5 rủi ro lớn nhất của thế giới

Trong dự báo mới đây nhất được công bố về tăng trưởng kinh tế thế giới, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã lại một lần nữa hạ thấp mức tăng trưởng kinh tế thế giới cho năm 2014, nhưng giữ nguyên mức dự báo đã công bố trước đó cho năm 2015. 

Xe thiết giáp ở miền đông của quân đội Ukraine

Tăng trưởng chậm
Nhìn vào con số tuyệt đối thì thông điệp đó là kinh tế thế giới tăng trưởng chậm hơn. Nhìn từ khía cạnh kỳ vọng thì thông điệp của IMF là triển vọng kinh tế thế giới không được tốt đẹp như mong đợi.
Theo IMF, kinh tế thế giới năm 2014 chỉ có thể tăng trưởng ở mức độ 3,4% chứ không phải 3,7% như đã được dự báo, và cho năm 2015 là 4%. IMF chỉ ra nhiều nguyên nhân. Kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại như thế bởi kinh tế Mỹ, Nhật Bản và khu vực đồng Euro đều tăng trưởng chậm hơn so với mức dự báo trước đó. Tương tự như vậy đối với kinh tế Trung Quốc và Ấn Độ. Mọi động lực và đầu tầu cho tăng trưởng kinh tế thế giới đều hoặc mất sức hoặc chưa lấy lại được sức.
Bi quan đúng còn hơn lạc quan sai
IMF chỉ ra 5 rủi ro lớn nhất đối với kinh tế thế giới trong thời gian tới. Nếu các quốc gia và các khu vực, châu lục không cùng nhau hợp sức đẩy lùi những rủi ro ấy thì sẽ hết sức nguy hại đối với kinh tế thế giới và chưa chắc kinh tế thế giới trong năm 2015 sẽ đạt được mức độ tăng trưởng 4% như hiện tại được dự báo.
Rủi ro thứ nhất là tình hình chính trị an ninh ở Ucraine, Trung Đông và Vùng Vịnh. Không chỉ quan hệ chính trị mà cả quan hệ kinh tế, tài chính, thương mại và đầu tư giữa các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề. Hoạt động đầu tư suy giảm do lo ngại về an ninh. Trao đổi thương mại bị ngưng trệ hoặc rối loạn. Tình hình chính trị an ninh ở những khu vực này như thế có chiều hướng đẩy giá năng lượng lên cao.
Rủi ro thứ hai là lĩnh vực tài chính ở Trung Quốc. Đánh giá này của IMF khiến bên ngoài không khỏi bất ngờ nhưng IMF có cách lập luận riêng. IMF cho rằng kinh tế Trung Quốc vốn trong nhiều năm là một đầu tầu cho tăng trưởng kinh tế thế giới. Nhưng những vấn đề khó khăn đối với kinh tế Trung Quốc đang ngày càng lộ diện và trầm trọng nhất là hệ thống ngân hàng và tài chính. Tín dụng quá dễ dãi dẫn đến bị lợi dụng để đầu tư tràn lan, kém hiệu quả và gây ra hậu quả tai hại về môi trường sinh thái. IMF cho rằng yếu kém và bất cập của hệ thống tài chính và ngân hàng Trung Quốc nếu không được khắc phục ngay và triệt để thì Trung Quốc không thể duy trì được nhịp độ tăng trưởng kinh tế vốn đã thấp đi đáng kể so với trước. Kinh tế thế giới vì thế mà bị ảnh hưởng trực tiếp.
Mọi động lực và đầu tầu cho tăng trưởng kinh tế thế giới đều hoặc mất sức hoặc chưa lấy lại được sức.
Rủi ro thứ ba là hệ thống ngân hàng trong EU và liên quan trực tiếp đến nó là chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Châu Âu và chính sách tài chính của EU. Trong EU, lòng tin vào hệ thống ngân hàng chưa hồi phục. Các ngân hàng chưa tin lẫn nhau và công chúng nghi ngờ ngân hàng. EU đã đưa ra biện pháp là thành lập cơ quan kiểm soát nhân hàng do Ngân hàng Trung ương Châu Âu lãnh đạo và bắt buộc các ngân hàng phải để cơ quan này “kiểm tra sức khoẻ”. Về lý thuyết, làm như vậy sẽ khôi phụ được dần lòng tin vào hệ thống ngân hàng và tài chính. Nhưng EU vốn cũng nổi tiếng về quyết nhiều nhưng thực thi nửa vời. Vì thế, hệ thống tài chính và ngân hàng trong EU vẫn là rủi ro lớn đối với kinh tế EU và qua đó đối với kinh tế thế giới.

Rủi ro thứ tư là nợ nần của các DN. Lợi dụng lãi suất thấp và nguồn tiền dồi dào, các DN nợ nần nhiều ưu tiên trả nợ chứ không tập trung vào đầu tư sản suất. Như thế sẽ không tạo nên tăng trưởng kinh tế. Cái vòng luẩn quẩn ở đây là một khi không tạo ra được tăng trưởng kinh tế thì các DN lại cần nhiều thời gian hơn để trả nợ. Vì thế, cung về tín dụng dẫu có nhiều nhưng cầu về tín dụng cho đầu tư sản xuất lại ít. Tất cả các ngân hàng trung ương hiện đều chưa có biện pháp thích hợp để thoát khỏi tình trạng này. Họ có chính sách tiền tệ trong tay và muốn giúp các chính phủ khôi phục tăng trưởng kinh tế năng động nhưng các DN với hoạt động sản xuất kinh doanh của mình mới là những chủ thể trực tiếp làm nên tăng trưởng kinh tế.
Rủi ro thứ năm là bước ngoặt về lãi suất. Cho tới nay, mặt bằng lãi suất cơ bản rất thấp và khối lượng tiền rất dồi dào trên thị trường. Cục dữ trữ Liên bang Mỹ đã bắt đầu điều chỉnh chính sách tiền tệ ấy. Các ngân hàng trung ương khác rồi cũng sẽ làm theo. Tác dụng đến đâu, hậu quả như thế nào và hệ luỵ ra sao thật không thể lường đoán được cho kinh tế thế giới.
Cũng chính vì thế mà IMF thể hiện trong báo cáo này quan điểm: thà bi quan đúng còn hơn là lạc quan sai.

Theo dddn