Thực ra đó là 10 và 1/2 điều mà tác giả Dan Roam khuyên chúng ta nên làm khi vận dụng và phát huy tác dụng của tư duy thị giác trong giải quyết tất cả các vấn đề của cuộc sống.
Một bức vẽ đơn giản trên mảnh khăn giấy khiêm nhường có thể hiệu quả hơn nhiều so với một bài trình bày Power Point cầu kỳ nhất, theo Dan Roam – tác giả của “Chỉ cần mẩu khăn giấy” – cuốn sách hay nhất năm (2009) của Businessweek, Fast Company và Times.
Dựa trên 20 năm kinh nghiệm và những khám phá mới nhất về khoa học thị giác, Roam hướng dẫn người đọc cách làm sáng tỏ bất cứ vấn đề nào, và “bán” bất cứ ý tưởng nào, chỉ với một bộ công cụ vô cùng đơn giản.
Chủ tịch Digital Roam Inc. đã từng hỗ trợ các nhà lãnh đạo của Microsoft, Google, Wal-Mart, Boeing, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ và cả Thượng viện Mỹ giải quyết nhiều vấn đề hóc búa, nhờ phương pháp tư duy bằng hình ảnh.
Phương pháp tư duy đặc biệt của ông đã được giới thiệu trên kênh truyền hình CNN, MSNBC, ABC News, Fox News và NPR.
Nguyên tác: The Back of The Napkin – Solving Problems and Selling Ideas with Pictures – Expanded ed.
Người dịch: Nguyễn Thanh Huyền
Bản quyền tiếng Việt: NXB Trẻ
Nội dung chính
Một cách nhìn hoàn toàn mới về kinh doanh
Vấn đề làm nản chí nhất mà bạn có thể hình dung trong kinh doanh là gì? Nó bao trùm rộng rãi, hay nhỏ bé và mang tính cá nhân? Nó thiên về chính trị, kỹ thuật hay con người? Nó xuất phát từ hoạt động cụ thể hằng ngày trong công ty bạn hay nó lơ lửng bồng bềnh trong không gian nhận thức? Điều mà bạn xem là vấn đề – bạn đã hiểu rất rõ hay chưa gặp bao giờ?
Từng quản lý công việc kinh doanh ở San Francisco, Moscow, Zurich và New York, chính tôi đã xoay xở với rất nhiều vấn đề trong nhiều lĩnh vực, và đã chứng kiến nhiều vấn đề tương tự được các đồng nghiệp, cấp trên, nhân viên và khách hàng của mình giải quyết. Đúng vậy: Tâm điểm của kinh doanh là giải quyết vấn đề.
Nếu có một cách để giải quyết vấn đề trong kinh doanh với năng suất cao hơn, hiệu quả tốt hơn và thú vị hơn, thì đó là tư duy thị giác.
Tư duy thị giác có nghĩa là tận dụng khả năng bẩm sinh của chúng ta – bằng mắt và trí tưởng tượng – để khám phá những ý tưởng còn tiềm tàng, phát triển những ý tưởng đó nhanh chóng và đầy trực cảm, rồi chia sẻ chúng với người khác sao cho họ thực sự hiểu được vấn đề.
Giải quyết vấn đề bằng hình ảnh hoàn toàn không liên quan tới năng khiếu hay đào tạo nghệ thuật.
Chuyện của tôi:
Tác giả Dan Roam
Đồng nghiệp của tôi buộc phải rời khỏi văn phòng trên một chiếc xe cứu thương và khẩn nài tôi thế chỗ cho cuộc nói chuyện mà đáng lẽ anh ta phải thực hiện vào ngày hôm sau. Tôi nhận lời, rồi mới biết rằng bài nói chuyện đó sẽ diễn ra ở Sheffield – Anh Quốc (chúng tôi thì đang ở New York – Mỹ), đối tượng nghe là các chuyên gia về giáo dục được chỉ định bởi tân thủ tướng Anh thời đó, ông Tony Blair. Đồng nghiệp của tôi chẳng hề cho tôi biết về chủ đề – cái gì đó về mạng internet, hay nơi anh ta cất giấu tài liệu của mình (nếu có).
Hôm sau, tôi ngồi trên tàu khởi hành từ ga St. Pancras của London tới Sheffield, mệt nhoài vì chênh lệch múi giờ sau chuyến bay xuyên Đại Tây Dương, xung quanh tôi toàn những đồng nghiệp Anh Quốc tôi chưa từng gặp, tất cả đều cảm ơn tôi rất nhiệt thành vì đã tới để “cứu buổi thuyết trình” của họ.
Sau khi ăn xong bữa sáng, Trưởng nhóm Anh Quốc đề nghị tôi lướt qua bài thuyết trình Power Point của mình. Nhưng tôi làm gì có. Tôi thậm chí còn không chắc là chúng tôi sẽ nói về vấn đề gì.
“Vai trò của internet đối với nền giáo dục” – Trưởng nhóm cho tôi biết, với một thoáng kinh hãi hiện lên mặt – “Anh biết đôi chút về vấn đề đó chứ?”.
“Thực ra là… không”, tôi trả lời trong lúc quay ra cửa sổ, thầm nghĩ giá được nhảy khỏi tàu thì tốt biết mấy. Nhưng rồi một ý tưởng khác bắt đầu hình thành trong óc, vậy là tôi lôi bút ra khỏi tú áo khoác và vớ lấy một mẩu khăn giấy trên bàn.
Tôi vẽ, một hình tròn với từ “thương hiệu” ở giữa.
“Anh thấy đấy, tôi nói với Trưởng nhóm, ngày nay có nhiều người rất bối rối về cách tạo ra một địa chỉ web hữu dụng. Và tôi hình dung điều này cũng đúng với khán giả của chúng ta hôm nay. Nhưng theo tôi, có ba điều mà chúng ta cần bận tâm. Đầu tiên là bản thân thương hiệu. Hai điều còn lại là nội dung và chức năng”.
Tôi thêm vào hai hình tròn nữa và đề tên tương ứng, rồi tiếp tục: “Nếu có thể xác định được mình nên điền gì vào những hình tròn này, chúng ta có thể xây dựng bất cứ trang web nào để phục vụ cho bất cứ khán giả nào, kể cả các nhà giáo dục”.
Câu hỏi đặt ra là làm thế nào chúng ta biết ba hình tròn này nên chứa những gì? Câu trả lời là đây”. Tôi vẽ một mặt cười nhỏ bên cạnh mỗi hình tròn và viết một ghi chú cho mỗi mặt. Điều mọi người muốn LÀM (hay điều chúng ta muốn họ làm) sẽ quy định chức năng. Điều mọi người muốn BIẾT (hay điều chúng ta muốn họ biết) sẽ quy định nội dung. Và điều chúng ta muốn họ NHỚ sẽ quy định thương hiệu.
Tiếp theo, tôi vẽ thêm ba hình mặt cười cùng với các ghi chú, lần này liên kết ba hình tròn với nhau. “Sau khi các nghiên cứu cho ta biết cái gì nên được đặt vào ba hình tròn này, chính nhóm làm website sẽ chịu trách nhiệm tạo ra nó. Các kỹ sư sẽ xây dựng các thành phần chức năng; những người viết nội dung sẽ xác định, viết và biên tập nội dung; và các nhà thiết kế sẽ sáng tạo ra một trải nghiệm đáng nhớ.
Rồi tôi tổng kết mảnh khăn giấy với một tựa đề và một chuỗi từ khoá.
Mảnh khăn giấy của tôi không có nét nào đẹp đẽ cả, nhưng nó khiến cho tôi sáng suốt, lanh lợi và lĩnh hội tốt – và thật đơn giản, nó trao cho tôi cả tá vị trí xuất phát để nói cụ thể hơn về bất cứ lĩnh vực nào trong vấn đề tạo ra một trang web hữu dụng.
Trưởng nhóm hỏi: “Nhưng anh có thể nói về nó trong 45 phút không?”. Tôi đáp: “Chúng ta sẽ sớm biết câu trả lời thôi”.
Giảng đường kiểu cổ điển của đại học Sheffield có những tấm bảng lớn, thế nên tôi vẽ lại mẩu khăn giấy theo từng bước trước 50 khán giả chuyên gia, dẫn dắt họ đúng như cách tôi đã làm với Trưởng nhóm trong bữa sáng. Chúng tôi không chỉ nói về vấn đề đó trong 45 phút, họ thích thú với quá trình đó đến nỗi kết cuộc là chúng tôi nói chuyện gần hai tiếng đồng hồ. Nhóm của chúng tôi giành phần thắng trong cuộc đấu.
Chia sẻ mẩu khăn giấy đơn giản kia trong hội trường đại học hoành tráng là khoảnh khắc mang tính bước ngoặt đối với tôi trong việc hiểu ra sức mạnh của những hình vẽ.
Loại vấn đề nào có thể giải quyết được bằng hình vẽ? Câu trả lời là gần như tất cả, thậm chí là các khó khăn mang tính cá nhân.
Tôi là một doanh nhân và làm việc với các doanh nhân khác, các vấn đề mà tôi tập trung vào thường liên quan đến kinh doanh, như làm cho các nhóm hiểu được cách vận hành của hệ thống, giúp những người mang trọng trách ra quyết định làm rõ cách nghĩ của họ và cải thiện cách họ truyền đạt ý tưởng cho những người khác; hiểu được một thị trường cũng như tác động có thể có đối với thị trường đó khi thay đổi một sản phẩm.
Bởi các vấn đề này thường dính dáng đến rất nhiều tiền và ảnh hưởng tới rất nhiều người, nên những vấn đề này thường được xem là chỉ liên quan tới công việc kinh doanh. Nhưng thực sự không phải thế. Sẽ sáng suốt hơn rất nhiều nếu xem những vấn đề này là đại diện cho một tập hợp rộng lớn các khó khăn mà chúng ta đều phải đối mặt hằng ngày, trong kinh doanh cũng như trong cuộc sống.
Tôi gói hầu hết các vấn đề vào các nhóm cơ bản và quen thuộc như sau:
Chúng ta chỉ cần có ba dụng cụ để trở nên xuất sắc trong việc giải quyết vấn đề bằng hình vẽ: đôi mắt, trí tưởng tượng và đôi chút khả năng phối hợp tai mắt. Tôi gọi những công cụ này là tư duy thị giác “tích hợp”. Phụ kiện cần có: giấy và bút chì, hoặc bảng trắng và bút viết bảng.
Lý do chúng ta không cần đến phần mềm máy tính hay các chương trình vẽ đồ thị phức tạp là bởi mỗi bức hình mà chúng ta sẽ tạo ra chỉ bao gồm một vài mảnh ghép đơn giản, và vốn dĩ chúng ta đều đủ khả năng thể hiện trên giấy.
Nếu có thể vẽ nên những hình thù dưới đây (dù bạn thấy kết quả xấu xí đến mức nào), chắc chắn bạn sẽ trở thành một người tư duy thị giác hiệu quả hơn.
Sự tin tưởng dành cho các công cụ có sẵn của chúng ta sẽ được đền đáp khi tới lúc chia sẻ bức vẽ với mọi người. Vì:
1/ Mọi người thích được xem tranh vẽ của người khác. Trong phần lớn các tình huống trình bày, khán giả phản ứng tích cực hơn với các hình vẽ tay. Sự ngẫu hứng và mộc mạc của các hình vẽ tay khiến họ ít bị gò bó hơn, đồng thời cảm thấy gần gũi hơn. Và chẳng có gì khiến một hình ảnh trở nên rõ ràng hơn với khán giả khi nó được vẽ từng bước một.
2/ Các hình vẽ phác bằng tay được tạo ra nhanh chóng hơn và dễ thay đổi hơn. Tư duy bằng hình ảnh rất linh hoạt, phương pháp thử và sai bằng hình ảnh cũng thường xuyên được áp dụng. Chẳng mấy khi hình vẽ chúng ta tạo ra lại giống hệt những gì chúng ta hình dung ban đầu, vì thế việc quay lại và thay đổi là rất quan trọng.
3/ Sử dụng máy tính rất dễ vẽ sai hình. Hầu hết các chương trình phần mềm được sử dụng để vẽ hình đều cài đặt sẵn một số chức năng tạo hình. Giả sử ta biết loại hình nào có ích nhất để biểu diễn điều mình muốn nói thì điều đó thật là tuyệt. Nhưng giả định này lại gần như luôn sai.
Mục đích cuối cùng của tư duy thị giác không phải là bài thuyết trình được trau chuốt tới đâu, mà là chúng ta tư duy bằng mắt thoải mái đến mức nào. Đó chính là lý do quan trọng nhất để tin tưởng vào các công cụ có sẵn của bản thân.
Quy trình 4 bước của tư duy thị giác
Bốn bước này, vốn chúng ta đã biết cách thực hiện chúng rồi: Nhìn – Thấy – Hình dung – Trình bày.
Nhìn = Thu thập và sàng lọc. Nhìn liên quan đến việc quét qua cả môi trường xung quanh để tạo nên cảm giác ban đầu về bức tranh toàn cảnh, đồng thời đưa ra những câu hỏi chớp nhoáng giúp não bộ đánh giá nhanh về những điều ở trước mặt chúng ta.
Thấy = Thu thập và tổng hợp. Trong lúc chỉ nhìn đơn thuần, chúng ta đã lướt qua một lượt toàn cảnh và thu thập các thông tin ban đầu. Còn khi thấy, chúng ta thu thập những thông tin xứng đáng được khảo sát tỉ mỉ hơn. Quá trình này dựa trên những mô hình nhận biết thỉnh thoảng có ý thức, thông thường thì không.
Hình dung = Thấy điều không có ở đó. Hình dung là điều xảy ra sau khi các hình ảnh trực quan đã được thu thập, chọn lựa, và tới lúc để bắt đầu nhào nặn chúng. Có hai cách để định nghĩa việc hình dung: Nó là hành động “thấy với đôi mắt nhắm”, hoặc “thấy điều không có ở đó”.
Trình bày = Làm rõ tất cả mọi vấn đề. Chúng ta cần tóm tắt lại tất cả những gì mình vừa thấy được, tìm ra cấu trúc tốt nhất để trình bày ý tưởng của mình một cách trực quan, sắp xếp chặt chẽ mọi thứ lên giấy, trình bày những gì mình hình dung và sau đó trả lời các câu hỏi của khán giả.
Ba công cụ cần phát triển
Để tư duy một cách trực quan, chúng ta dựa vào sự tương tác của ba công cụ sẵn có của mình: đôi mắt, trí tưởng tượng và khả năng phối hợp tay – mắt.
Chúng ta có thể phát triển cả ba, và càng phát triển tốt một công cụ, những công cụ còn lại càng có khả năng phát triển tốt hơn.
Nguyên nhân khiến hầu hết mọi người đều do dự về cách tiếp cận việc giải quyết vấn đề bằng hình ảnh là phần lớn họ đều không chắc chắn về khả năng vẽ của mình.
Hãy thử lật ngược lối suy nghĩ này: Thay vì tin rằng đầu tiên chúng ta phải biết vẽ (trình bày), hãy dành một phút để hình dung rằng khả năng vẽ tốt lại thường là kết quả của khả năng thấy tinh tường, và khả năng này lại xuất phát trực tiếp từ khả năng nhìn tốt.
4 quy tắc cốt yếu để nhìn tinh hơn
1. Thu thập tất cả những điều có thể nhìn thấy – càng nhiều càng tốt (ít nhất là lúc ban đầu).
2. Tìm một nơi mà chúng ta có thể bày biện tất cả mọi thứ ra cạnh nhau và xem xét chúng thật kỹ.
3. Luôn xác định một hệ toạ độ cho phép chúng ta hiểu rõ được phương và vị trí.
4. Bằng nhiều cách, hãy dứt khoát tách khỏi mọi điều mà mắt chúng ta mang lại – phải thực hành chọn lọc hình ảnh.
Sáu cách thấy
Có 6 câu hỏi cơ bản hướng dẫn chúng ta cách thấy sự vật và sau đó là cách trình bày chúng.
Bất kể trong tình huống kinh doanh, dự án hay kế hoạch làm việc nào, mọi vấn đề cuối cùng đều quy về 6 câu hỏi căn bản gồm: Ai (Who), Cái gì (What), Khi nào (When), Ở đâu (Where), Như thế nào (How), Vì sao (Why) – gọi là 6W.
Bằng cách quan sát vấn đề theo 6 thành phần riêng biệt nhưng có liên quan tới nhau, chúng ta có được một cách giải quyết vấn đề hoàn toàn mang tính trực giác (vì nó phản ánh lại cách mắt chúng ta vẫn quan sát từ trước tới nay) và hiệu quả cao (vì thông thường, xác định nhiều khó khăn nhỏ sẽ dễ hơn rất nhiều so với xác định một khó khăn lớn).
Câu chuyện sô cô la
Lila là một nhà quản lý đào tạo và phát triển nhân sự ở một trong những cửa hàng trực tuyến lớn nhất thế giới. Với vai trò là người quản lý đào tạo, cô biết từng người một. Lila đã trở thành một tài sản không thể thay thế của công ty.
Một ngày nọ, Lila nhận được cuộc gọi từ một chuyên gia tuyển dụng với một lời đề nghị: Gia nhập một trong những nhãn hiệu sô cô la thuộc hàng xa xỉ đang ở vào giai đoạn tăng trưởng.
Dù rất cần tốc độ, nhưng lãnh đạo công ty sô cô la này đã quyết định rằng tăng trưởng sẽ phải đi đôi với chất lượng. Điều này có nghĩa là tất cả những người có liên quan tới việc mở cửa hàng mới đều cần phải được đào tạo rất nhiều về việc định hướng chất lượng và lấy chất lượng làm trung tâm.
Khi Lila hỏi xin một mẫu tài liệu đào tạo hiện thời, nhóm của cô mang tới hàng trăm văn bản. Có quá nhiều mảnh ghép với quá ít mối quan hệ hữu hình để có thể nhận ra được bất cứ quy luật nào.
Tôi đã gợi ý Lila và nhóm của cô nên soạn mọi thứ ra rồi giải quyết từng mảng một, cố gắng để thấy quá trình đào tạo theo cách nó được phản ánh qua mô hình 6W. Đó là:
Who: Ai được đào tạo và ai là người đào tạo? Những chủ đề gì được dạy và bài học gì được trình bày?
What: Cần bao nhiêu buổi học, bao nhiêu thời gian? Mỗi buổi học có bao nhiêu người tham gia, cần bao nhiêu người hướng dẫn?
Where: Các buổi học diễn ra ở đâu (trong kho, tại địa điểm dành riêng cho việc đào tạo, tại nhà…)? Các bài học trùng lặp ở đâu trong nội dung, cấu trúc hay số người tham dự?
When: Các buổi học diễn ra khi nào và thường xuyên đến mức nào?
How: Các buổi học có liên quan tới nhau như thế nào? Chúng ăn khớp với nhau ra sao? Các bài học được truyền đạt như thế nào (mặt đối mặt, theo nhóm, trực tuyến)? Các bài học được áp dụng như thế nào? Làm sao để người học biết được là mình đã sẵn sàng để học tiếp.
Why: Vì sao việc đào tạo lại cần thiết? Vì sao phải tốn công cho nó? Tại sao lại đánh giá, tại sao lại kiểm tra, tại sao lại theo sát, tại sao lại theo đến cùng?
Quy trình đào tạo về sô cô la theo mô hình 6W:
3 bước của giai đoạn trình bày
1/ Chọn hình thức phù hợp. Bạn có 6 lựa chọn, gồm:
– Chân dung để thể hiện Ai / Cái gì.
– Biểu đồ để thể hiện Bao nhiêu.
– Sơ đồ để thể hiện Ở đâu.
– Đường thời gian để thể hiện Khi nào.
– Sơ đồ tiến trình để thể hiện Như thế nào.
– Đồ thị đa biến để thể hiện Vì sao.
Những nguyên tắc quan trọng nhất của mỗi hình thức trình bày:
– Chân dung: Tư duy bằng hình ảnh nhắm tới việc gửi gắm một ý tưởng hơn là vẽ trọn một bức tranh.
– Biểu đồ: Số liệu mới quan trọng, nên hãy để nó lên tiếng; nên trình bày ý kiến của mình với ít hình vẽ nhất có thể.
– Sơ đồ: Điều quan trọng nhất là tìm được hệ toạ độ có ý nghĩa.
– Đường thời gian: Thời gian là con đường một chiều. Tuy đường thời gian dạng tròn (đồng hồ) thể hiện sự lặp lại của một vòng đời chính xác hơn, nhưng việc sử dụng đường thẳng vẫn hiệu quả hơn.
– Sơ đồ tiến trình: Không nên quá tỉ mỉ.
– Đồ thị đa biến: Hãy bắt đầu với một đồ thị x-y đơn giản, chỉ sử dụng hai biến định tính mà bạn có dữ liệu cho hai trục, sau đó mới thêm vào những “bong bóng” khác thể hiện cùng biến định lượng đó ở những thời điểm khác.
2/ Tạo ra hình vẽ. Với hình thức phù hợp nhất cho vấn đề cần giải quyết, chúng ta sẽ bắt đầu đặt ra một hệ toạ độ thích hợp, sau đó dần dần điền vào các số liệu và chi tiết hình ảnh giúp bức hình của chúng ta thể hiện (và kể) câu chuyện cần kể.
3/ Giới thiệu và giải thích hình vẽ của mình. Dù chúng ta có đích thân giới thiệu nó hay không, bức tranh của chúng ta vẫn cần một lời giải thích. Có lúc việc đó cần đến cả ngàn từ, có lúc lại không cần từ nào. Nếu bức tranh được vẽ theo 6 cách mà chúng ta thấy và tận dụng được các biểu tượng tiên nghiệm, khán giả gần như chắc chắn sẽ luôn “hiểu” được nó từ rất lâu trước khi ta ngừng giải thích.
Lưu ý về những hình vẽ ta sẽ tạo ra: Tất cả những gì ta sắp tạo ra phải được vẽ bằng tay, trên một chiếc bảng trắng, tờ ghi chú, mặt sau khăn giấy, trên bất cứ bề mặt nào vẽ được ở trước mắt bạn.
10 (rưỡi) điều răn cho tư duy thị giác
1/ Giải quyết bất cứ vấn đề nào với một bức vẽ. Dù về mặt chiến lược, tài chính, vận hành, khái niệm, cá nhân hay cảm xúc, bất kể bản chất của vấn đề chúng ta đối mặt là gì, chỉ cần hình dung được nó, ta có thể vẽ nó.
Bằng cách vẽ ra, chúng ta sẽ thấy những vấn đề trước đó còn vô hình, và những giải pháp tiềm năng sẽ xuất hiện.
2/ Đừng nói “Tôi không biết vẽ” nữa. Bẩm sinh chúng ta đều là những nhà tư duy thị giác tài năng. Nếu khả năng thị giác của bạn đủ để bước vào một căn phòng mà không vấp ngã thì bạn có đủ khả năng để giải quyết vấn đề bằng hình vẽ.
3/ Đừng vẽ trên khăn ăn. Bất cứ mẩu giấy ăn nào cũng có thể được dùng làm bề mặt để vẽ. Đó là lý do các quán bar hay các tiệm cà phê là những nơi chia sẻ ý tưởng tuyệt vời. Nhưng nếu bạn đang ở một nơi sang trọng với toàn những tấm khăn ăn lịch thiệp, bạn sẽ phải tự mang giấy của mình đi. Bài học tốt nhất: Luôn mang theo một cuốn sổ nhỏ và cây bút.
4/ Để bắt đầu, hãy vẽ một hình tròn và đặt tên cho nó. Nét đầu tiên luôn là nét khó nhất, nên đừng thèm nghĩ ngợi gì cho nó cả. Cứ vẽ một vòng tròn ngay giữa mẩu giấy rồi đặt cho nó cái tên nào xuất hiện đầu tiên trong tâm trí bạn. Điều quan trọng: đó là lúc bạn thật sự bắt đầu.
5/ Chọn ra hình thức hợp lý nhất trong 6 hình thức cơ bản (ai/cái gì, bao nhiêu, ở đâu, khi nào, như thế nào, vì sao).
6/ Nhân cách hoá mọi thứ. Các khuôn mặt và hình người, dù được vẽ nguệch ngoạc đến đâu, cũng sẽ ngay lập tức gợi sự chú ý, thấu hiểu và phản ứng.
7/ Tận dụng tất cả những yếu tố kích thích trí óc có thể. Chúng ta nhận ra và gán ý nghĩa cho kích thước, hình dạng, phương, hướng và vị trí – đồng thời liên hệ và phân biệt những đặc điểm đó – rất lâu trước khi ta có thời gian nghĩ về chúng.
8/ Vẽ thật ầm ĩ, và xoá còn ồn ào hơn. Mục đích của một bức tranh không phải là để loại bỏ từ ngữ, nó nhằm thay thế nhiều từ nhất có thể, sao cho những từ được dùng đến là những từ quan trọng. Vậy nên khi làm việc với bức tranh của mình, hãy chú ý mô tả ý nghĩa của các mảnh ghép và lý do bạn vẽ chúng ở đó – dù bạn chỉ có một mình. Và khi có gì đó trông không ổn, cứ xoá nó đi, và giải thích cả điều đó nữa. Sự kết hợp đồng thời của sáng tạo và tường thuật rất thần diệu.
9/ Đừng vẽ những thứ ở ngoài kia, hãy vẽ những điều ở ngay đây. Mục đích của những hình vẽ giải quyết vấn đề không phải là để sáng tạo nghệ thuật. Chúng ta không chứng tỏ cho bản thân và người khác xem mọi điều trông như thế nào “ở ngoài kia” (trong thế giới thực), mà chúng ta đang cố gắng chỉ ra mọi thứ trông như thế nào “ở ngay đây” (cái chúng ta thấy trong đầu mình). Đừng lo lắng bức tranh của bạn trông như thế nào, hãy tập trung vào điều mà nó thể hiện.
10/ Vẽ ra một kết luận. Hành động vẽ chính là phần quan trọng nhất của việc giải quyết vấn đề bằng hình ảnh. Nó giúp chúng ta nhìn, thấy, hình dung và thể hiện những ý tưởng sẽ vẫn còn trong vòng bí ẩn nếu ta không cầm bút lên. Vậy nên hãy luôn phát triển bức vẽ đến mức nào vẫn còn điều mới mẻ xuất hiện. Khi nghĩ rằng mình đã xong việc, hãy cầm bút lần nữa để đặt tựa, viết kết luận, hoặc nhận xét.
10.5/ Đừng nói dối (với mình, với khán giả và nhất là với bức vẽ của mình). Các hình vẽ có tác động rất mạnh. Mặc dù bất cứ vấn đề nào cũng có thể được hỗ trợ nhờ một bức vẽ, nhưng một bức vẽ sai lại có thể khiến cho bất cứ vấn đề nào tệ hơn.
Theo DNSG