Những ngành, nghề nào đang “khát” nhân lực?

Những nghề thuộc nhóm ngành Cơ khí, Điện, Hóa chất, Kỹ thuật nông lâm nghiệp, Kỹ thuật thủy sản, Công nghệ địa chất – Vật lý, Toán, Thống kê, Công nghệ sinh học, Xã hội học…..vẫn có nhu cầu rất lớn.

Tỷ lệ nhu cầu nhận lực của TPHCM giai đoạn 2012- 2015
Theo khảo sát của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, những nghề đang cần và còn thiếu nhiều nhân lực trong năm 2013 gồm: Công nghệ thông tin, Điện tử công nghiệp, Chế biến thực phẩm, Hàn công nghệ cao, Thiết kế đồ họa, Tạo mẫu và vẽ thiết kế trên máy tính…Công nghệ ô tô, cơ khí (tiện, phay, bào, hàn), Công nghệ thông tin, điện tử, thiết kế thời trang (vẽ mỹ thuật, hình họa, ký họa, thiết kế áo đầm, thiết kế rập, thời trang trẻ em, áo dài…), Nhà hàng khách sạn và các nghề lái xe, điện lạnh, thẩm mỹ…
Ông Trần Anh Tuấn Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM cho biết, mặc dù lượng nhu cầu cho các ngành nghề vẫn còn cao nhưng chỉ có khoảng 80% sinh viên, học viên sau khi tốt nghiệp các trường ĐH, CĐ, trung cấp, sơ cấp nghề tìm được việc làm. 20% còn lại tìm việc rất khó khăn.
“Trong tổng số tìm được việc làm chỉ có 50% là có việc làm phù hợp năng lực và phát triển, 50% thật sự ổn định. Đặc biệt kỹ năng mềm là yêu cầu nhiều sinh viên, học sinh chưa đáp ứng được” – lời ông Tuấn.
Qua nhiều cuộc khảo sát cho thấy, tỷ lệ học sinh chọn sai ngành học chiếm khoảng 60%, chỉ có 5% học sinh có hiểu biết về ngành chọn học, 20% có hiểu biết tương đối đầy đủ và 75% thiếu hiểu biết về nghề bản thân chọn học, việc sinh viên tốt nghiệp ĐH không tìm được việc vẫn còn khá phổ biến.
Vì vậy, SV muốn có được việc làm sau khi tốt nghiệp cần lưu ý những vấn đề sau: xu hướng việc làm của thị trường lao động; định hướng về sở thích, sở trường nghề nghiệp. Các quy định thi tuyển, xét tuyển Đh, CĐ, trung cấp, dạy nghề; chọn ngành, chọn trường phù hợp năng lực học và điều kiện kinh tế gia đình…
Học sinh không nên quyết tâm vào ĐH bằng mọi giá, tránh tình trạng khi vào học hoặc học xong ĐH có chán nản vì không đúng ngành nghề yêu thích. Trường hợp chọn trường tại chức thì vẫn có thể học liên thông (CĐ là 1,5 năm, ĐH là 3 năm) và cơ hội việc làm rất lớn.
“Hiện nay, nhiều cơ quan, doanh nghiệp tuyển người có trình độ ĐH chỉ khoảng 10-12 %, còn hệ tại chức và CĐ tuyển rất nhiều. Phụ huynh cũng không nên có những định kiến, tâm lý trọng bằng cấp bắt ép con em vào ĐH mà bỏ qua các trường dạy nghề” – ông Tuấn cho biết.