Dân công sở vật lộn kiếm việc làm thêm

Làm 8 tiếng ở cơ quan vẫn không đủ sống, nhiều người phải xoay vần làm thêm bằng đủ mọi cách để trang trải chi phí sinh hoạt ngày càng leo thang.

Ảnh minh họa

Là kế toán trưởng tại một công ty xây dựng khá lớn, chị Thương (Thái Hà- Hà Nội) vẫn không đủ tiêu với mức lương chưa đến 11 triệu đồng. “Lương tháng nào hết tháng đó, có lúc còn âm, phải rút sổ tiết kiệm ra dùng dần. Gần đây xăng tăng giá, mọi thứ khác cũng đắt lên nên cuộc sống gia đình ngày càng chật vật”, chị cho biết.
Tuy có hai con nhỏ luôn cần mẹ dành thời gian chăm sóc, chị quyết định vẫn phải tìm cách kiếm thêm đồng ra đồng vào. Nghĩ là làm, mới đây chị bắt đầu nhận làm sổ sách kế toán, kê khai thuế hàng tháng cho hai công ty quen. “Các công ty nhỏ mới thành lập thường chọn cách thuê kế toán ngoài để tiết kiệm chi phí vì công việc cũng không có gì nhiều. Còn mình cũng có lợi vì một lúc có thể làm cho nhiều nơi, mỗi tháng có thêm ít nhất 2 triệu đồng, đủ tiền sữa bỉm cho các con”, chị Thương phấn khởi nói.
Mặc dù vậy, chị thừa nhận cũng đã phải đánh đổi nhiều khi nhận việc làm thêm: “Sau khi đi làm cả ngày, ai cũng chỉ mong buổi tối về để chơi với các con, dạy con học bài. Nhưng bây giờ ở nhà tối, cứ tối đến là mẹ cặm cụi trong phòng làm việc, các con phải giao cho bố hoặc tự quản nhau, có lúc con đi ngủ rồi mà mẹ vẫn chưa làm xong”.
Trong khi chị Thương có chuyên môn về kế toán, Thanh Huyền, một giảng viên tại trường Đại học Quốc gia lại dùng vốn ngoại ngữ để kiếm thêm.
Là giảng viên, mỗi tuần chị lên lớp chục giờ đồng hồ. Thời gian còn lại, chị dành phần lớn cho việc dịch tài liệu. “Ban đầu khi mới làm, tôi chỉ nhận vài tài liệu mỗi tuần, sau khách hàng giới thiệu cho nhau nhiều nên khối lượng công việc ngày càng lớn, thu nhập cũng tăng dần”, chị Huyền nói. Hiện nay, thù lao của chị là 25.000 đến 60.000 đồng mỗi trang dịch, tùy thuộc độ khó của tài liệu. Những lúc công việc nhiều không xuể, chị lại “chia” cho các sinh viên dịch giúp rồi trả công tương xứng.
Ngoài ra, thỉnh thoảng chị lại đi phiên dịch cho các dự án nước ngoài, với thù lao cao hơn nhiều nhưng không thường xuyên. Thu nhập từ làm ngoài của chị bây giờ cao gấp 3, gấp 4 lần đồng lương đứng lớp. Nhưng đổi lại, chị Huyền cho biết do làm lụng nhiều quá nên không có thời gian kiếm chồng. “Ngày xưa thời sau bao cấp, bố mẹ tôi là giáo viên cũng phải xoay vần ngoài chợ mới đủ sống. Bây giờ đến thế hệ tôi cũng chưa thoát cảnh phải chạy vạy mưu sinh”, chị thở dài nhận xét.
Người có chuyên môn làm thêm đã khó, những người không có chuyên môn gì càng khó hơn. Như Thu Thủy, nhân viên hành chính của một cơ quan nhà nước đã chọn “nghề” nhập liệu online. Tuy là công việc đơn giản, không cần phải suy nghĩ gì nhưng nghề này lại rất vất vả. Cứ 10 người làm thì phải đến 9 bỏ cuộc. Khi nhập liệu, người làm phải căng mắt, nhanh tay gõ những ký tự xuất hiện liên tục trên màn hình. Kể cả khi thành thạo, mỗi tiếng đồng hồ làm việc cũng chỉ đem lại 15.000 đến 17.000 đồng.
Hiện nay, cứ sau mỗi ngày đi làm về, Thủy phải dành hết thời gian buổi tối “thiền” trước màn hình vi tính để làm việc. Nhiều khi cô lén lút “tham nhũng” cả giờ hành chính ban ngày để làm thêm cho đủ số lượng. Những tháng nào làm đều đặn và chăm chỉ, cô có thể kiếm được hơn 2 triệu đồng.
“Muốn đi buôn thì phải có vốn, còn muốn làm thêm nghề khác thì phải có chuyên môn. Mình không có chuyên môn gì nhưng với cái cảnh bão giá từng ngày thế này, thì ‘đầu gối cũng phải bò thôi”, Thủy thở than.