Theo định nghĩa của Học viện an toàn sức khoẻ nghề nghiệp Australia thì stress ở nơi làm việc có hại về tinh thần và thể chất, xuất hiện khi công việc không phù hợp với khả năng hoặc nhu cầu của con người. Liên Hợp quốc gọi đó là “căn bệnh của thế kỷ 20”; tổ chức Y tế thế giới gọi nó là “bệnh dịch toàn cầu”.
Ảnh minh họa
Đã đến lúc bạn cũng không thể thờ ơ với những triệu chứng của căn bệnh thế kỷ này. Hãy giành ít phút để suy ngẫm xem hàng ngày bạn có những biểu hiện nào sau đây? Nếu có, hãy tìm cách cải thiện chúng để tự bảo vệ sức khoẻ và tuổi trẻ của mình:
– Tôi luôn thức dậy với tâm trạng mệt mỏi và không sẵn sàng cho ngày làm việc mới.
– Đau đầu đã là căn bệnh thường xuyên của tôi/ Tôi hay bị đau đầu vào cuối tháng.
– Tôi thường xuyên bị mất ngủ/Tôi hay buồn ngủ vào buổi chiều.
– Tôi chỉ ước được tham gia cuộc đua xe ngay bây giờ.
– Ở đâu tôi cũng thấy thèm ăn.
– Tôi thường ăn trưa ngay lại bàn làm việc.
– Tôi thấy mình ngày càng gầy đi/ chậm chạp hơn.
– Tôi chán ngấy những câu hỏi thăm của đồng nghiệp, chồng (vợ), con vì suốt ngày họ hỏi tôi rằng có khoẻ không?
– Tôi không muốn tiếp xúc với đồng nghiệp trừ khi bắt buộc phải gặp họ.
– Tôi nóng tính và rất dễ nổi cáu.
– Tôi dường như đã quên cách gây cười, kể cả với bản thân.
– Tôi chỉ thích đấm đá.
– Tôi không thấy thích những gì xung quanh mình.
– Tôi thấy thất vọng về công việc của mình.
– Mọi niềm vui sướng đã bỏ xa cuộc đời tôi.
Nếu những câu trên quá quen thuộc với bạn, có 7 cách đơn giản sau đây giúp bạn lấy lại cân bằng trong công việc và cuộc sống:
1. Tôn trọng bản thân mình
Có lý do khi các hãng hàng không yêu cầu bạn tự tay đeo mặt nạ cung cấp oxy đầu tiên nếu có trường hợp khẩn cấp xẩy ra: Nếu bạn không làm được điều đó, sẽ chẳng thể hy vọng người khác sẽ hỗ trợ bạn. Đó không phải là sự ích kỷ mà là yêu cầu tiên quyết để bảo vệ và chăm sóc bản thân. Bạn cũng vậy, hãy học dần cách từ chối những yêu cầu từ lãnh đạo nếu bạn thấy mình không đủ sức lực hoặc thời gian. Từ chối sếp rất khó nhưng còn hơn là nhận lời rồi lại thất hứa.
2. Chăm sóc bản thân
Dù bận đến mấy, hãy giành thời gian ăn uống đủ chất. Không những thế, hãy đầu tư tìm hiểu những thực phẩm phù hợp và có lợi cho sức khoẻ. Đồng thời, nghỉ ngơi hợp lý nếu thấy cần thiết để giữ gìn sức khoẻ.
3. Tăng cường vận động cơ thể
Ngay từ bây giờ, hãy tích cực vận động bằng việc đi lại, thăm hỏi đồng nghiệp nếu có thể. Và ít ra thì cũng chịu khó vươn vai, vận động chân tay sau mỗi 1-2 tiếng làm việc liên tục để xả stress và lấy lại sự sảng khoái cho cơ thể.
4. Chơi nhiều hơn
Bạn đã bao giờ giành thời gian đứng trước gương và tự hỏi: tại sao dạo này thân hình mình lại trở nên nghiêm trọng thế: thân hình béo phệ, chậm chạp, không còn dáng vẻ hoạt bát ngày nào? Hãy tham gia những trò thư giãn để nhanh nhẹn hơn, từ đó sẽ làm việc tốt hơn. Trong tuần làm việc, bạn có thể hẹn hò với bạn bè, đồng nghiệp trong giờ ăn trưa để tụ tập, đánh chén và nói chuyện thoả thích; cuối tuần, bạn có thể cùng gia đình đi picnic, thăm hỏi người thân… Đó là những cách thư giãn đơn giản mà vô cùng hiệu quả.
5. Duy trì những thói quen lành mạnh
Hãy bắt đầu lại với việc dành thời gian chăm sóc cây cảnh vào những buổi chiều khi hết giờ làm việc, hay bách bộ đến nhà ông bạn chí cốt vào những buổi tối đẹp trời…
6. Hãy làm ngay
Bạn rất muốn chần chừ hay trì hoãn một việc gì đó mà bạn thấy cần thiết phải làm, bạn cũng muốn trì hoãn luôn cả những việc làm mà bạn yêu thích. Hãy quyết định lại ngay lập tức, đừng để những cản trở vô tình lấy đi những sở thích và việc làm có lợi cho sức khoẻ cơ thể bạn. Thời gian và cơ hội không chờ đợi bạn nhiều.
7. Biết chấp nhận
Hãy hiểu và thừa nhận rằng mìnhcũng là một con người, cũng phải có lúc mắc sai lầm trong việc này việc khác để từ đó biết tự hài lòng với bản thân và những việc mình làm. Bạn đừng nên tự dằn vặt bản thân trước những thất bại hay sai lầm nào đó để rồi những dấu hiệu của stress ngày càng hành hạ bạn.