Cảnh báo “cơn sốt nông nghiệp”

Cty Licogi 14 (L14) niêm yết trên sàn HNX vừa chính thức công bố nghị quyết của Đại hội cổ đông, theo đó ngoài lĩnh vực mà Cty đang theo đuổi là bất động sản (BĐS), xây dựng DN này sẽ chuyển hướng sang lĩnh vực nông nghiệp. Đây một lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ của L14. Thông tin này khiến nhiều người quan ngại bởi đây là một DN có quy mô vốn nhỏ. Vì sao ?


Tỉ lệ vốn đầu tư vào nông nghiệp của một số DN lớn trong lĩnh vực BĐS, xây dựng

Trong tình hình thị trường bất động sản còn chưa khởi sắc, nhiều DN, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản đang chuyển hướng đầu tư vào các ngành nông nghiệp như: trồng rừng, cao su, mía, gạo và XK nông sản và đã đem lại những kết quả thành công bước đầu.

“Đại gia” đón cơ hội

Theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý IV năm 2013 của Cty CP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL), việc đầu tư vào mía đường trong năm đầu tiên đi vào hoạt động đã mang về cho HAGL xấp xỉ 840 tỷ đồng doanh thu. HAGL đang có vùng trồng mía nguyên liệu lên đến 10.000 ha và nhà máy ép có công suất 7.000 tấn mía/ngày.

Trong khi mía đường thu được thành công ngoài mong đợi thì doanh thu từ cao su vẫn còn khá khiêm tốn. Theo dự kiến ban đầu, HAGL sẽ thu về 512 tỷ đồng từ cao su nhưng kết quả chỉ đạt 239 tỷ đồng – chiếm 9% tổng đoanh thu. Như vậy, mảng nông nghiệp gồm mía đường đã đóng góp 39% tổng doanh thu năm 2013. Dự kiến, nguồn thu từ 2 sản phẩm này sẽ tăng đáng kể trong năm 2014.

Cách đây không lâu, Tập đoàn Đức Long Gia Lai (DLG), từng gây “sóng gió” với các dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A đã công bố sẽ chọn nông nghiệp là một trong những ngành chủ đạo. Cụ thể, đơn vị này đã thành lập Cty con là Cty Nông nghiệp Đức Long Gia Lai với vốn điều lệ 360 tỉ đồng để trồng bắp, cây lương thực có hạt, cây lấy củ có chất bột, trồng mía, cao su…

Tại TP HCM, Cty CP Phát triển nhà Thủ Đức (Thuduc House) cho biết, Cty đang đẩy mạnh XK các loại gỗ dăm phục vụ cho ngành công nghiệp làm giấy, sắn làm cồn cho các đối tác Nhật Bản. Dự kiến trong năm 2014, DN này sẽ ký nhiều hợp đồng XK mặt hàng lâm sản với khách hàng.

Một tập đoàn lớn khác là Tập đoàn Tân Tạo hoạt động trong lĩnh vực khu công nghiệp và bất động sản từ vài năm trước cũng đã mở rộng hoạt động kinh doanh sang nông nghiệp với việc thành lập Cty chuyên nghiên cứu và sản xuất gạo thơm. Tập đoàn này tiến hành nghiên cứu giống lúa, đầu tư vốn và bao tiêu sản phẩm cho nông dân.

Theo các chuyên gia, việc DN bất động sản đổ vốn vào nông nghiệp là dấu hiệu tốt vì dòng vốn nhà nước đầu tư cho lĩnh vực này quá thấp. Vị chuyên gia này cũng lưu ý rằng DN đầu tư vào nông nghiệp cần có cái nhìn dài hạn, đón cơ hội từ Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP).

“Tiểu gia” theo phong trào ?

Đại hội cổ đông vừa qua của Cty Licogi 14 đã thống nhất biểu quyết (91%) thông qua việc bổ sung ngành nuôi trồng và khai thác thủy sản vào ngành nghề kinh doanh của Cty, lấy đó làm thước đo hoạt động chính của DN.

Theo báo cáo của Sở Giao dịch chứng khoán HNX, lợi nhuận trước thuế trong năm 2013 của L14 là 4,526 tỷ đồng, tỷ lệ chia cổ tức là 9%. Trong năm 2014, Cty đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 7 tỷ đồng, mức cổ tức dự kiến 15%. Với khối lượng dự án hiện có, Cty vẫn tiếp tục theo đuổi các dự án đã và đang đầu tư. Đối với dự án Khu đô thị Minh Phương phải hoàn thành trong năm 2014, Cty sẽ bàn giao cho TP Việt Trì theo đúng kế hoạch tiến độ. Riêng Dự án Thủy điện Bảo Nhai, Cty không sẽ không đầu tư nhưng sẽ đàm phán với các đối tác đã ký hợp đồng khảo sát, thiết kế để chia sẻ rủi ro, tìm đối tác chuyển nhượng cổ phần vốn đã đầu tư.

Nông nghiệp là lĩnh vực nhiều rủi ro, trong khi lợi nhuận mang lại rất thấp.

Dự án Khu đô thị Bình Minh, Lào Cai, Cty sẽ tạm dừng công tác chuẩn bị đầu tư. Ngoài lĩnh vực BĐS đang theo đuổi, L14 cũng cho biết Cty sẽ đầu tư mới hoặc huy động vốn đầu tư cửa hàng xăng dầu tại Khu đô thị Minh Phương, huy động vốn thành lập Cty cổ phần kinh doanh xăng dầu, mỡ các loại, vật liệu xây dựng. Bên cạnh đó, Cty sẽ tiếp tục tìm kiếm các dự án đô thị xen kẽ, nhỏ lẻ tại Phú Thọ và Lào Cai để đầu tư…
Tuy nhiên điều làm rất nhiều người bất ngờ là với một DN có quy mô vốn nhỏ như L14, thì việc đầu tư vào lĩnh vực mới mẻ và nhiều rủi ro như nông nghiệp liệu đã là hướng đi đúng trong bối cảnh hiện nay ?

Cẩn trọng với xu hướng

Thực tế cho thấy, dù Nhà nước có các chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nhưng, có thể thấy, các DN trong lĩnh vực này đang phải đối mặt với nhiều vấn đề như thiên tai, dịch bệnh, giá cả thị trường… Ngoài ra, công nghệ cao và quỹ đất cũng là những vấn đề nan giải đối với DN. Do chính sách ruộng đất hiện nay, việc tìm ra những khu đất có diện tích lớn để phát triển nông nghiệp quy mô lớn là rất khó. Nói như bà Huỳnh Thị Bích Ngọc – Chủ tịch Cty Thành Thành Công: “Tại VN, khó khăn nhất vẫn là không có quỹ đất quy mô lớn, rất khó để cơ giới hóa”.

Hiện nay ở các tỉnh có một thực tế là khi DN đầu tư vào các KCN thì được trải thảm đỏ, nhưng muốn làm một vùng nguyên liệu nông sản, các trang trại chăn nuôi quy mô lớn hoàn toàn không đơn giản vì rất khó kiếm được vài chục hecta đất sạch. Chính vì vậy, dù có khá nhiều DN muốn đầu tư vào ngành này, nhưng rào cản về quỹ đất vẫn là thách thức lớn nhất.

Bên cạnh đó, theo nhận định của một chuyên gia trong ngành thì, khi mới chân ướt chân ráo vào ngành này DN rất cần được giảm và miễn tối đa các phí, thuế có liên quan cho DN đầu tư vào nông nghiệp, khấu trừ thuế VAT cho nguyên liệu vật tư thiết yếu cho sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, cần sự hỗ trợ của Nhà nước (Bộ KH-CN) với DN trong việc đưa công nghệ cao vào nông nghiệp.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, việc DN chuyển hướng đầu tư sang nông nghiệp là xu hướng lạ. Lạ vì đây là lĩnh vực nhiều rủi ro, trong khi lợi nhuận mang lại rất thấp. Trong khi đó, đang xuất hiện tình trạng nhiều DN nhỏ, vốn nhỏ không đủ tiềm lực lại đua nhau đầu tư sẽ dẫn đến thảm cảnh “cha chung không ai khóc” và hậu quả là sản phẩm đầu ra không có nơi tiêu thụ…

Từ trường hợp L14 rồi các DN khác có thể nhận thấy việc đầu tư ồ ạt cần gióng lên hồi chuông cảnh báo. Để cảnh báo tình trạng đầu tư tràn lan vào lĩnh vực này, thiết nghĩ công tác quy hoạch cần chặt chẽ và quy mô, bài bản hơn nữa. Theo đó, chỉ những DN có khả năng về quĩ đất, có công nghệ tiên tiến, tìm được đầu ra cho thị trường sản phẩm mới được đầu tư… Không nên để tình trạng mạnh ai đấy làm, nhà nhà đầu tư rồi sản phẩm sản xuất ra không có nơi tiêu thụ, đồng vốn Nhà nước bị đọng không thu hồi được… một vị chuyên gia thẳng thắn chia sẻ.

Theo dddn