Với hầu hết người, bị sa thải là điều tồi tệ và kinh khủng. Tuy nhiên nếu biết chế ngự cảm xúc và vạch ra những kế hoạch mới cho tương lai, bạn sẽ nhanh chóng vượt qua nó.
Ảnh minh họa
Yêu cầu công ty trợ cấp
Khi bạn bị sa thải, nguyên nhân không hẳn là do bạn mà có thể do công ty không có khả năng tình hình tài chính để chi trả lương cho nhân viên, trong đó có bạn. Vì vậy bạn có thể yêu cầu công ty chi trả cho bạn một khoản tiền trước khi nghỉ việc sau những gì bạn đã công hiến cho công ty.
Ngoài ra cũng đừng quên phần lương trả cho những ngày phép chưa sử dụng của bạn, thủ tục nhận trợ cấp thất nghiệp… Đây là những khoản liên quan trực tiếp đến quyền lợi của bạn, vì thế đừng quên trước khi rời công ty.
Đưa ra lời đề nghị với sếp
Hãy hỏi sếp của bạn vì sao bạn bị sa thải. Những lý giải của cấp trên có thể giúp bạn rút kinh nghiệm để không phạm phải sai lầm trong công việc kế tiếp. Ngoài ra, truớc khi nghỉ việc bạn cũng nên có lời đề nghị với sếp rằng có thể trong tương lai bạn cần xác nhận của họ để ứng tuyển cho công việc mới.
Chia sẻ với mọi người
Hãy chia sẻ với moị người tình trạng khó khăn này của bạn bằng cách trò chuyện, dùng email hay thông báo trên Facebook. Đừng ngại ngần về điều này và cũng đừng cho rằng đây là việc làm đáng xấu hổ vì thực tế cho thấy tình trạng nhảy việc, bỏ việc hay bị sa thải là điều hết sức bình thường với một người tham gia thị trường lao động.
Theo thống kê của các chuyên gia nhân sự, hằng năm có hàng triệu người rơi vào tình trạng thất nghiệp, do đó đừng nên che giấu điều này. Ngược lại, cởi mở, chia sẻ sẽ là một trong những cách hữu hiệu để bạn tìm được công việc mới thích hợp hơn trong tương lai gần từ những lời giới thiệu, thông tin hữu ích, chân thành và xác thực của bạn bè, người thân, đồng nghiệp cũ…
“Đại tu” hồ sơ xin việc
CV hay đơn xin việc cũ của bạn cần được thay đổi một số thông tin về kinh nghiệm làm việc, kỹ năng mới, khoảng thời gian làm việc, nguyên vọng trong công việc mới… Vì vậy bạn cần sớm chỉnh sửa và làm mới những thông tin cần thiết để “chinh phục” nhà tuyển dụng mới.
Bạn cũng nên tìm hiểu những yêu cầu mới của nhà tuyển dụng để đáp ứng yêu cầu của họ. Đây là cách để bạn rút ngắn thời gian tiếp cận với công việc mới.
Ngoài xem xét, chỉnh sửa và điều chỉnh CV, đơn xin việc, bạn cũng cần chuẩn bị giấy khám sức khỏe mới, hình thẻ gần đây nhất…
Xem xét việc học thêm
Nếu bạn cảm thấy cần nâng cấp kiến thức để đáp ứng yêu cầu tuyển dụng trong tương lai, bạn nên nghĩ đến việc tham gia một khóa học hay một lớp học phù hợp với kinh tế, thời gian, điều kiện… của bạn.
Đừng nóng vội
Thất nghiệp là điều không dễ chịu, nhưng cũng đừng nên nôn nóng khi tìm một công việc mới. Bởi nếu đưa ra quyết định vội vã, hấp tấp, bạn có thể sẽ phải hối hận sau này. Thay vào đó, bạn nên kiên nhẫn chờ cơ hội có công việc phù hợp với mình.
Bạn có thể tranh thủ thời gian không đi làm để làm mới bản thân, đi du lịch, làm từ thiện, dọn dẹp, chăm chút cho gia đình… Hãy xả mọi stress, sống tự tin, vui vẻ, hi vọng vào những điều tốt đẹp… bạn sẽ bắt đầu công việc mới dễ dàng hơn.