Những mánh khóe gian lận về giấy phép xuất nhập khẩu hàng hóa

Thời gian gần đây, cơ quan Hải quan liên tiếp phát hiện hàng hóa nhập khẩu (NK) bằng giấy phép hết hạn nhưng được doanh nghiệp (DN) cạo sửa để thay đổi thời hạn mới. Cơ quan CSĐT (PC46) Công an TP Hồ Chí Minh cho biết: Giấy phép hết hạn được DN cạo sửa phần ngày, tháng, mục đích là kéo dài thêm thời hạn; hoặc hàng hóa XNK nhưng thiếu giấy phép thì DN chuyển sang khai báo sai tên hàng hóa… Đó là những mánh khóe được một số DN áp dụng để NK chính ngạch.
Mặt hàng sữa ngoại chưa được lực lượng kiểm tra kiểm soát nghiêm ngặt..
Đó là trường hợp Nguyễn Hà Thành (35 tuổi, tạm trú quận 7, TP Hồ Chí Minh), hành nghề dịch vụ XNK bị truy tố về tội “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức” và “Vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới”. Vụ việc do PC46 phối hợp với Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Sài Gòn KV I kiểm tra, phát hiện Nguyễn Hà Thành mở tờ khai Hải quan điện tử mang tên Công ty TNHH Cao Thành (Bình Dương) XK 4 container đá granit. Nhưng thực tế, tờ khai Hải quan điện tử trên đã bị cạo sửa nội dung. Trong quá trình hành nghề, Thành nhận làm thủ tục XK ủy thác 4 container mặt bàn đá granite chưa thành phẩm cho một công ty TNHH sang Trung Quốc.
Tuy nhiên, đây là mặt hàng thuộc danh mục XK có điều kiện, trong khi công ty muốn XK hàng lại thiếu giấy phép khai thác đá granite. Vì vậy, để xuất lô hàng đi, Thành đã làm giả tờ khai hải quan điện tử bằng cách sửa nội dung tên tờ khai Hải quan điện tử của Công ty TNHH Cao Thành đã XK bàn ghế trước đó thành nội dung XK mặt bàn đá làm hoàn thiện, hàng mới 100%. Sau đó, Thành tiếp tục giả hình dấu, và ký giả tên công chức Hải quan trên tờ khai. Sở dĩ Nguyễn Hà Thành có tờ khai Hải quan điện tử của Công ty Cao Thành là do Thành có một thời gian làm dịch vụ thuê cho Công ty Cao Thành. Lô hàng trên có giá trị gần 1,4 tỷ đồng.
Để NK lô hàng mỹ phẩm, Công ty TNHH Mỹ phẩm A-Brenner đã thuê Công ty TNHH VT-DV-TM Đức Việt (trụ sở tại quận 2) làm dịch vụ NK và thủ tục vận chuyển container hàng từ cảng Cát Lái đưa về kho của Công ty A-Brenner. Tuy nhiên, lô hàng này không được Cục Quản lý dược – Bộ Y tế cấp giấy phép công bố chất lượng sản phẩm nên không được Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Sài Gòn KV1 chấp nhận cho thông quan. Bằng mọi cách phải lấy được hàng, sau khi bàn bạc, được sự đồng ý của Lâm Huệ Yến, Giám đốc Công ty TNHH Mỹ phẩm A-Brenner, Phạm Bá Mỹ và Nguyễn Hoàng Ân (nhân viên của Công ty Đức Việt) đã nhờ Nguyễn Minh Hùng làm lại hồ sơ khai báo hải quan, đổi tên mặt hàng NK từ mỹ phẩm sang mặt hàng nhựa thông mới 100% để được thông quan lô hàng. Tuy nhiên, hành vi gian lận này đã bị cơ quan chức năng phát hiện. Các đối tượng trên đã bị cơ quan CSĐT đề nghị truy tố về tội “buôn lậu”.
Mới đây nhất, đầu tháng 6/2014, Đội Kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Nam (Đội 3) – Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan đã trưng cầu giám định lô hàng thiết bị y tế NK của Công ty cổ phần Máy lọc thận Việt Nam. Theo khai báo trên tờ khai hải quan mở ngày 8/5/2014, lô hàng NK là các thiết bị y tế phục vụ cho việc lọc thận, trị giá trên 240.000 USD.
Ngày 13/5/2014, Đội 3 đã thực hiện khám xét toàn bộ 4 container hàng hóa NK trên của Công ty cổ phần Máy lọc thận Việt Nam, phát hiện toàn bộ hàng hóa NK hoàn toàn đúng theo khai báo của DN nhưng Giấy phép NK số 2157/BYT-TB-CT do Bộ Y tế cấp cho Công ty cổ phần Máy lọc thận Việt Nam ký ngày 16/4/2014 đã bị cạo sửa thành ngày 25/11/2014 (kéo dài thời hạn giấy phép hơn 7 tháng). Giấy phép NK số 2157 có thời hạn 1 năm kể từ ngày ký. Như vậy, giấy phép NK này đã hết hạn sau ngày 16/4/2014.
Được biết, lô hàng trên Công ty cổ phần Máy lọc thận Việt Nam NK ủy thác cho Công ty TNHH Dược phẩm Vy Gia. Sau khi ký hợp đồng NK ủy thác lô hàng thiết bị y tế với Công ty cổ phần Máy lọc thận Việt Nam, Công ty TNHH Dược phẩm Vy Gia cũng đã thuê một DN khác chuyên khai thuê dịch vụ hải quan thực hiện. Tuy nhiên, việc cạo sửa trên giấy phép thì các công ty này đều cho rằng… không biết. Cũng trong ngày 8/5/2014 (cùng ngày mở tờ khai lô hàng thiết bị y tế của Công ty cổ phần Máy lọc thận Việt Nam), Công ty TNHH Dược phẩm Vy Gia cũng mở tờ khai hải quan NK lô hàng thiết bị y tế. Theo khai báo của DN, lô hàng NK gồm có 7 mặt hàng, nhưng khi kiểm tra thực tế thì chỉ có 4 mặt hàng là có giấy phép NK, 3 mặt hàng không có giấy phép nên DN cố tình khai báo sai tên hàng để “tránh” giấy phép NK.
Việc cạo sửa nội dung (mặt hàng XNK), ngày, tháng (để kéo dài thêm thời hạn) của giấy phép, hoặc XNK mặt hàng này nhưng khai báo hải quan mặt hàng khác của DN không những Nhà nước bị thất thu thuế mà chất lượng hàng hóa không được kiểm soát. Đặc biệt, trong thời gian qua, chất lượng sữa ngoại là vấn đề “nóng” gây bức xúc trong dư luận. Có khoảng 70% sữa bột ngoại NK vào thị trường nội địa nhưng có nhiều nhãn hiệu sữa ngoại nổi tiếng đã bị dính nghi vấn nhiễm khuẩn hoặc nhập lậu chất lượng không được kiểm soát.
Mới đây, Đội Kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Nam (Đội 3) – Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) điều tra vụ cạo sửa giấy chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm để NK thực phẩm bổ sung sữa Ensure của Chi nhánh Công ty TNHH MTV Hà Thành. Giấy chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm đối với thực phẩm bổ sung sữa Ensure được Bộ Y tế cấp cho Chi nhánh Công ty TNHH MTV Hà Thành ngày 25/3/2010, có hiệu lực sử dụng 3 năm kể từ ngày cấp. Tuy nhiên, sau khi giấy phép hết hạn, để NK lô hàng trên (trị giá 25 tỷ đồng), đơn vị này đã cạo sửa thời hạn giấy phép. Tương tự, trước đây PC 46 Công an TP Hồ Chí Minh cũng đã từng bắt số lượng lớn sữa ngoại nhãn hiệu Glucerna, Ensure “đội lốt” thành bột thạch cao, “nhập lậu” chính ngạch và lọt được qua cửa Hải quan.
Ngoài mặt hàng sữa, các loại thực phẩm khác như: rượu, bia, nước giải khát, dầu thực vật, sản phẩm chế biến bột, tinh bột, bánh, mứt, bao bì chứa đựng các sản phẩm… sẽ phải chịu sự kiểm tra của Nhà nước về an toàn thực phẩm trước khi thông quan

Theo Công an nhân dân