Những thói quen “tố cáo” sự thiếu tự tin của bạn khi phỏng vấn

Phỏng vấn xin việc là khoảng thời gian căng thẳng với hầu hết ứng viên. Ai cũng muốn thể hiện bản thân một cách tốt nhất trước nhà tuyển dụng.

Ảnh minh họa

Tuy nhiên, đôi khi có những thói quen ứng viên không để ý tới sẽ “tố cáo” sự lo lắng, thiếu tự tin của họ với nhà tuyển dụng.
Chẳng hạn như thói quen rung chân, ngọ nguậy, đứng ngồi không yên. Thông thường đó là biểu hiện rõ nhất của sự bất an, lo lắng.
Nếu có thói quen này, bạn nên nhanh chóng khắc phục vì nó không chỉ khiến bạn “mất điểm” tự tin với nhà tuyển dụng, mà cả bạn và họ cũng dễ bị xao nhãng khỏi nội dung chính của cuộc phỏng vấn nếu bạn liên tục biểu hiện như vậy.
Một thói quen khác là hất tóc. Đó có thể là hành động thể hiện nét quyến rũ của bạn nhưng trong cuộc phỏng vấn, hãy hạn chế vì nó có thể khiến nhà tuyển dụng nghĩ rằng bạn làm vậy vì bối rối. Đầu tóc gọn gàng cùng trang phục chuyên nghiệp sẽ giúp bạn ghi điểm với người phỏng vấn.
Thói quen cắn móng tay cũng vậy. Không chỉ gây ấn tượng xấu (mất vệ sinh), đây còn là hành động thiếu chuyên nghiệp, thể hiện sự lo lắng và thiếu tự tin của bạn.
Làm thế nào để nhà tuyển dụng không nhận thấy sự bất an của bạn trong cuộc phỏng vấn? Đầu tiên, cần cố gắng xác định những thói quen của bạn trong những tình huống căng thẳng (bạn có thể hỏi người thân, bạn bè, họ sẽ chỉ cho bạn những “thói xấu” này). 
Sau khi biết chắc thói quen xấu của mình, hãy bình tĩnh và nhớ rằng lo lắng trong cuộc phỏng vấn là điều hoàn toàn bình thường. Thật ra, theo một thống kê gần đây của trang Glassdoor.com, có đến 82% người tham gia phỏng vấn rơi vào tình trạng này. Vì vậy, hãy coi đây là một chướng ngại vật cần vượt qua thay vì vội dằn vặt bản thân rằng mình là người tự ti, thiếu năng lực.
Tiếp theo, hãy luyện tập để loại bỏ thói quen lo lắng. Hãy chuẩn bị thật kỹ mọi câu phỏng vấn thường gặp, câu trả lời tương ứng, kiến thức về công ty, cách thương lượng lương và mọi tình huống có thể xảy ra. Tốt nhất bạn nên nhờ bạn bè, người thân đóng vai nhà tuyển dụng và luyện tập nhuần nhuyễn cho cuộc phỏng vấn. Cảm giác bỡ ngỡ, bất an sẽ dần biến mất khi bạn có cảm giác quen thuộc lúc đối diện với nhà tuyển dụng.
Khi bước vào cuộc phỏng vấn, hãy lắng nghe câu hỏi của người phỏng vấn một cách cẩn thận, dành chút thời gian ngắn để suy nghĩ, sau đó mới đưa ra câu trả lời ngắn gọn, súc tích, đi vào trọng tâm. Đừng cố gắng thể hiện sự hiểu biết rộng của mình bằng những câu chuyện ngoài lề dông dài.
Ngoài ra nếu nghe một câu nói đùa trong cuộc phỏng vấn, bạn có thể phá lên cười nhưng đừng cười khúc khích, cười quá to. Hành động này sẽ khiến người phỏng vấn nghĩ rằng bạn không nghiêm túc.