2 năm qua với 2 bộ công cụ là “Tiến trình” và KPI. Việc triển khai của IMC cũng gặp nhiều khó khăn và chưa thể chuẩn ngay từ lần đầu áp dụng. Nhưng với sự kiên trì và được điều chỉnh dần dần, cuối cùng, hệ thống quản trị đã chứng minh tính hiệu quả của nó trong việc tạo nên sự công bằng, bình đẳng và tạo động lực làm việc cho cán bộ nhân viên. Công thức cho sự tăng trưởng vượt bậc của IMC được tổng kết lại (xem biểu đồ)
Với công thức gồm năm yếu tố trên, IMC đã áp dụng thành công và tạo nên tốc độ tăng trưởng vượt bậc: 100% trong suốt 4 năm và 35% trong giai đoạn khủng hoảng, trở thành nhà sản xuất thực phẩm chức năng chuyên biệt số 1 Việt Nam. Đây là một trường hợp điển hình đáng được phân tích để làm bài học cho các CEO đang trăn trở tìm đường phát triển cho doanh nghiệp mình. DN
Theo doanh nhân