Đừng nghĩ rằng nghỉ việc, rời khỏi chốn cũ là xong hết tất cả. Nghỉ việc cũng cần phải khéo léo và thật chuyên nghiệp.
Ảnh minh họa
Ngồi 5 năm tại ghế Trưởng phòng Nhân sự của một công ty bán lẻ đồ điện tử, chị Mai khá bức xúc về tình trạng nhảy việc của nhân viên trẻ, nhân viên mới ra trường. Chị nhấn mạnh “Nghỉ việc nhiều khi cũng đã đủ gây rắc rối, các bạn ấy còn để lại một đống hổ lốn và những câu chuyện dở khóc dở cười khi nghỉ việc ấy chứ”.
Theo chị Mai, yêu cầu tuyển dụng đầu vào khá thấp, chỉ cần hiểu biết một chút về đồ điện tử, hoặc có thể được đào tạo thêm, quan trọng nhất là ngoại hình – giọng nói và duyên bán hàng. Mấy năm gần đây tuy việc làm ăn không được như trước nhưng công ty vẫn yêu cầu nhân sự phải tuyển đầy đủ, nhưng vào một thời gian mà thu nhập và chế độ không được như ý thì các em lại nghỉ. Vấn đề là cái cách mà các bạn nhân viên nói lời tạm biệt với đồng nghiệp, sếp cũ và công ty thì không phải ai cũng giống nhau.
Nhân viên trẻ hay sinh viên mới ra trường cũng không có tâm lý gắn bó với một công ty lâu dài, chỉ cần nhận được thư mời với mức lương cao hơn một chút cũng đủ để các bạn quyết định “dứt áo ra đi”. Nhiều người chẳng ngại ngần bô bô về chế độ đãi ngộ hay sự hoành tráng của công ty mới, ca ngợi sếp tương lai hết lời.
Những lúc như thế nhân viên cấp thấp cũng bồn chồn muốn nhanh chóng liên hệ với phòng tuyển dụng của công ty khác, người quản lý cấp cao thì chỉ biết nhìn nhau ngán ngẩm.
Cũng có nhân viên nam làm việc được vài ba năm, quan hệ với khách hàng khá tốt, nắm trong tay nhiều đầu mối quan trọng của công ty, bỗng dưng xin nghỉ không lương vì “việc gia đình”. Ngày ký vào đơn xin nghỉ sếp còn đùa rằng nếu có cô nào bắt dắt “cả trâu lẫn nghé” đột ngột thế thì cũng nhớ mời anh em uống rượu, anh kia chỉ ngượng ngùng không nói.
Hết thời gian xin nghỉ không lương, phòng Nhân sự không thể nào liên hệ được với số điện thoại của nhân viên nữa, facebook cũng khoá và chặn tất cả đồng nghiệp.
Nhưng cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra, một khách hàng lớn gửi bản chào giá thấp hơn với nhiều ưu đãi hơn từ phía công ty đối thủ, mà tên ký ở bên dưới chính là tên của anh nhân viên nọ. Hoá ra anh đã “lặng lẽ” sang công ty đối thủ mà không ai hay biết, mang theo nhiều thông tin cũng như dữ liệu của công ty.
Cũng may đây là khách hàng lâu năm và khá tin tưởng nên công ty đã không mất đi một mối lớn, nhưng ai mà biết những khách hàng khác có quay sang bắt tay với anh ta hay không.
Lại có trường hợp một chị trưởng phòng kinh doanh tính nóng như lửa, khi sếp đưa ra chương trình bán hàng mới có điều chỉnh về định hướng cung cấp các sản phẩm đắt tiền, sang trọng hơn là hàng bình dân như lâu nay vẫn làm, khiến doanh số sụt giảm trong vài tháng đầu. Chị trưởng phòng bán hàng này vào họp và kiến nghị với sếp những gì không biết. Nhưng khi ra giữa văn phòng chị đóng cửa đánh rầm, khuôn mặt hầm hầm tức giận và lớn tiếng chửi bới sự “nhìn ngắn” của sếp, đồng thời tuyên bố nghỉ việc, ngày hôm sau nghỉ luôn không đến văn phòng. Báo hại phòng Nhân sự phải liên hệ qua lại giải quyết giấy tờ cho vụ “nghỉ đột ngột” của chị.
Theo lời khuyên của chị Mai, khi quyết định nghỉ việc ở công ty hiện tại, cho dù vì lý do gì, như vì mâu thuẫn với sếp, nhận được một lời mời “ngon lành” hơn nghỉ chuyển sang nghề khác, nghỉ hưu… bạn vẫn cần chuẩn bị chu đáo cho sự ra đi của mình. Phải làm sao để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng người ở lại, cũng như tăng khả năng duy trì các mối quan hệ và biến họ thành khách hàng tiềm năng của mình trong tương lai.
Đầu tiên bạn cần trao đổi thẳng thắn với cấp quản lý về quyết định xin nghỉ việc, thời gian nghỉ việc dự kiến, bàn bạc việc bố trí người thay thế hay đào tạo người kế nhiệm, thời gian hợp lý cho việc bàn giao. Sau khi đạt được thỏa thuận về thời gian xin nghỉ hãy tiến hành thông báo cho bộ phận quản lý Nhân sự và Ban Giám đốc theo đúng quy định của công ty.
Vào ngày chia tay bạn cần viết email chào các đối tác của công ty mà mình phụ trách, đồng thời giới thiệu người kế nhiệm và tiếp nhận việc liên hệ với các đối tác này, cũng như thông tin liên lạc của người đó. Đối tác sẽ đánh giá cao sự cẩn thận, chu đáo và chuyên nghiệp của bạn.
Tuy không chủ đích câu kéo khách hàng về công ty mới, nhưng thực tế khách hàng thường muốn làm việc với người mình đã quen thuộc, nên biết đâu họ sẽ chủ động liên hệ với bạn ở công ty mới. Hơn nữa không ai dám chắc một vài người trong số đối tác đó có tiềm năng trở thành sếp trong tương lai của bạn.
Hãy tổ chức một buổi tiệc nhỏ chia tay đồng nghiệp, không cần cầu kỳ mà đôi khi chỉ cần bố trí hoa quả, bánh ngọt cũng đủ tạo nên một ấn tượng tốt về sự ra đi vui vẻ của bạn.
Nếu không có điều kiện thì tối thiểu bạn cũng nên gửi một bức email chia tay đồng nghiệp, nói lời cảm ơn tới Ban Giám đốc, người quản lý trực tiếp và sự hỗ trợ của các phòng ban khác một cách chu đáo và chau chuốt.
Bạn cũng nên để lại cách để liên hệ (qua điện thoại, facebook, địa chỉ..vv..) để nếu có phát sinh sự việc cần giải quyết, đồng nghiệp cũ cũng có thể liên hệ với bạn dễ dàng.
Trước khi rời khỏi công ty, bạn cần chắc chắn rằng đã dọn dẹp sạch sẽ chỗ ngồi làm việc của mình, tặng một vài món quà lưu niệm nho nhỏ mà bạn đã chuẩn bị cho những đồng nghiệp mà bạn quý mến.
Chị Mai chân thành chia sẻ: “Chia tay công ty không có nghĩa là cắt đứt toàn bộ liên hệ, vẫn có thể tìm thấy những người bạn chân thành ở đây, nên mình cũng vẫn giữ liên hệ với nhiều bạn đồng nghiệp cũ. Thỉnh thoảng cuối tuần chị em lại rủ nhau cafe vừa bổ sung thêm tin tức (tất nhiên là vô hại) trong ngành hoặc chia sẻ với nhau trong cuộc sống.
Làm gì thì làm, nghỉ việc cũng phải đàng hoàng, chứ như cái anh chàng kia gặp lại sếp trong hội nghị khách hàng của nhà cung cấp, cúi gằm mặt không dám chào hỏi và lỉnh đi rõ nhanh. Cùng ngành cùng nghề, tránh sao được. Đã thế sếp của cậu ta còn quen biết bên này, cũng nghe phong thanh vụ khách hàng kia nên cũng không hài lòng và trọng dụng cậu ta, ai mà biết được liệu cậu ta có lại ăn cắp thông tin và bỏ đi như thế nữa không chứ”.
Thế mới biết, nghỉ việc cũng cần lắm sự chu đáo, lịch sự, có văn hóa và … chuyên nghiệp.