“Nhiều doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam thất bại trong việc tìm kiếm đối tác chiến lược thông qua IPO chủ yếu là do vẫn tồn tại yếu tố chính trị nằm trong cơ chế quản trị tại các doanh nghiệp. Về mặt khả thi, phần lớn nhà đầu tư nước ngoài rất ngại cái yếu tố này”.
Theo chuyên gia kinh tế Alan Phan, cuộc chơi IPO của các DNNN sẽ vẫn tiếp tục gặp khó do những hạn chế trong nội tại.
Có thể nói Việt Nam đang đứng trước một thử thách lớn trong việc thực hiện “đại kế hoạch” cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước (DNNN).
Nhiều nhà đầu tư ngoại cho rằng, thử thách ở đây không hẳn nằm ở tiến độ “1 ngày phải cổ phần hóa 1 doanh nghiệp” mà nằm chính ở những yếu tố nội tại trong các DNNN.
Với góc nhìn của một nhà đầu tư, Chuyên gia Alan Phan đã chỉ rõ những hạn chế nội tại của các DNNN trong việc cổ phần hóa.
Gần đây, thị trường đang dành nhiều sự quan tâm đối với kế hoạch cổ phần hóa của các DNNN lớn. Đặc biệt, chỉ tính riêng lượng cổ phần chào bán của 7 tập đoàn, tổng công ty lớn đã lên tới con số 4,7 tỷ USD. Ông có đánh giá thế nào về cơ hội IPO của những cái tên như Vietnam Airlines, Mobiphone, PV Gas…?
Theo tôi thấy thì cái này hơi phức tạp, bởi vì thường các công ty nhà nước lớn của Việt Nam đều có những yếu tố đặc biệt, khó có thể xác định được, nói đúng hơn cũng không thể đánh giá chuẩn được.
Thành ra, về thị trường mua bán – sáp nhập (M&A) của các doanh nghiệp quốc doanh (DNNN) ở Việt Nam, không ít nhà đầu tư cũng muốn nhảy vào.
Tuy nhiên, nó chỉ phù hợp với những nhà đầu tư chiến lược muốn tạo tài sản lâu dài trong một quốc gia ít biến động, với một thị trường có quy mô dân số lớn lại trẻ.
Tuy vậy, những nhà đầu tư chiến lược này phải chấp nhận lỗ vài ba năm đầu để tái cấu trúc, tăng giá trị… và cũng chưa chắc họ đã thành công.
Mặt khác, cũng sẽ có những nhà đầu tư tài chính nhỏ lẻ muốn nhảy vào thị trường này để lướt sóng cổ phiếu, kiếm lời nhanh.
Tuy nhiên, việc tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược mới là đặc biệt quan trọng đối với những kế hoạch IPO lớn.
Nói chung, thị trường IPO lên tới 4,7 tỷ USD của 7 DNNN lớn kể trên cũng có thể tạo chút lực chuyển, nhưng không phải là hấp dẫn lắm đối với các nhà đầu tư dài hạn về chứng khoán.
Thời gian qua thị trường cũng chứng kiến nhiều vụ IPO của các DNNN lớn kém hiệu quả nếu không muốn nói là thất bại. Theo ông, nguyên nhân chính của việc này do đâu?
Như tôi đã từng phân tích, nguyên nhân chính của việc này là do ở Việt Nam, đặc biệt ở các DNNN vẫn tồn tại yếu tố chính trị nằm trong cơ chế quản trị. Về mặt khả thi, phần lớn nhà đầu tư nước ngoài rất ngại cái yếu tố này lắm.
Cũng giống như việc tham gia một trận chiến, họ vừa mua lại thì đã phải chống đỡ với cả trăm mặt trận, cho nên họ thấy bỏ tiền ra bị quá nhiều rủi ro, không khả thi lắm.
Thế nên họ vẫn thường theo dõi và đợi các nhà đầu tư khác mạo hiểm trước mua đi rồi làm cho sạch sẽ vào.
Sau đó, thậm chí họ phải trả giá cao hơn khi mua lại, nhưng họ vẫn sẽ an toàn hơn so với việc phải giải quyết hàng trăm thứ không nằm trong chuyên môn.
Ở góc nhìn của một nhà đầu tư, theo ông các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến việc mua cổ phần của các DNNN thuộc lĩnh vực nào hoặc cụ thể là doanh nghiệp nào trong số hơn 400 cái tên phải cổ phần hóa từ nay đến hết năm 2015?
Như tôi nói đấy, những DNNN nào ở Việt Nam đơn giản, ít rắc rối về mô hình kinh doanh và có ban quản trị chuyên môn hơn sẽ thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư nước ngoài.
Ví dụ như Mobiphone, nó khá đơn giản, có 1 cái giấy phép, có một thị trường tốt với thị phần tương đối cao, đồng thời nó cũng chỉ tập trung vào một lĩnh vực chuyên môn là dịch vụ điện thoại.
Mobiphone không dính dáng tới đầu tư dàn trải, như bất động sản hoặc các ngành, lĩnh vực khác mà trong bối cảnh khó khăn hiện nay rất dễ gây ra thua lỗ.
Thực trạng đầu tư tràn lan ngoài ngành, kéo dài thua lỗ, gây nhiều nợ xấu của các DNNN là một thực trạng phổ thông. Những doanh nghiệp như Mobiphone sẽ là kiểu doanh nghiệp được nhà đầu tư nước ngoài ưa chuộng hơn trong việc mua bán cổ phần thông qua IPO.
Vậy theo ông, sẽ khá nhiều DNNN trong số hơn 400 cái tên cần cổ phần hóa sẽ gặp khó khăn khi IPO?
Theo nhận xét trên, nội tại của các DNNN chứa đựng nhiều khuất tất từ quản trị đến kết quả hoạt động kinh doanh và hiệu năng nhân viên. Kể cả những công nghệ, cơ sở và sản phẩm xưa cũ, không phù hợp với kinh tế cạnh tranh của toàn cầu.
Do đó, ai thâu tóm các DNNN này sẽ cần tái cấu trúc toàn diện và dọn dẹp những lãng phí, mất mát… rất phức tạp.
Trong khi đó, nhà đầu tư nước ngoài có rất nhiều lựa chọn trên thế giới, không ai sẵn tiền và thì giờ muốn ra tay làm những việc khó khăn này. Đi kèm là những rủi ro ngoài tầm kiểm soát.
Họ sẽ sẵn sàng bỏ tiền đầu tư vào các DNNN đơn giản, dễ hiểu, có minh bạch, thương hiệu tốt, thị phần cao, tầm nhìn tốt…bởi sau cùng, họ sẽ mất ít thời gian và tiền bạc để tái cơ cấu.
Họ cần xây dựng và phát triển công ty ngay theo chiến lược mới của họ để tạo ra lợi nhuận nhanh nhất.
Xin cảm ơn ông!
Theo Bizlive