Với bất kỳ ai, nói lời xin lỗi cũng không hề dễ dàng. Là sếp, có thể đôi khi bạn chỉ trích một nhân viên vô căn cứ ngay trước mặt những đồng nghiệp khác, hoặc có thể bạn không thực hiện những điều đã hứa với các nhân viên của mình. Khi đó, bạn đã nợ họ một lời xin lỗi.
Ảnh minh họa
Đa số chúng ta có tâm lý biện hộ cho hành vi hoặc phản ứng của mình trước người khác khi điều họ thực sự mong đợi là một lời xin lỗi. Người mà bạn mắc lỗi sẽ không quan tâm tại sao bạn lại làm điều đó, họ chỉ muốn bạn biết điều đó đã ảnh hưởng đến họ thế nào mà thôi. Có một câu chuyện kể rằng một anh thanh niên xung đột với cha mình trong rất nhiều năm, không ai nói với ai lời nào và cho đến tận khi anh ta đã xây dựng gia đình và anh ta ra ở riêng, mọi chuyện dường như chỉ ngày càng tệ hơn. Lúc đầu, cả hai cha con đều cố tình lảng tránh vấn đề, cũng không ai chủ động đưa ra đề nghị gì trước. Sau đó, họ nhận ra rằng đã đến lúc họ phải nói chuyện thẳng thắn và đương đầu với vấn đề. Một cuộc gặp chỉ có hai người đã được lên kế hoạch nhưng cả hai đều có cảm giác căng thẳng và lo lắng không biết mọi chuyện sẽ diễn ra như thế nào.
Gặp ở một nơi trung lập Cuộc gặp đã diễn ra ở một nơi trung lập, không phải tại nhà người cha, cũng không phải nhà riêng của người con. Người cha đã để con trai mình nói hết về cảm giác của anh ta và những điều làm anh ta suy nghĩ trong suốt bao nhiêu năm như vậy. Sau đó, người cha nói: “Con trai, bố xin lỗi vì đã không ở đó khi con cần bố. Bố xin lỗi vì bố đã đam mê công việc quá mà không ở cạnh con lúc đó. Nhưng bố thực sự yêu con. Con có thể tha lỗi cho bố được không? Thật là kì dịêu. Toàn bộ điều anh ta muốn nghe là bố mình xin lỗi và nói rằng ông rất yêu mình. Họ đã ôm nhau, và sau rất nhiều năm tháng, họ lại nói chuyện với nhau. Họ đã bàn luận về nhiều vấn đề khác. Họ kể về những điều có ý nghĩa với cả hai trong chừng ấy thời gian. Người cha nhận ra rằng con trai ông đã bị tổn thương vì một việc làm mà chính ông cũng không nhận thức được ảnh hưởng của nó.
Một lời xin lỗi là cần thiết? Trong công việc cũng vậy, chúng ta không thể tránh khỏi sẽ có lúc làm những việc không thích hợp và làm cho người khác buồn. Một nhân viên không thể không cảm thấy bị xúc phạm khi sếp chỉ trích mình một cách gay gắt ngay trước mặt đồng nghiệp vì một lỗi cỏn con. Nhân viên cũng không thể mỉm cười khi sếp nói một câu làm tổn thương hoặc chạm đến lòng tự trọng của anh ta rồi chỉ phủi tay nhẹ nhàng: “Tôi đùa đấy”. Khi đó, cho dù chẳng dễ gì để nói lời xin lỗi nhưng lời xin lỗi là cần thiết. Hãy thử: – Gặp ở một nơi trung lập – Để họ nói, chỉ lắng nghe – Không bào chữa – Nói rõ ràng khi cần thiết – Xin lỗi và đề nghị họ tha thứ. Để họ nói và thực sự lắng nghe: Bạn có chú ý rằng khi bạn cảm thấy tức điên lên hoặc cảm thấy bị xúc phạm thì tất cả những điều bạn muốn là được người khác lắng nghe. Do đó, hãy cho họ cơ hội để họ trút hết cảm xúc của mình và tôn trọng nhu cầu được diễn tả cảm xúc của họ. Có thể bạn sẽ ngạc nhiên và không ngờ rằng, hành vi của mình lại tiêu cực đến thế. Tìm kiếm sự rõ ràng: Đôi khi có thể có những hiểu nhầm khiến cả hai bên hành động thiếu cân nhắc, lúc này, việc đặt những câu hỏi thích hợp nhằm làm rõ những điều hai bên đã nói ra trong thời điểm đó là cần thiết. Bạn có thể hỏi rằng: “Tôi và anh có thể xem xét lại liệu…” hoặc “có phải đó là điều anh đang nói không?” Tất nhiên chúng ta thường có xu hướng phản ứng lại ngay với những điều chúng ta nghe được, vì có thể chúng ta không có ý như vậy, và chúng ta lại đổ lỗi về phía kia. Nhưng điều này chỉ làm cho mọi chuyện trở nên xấu hơn. Điều ấn tượng trong lời xin lỗi của cha con hai người kể trên là không ai đổ lỗi cho ai cả – họ đơn giản tìm kiếm sự rõ ràng cả về phía mình và cả phía đối phương. Đề nghị được tha thứ: “Nhưng tại sao tôi phải xin lỗi và xin được tha thứ – đó không phải là lỗi của tôi”. Chúng ta đã biết bao lần nghe thấy câu đó rồi. Cũng có thể đó không phải là lỗi của họ mà chẳng qua là đối phương đã phản ứng theo cách mà họ không nghĩ ra trước đó mà thôi. Thẳng thắn mà nói, hãy tự hỏi, khi đó chúng ta có nghĩ về nhu cầu và mối quan tâm của người khác trước khi hành động không? Có khi nào bạn dừng lại để nghĩ về những lời bạn sử dụng và ảnh hưởng mà chúng có thể gây ra hay không? Bạn có nợ ai đó một lời xin lỗi không? Liệu đó là một chuyện nhỏ hay là biến cố lớn? Hãy dũng cảm để xin lỗi – nó có sức mạnh để thay đổi các mối quan hệ của bạn.