Có một chiến lược siêu đẳng và thực hiện nó một cách khôn khéo và hoàn hảo vẫn chưa đủ. Bạn sẽ chỉ là một thần đồng lóe sáng trong chốc lát nếu kế hoạch kinh doanh của bạn phớt lờ những yếu tố liên quan đến khía cạnh con người.
Ảnh minh họa
Bạn vừa có một chiến lược “chết người” sẵn sàng áp dụng cho khách hàng, đối thủ cạnh tranh và công nghệ có thể mang tính đột phá. Bạn vừa tạo ra và thực hiện một kế hoạch đem lại giá trị lớn cho việc vận chuyển, chuỗi cung ứng và phân phối.
Bạn cho rằng thành công là điều chắc chắn? Sai rồi. Theo Rich Karlgaard, tác giả của cuốn sách The Soft Edge: Where Great Companies Find Lasting Success (tạm dịch: Kỹ năng mềm: Lĩnh vực các công ty lớn tìm thấy thành công lâu dài), bạn sẽ chỉ là một thần đồng lóe sáng trong chốc lát nếu bạn phớt lờ 5 yếu tố nhân văn, không thể giải thích nhưng lại rất quan trọng sau.
1. Sự tin cậy
Sự tin cậy xuất phát từ hai nguồn: bên ngoài (liệu khách hàng, đối tác và các nhà đầu tư có tin cậy bạn hay không) và bên trong (liệu các nhân viên có tin cậy bạn và tin cậy lẫn nhau không).
Không có sự tin cậy, mọi hoạt động sẽ bị ảnh hưởng. Bỗng nhiên luật sư xuất hiện ở mọi nơi, tra xét mọi thứ. Các nhân viên dành nhiều thời gian để lấp liếm các thiếu sót hơn là làm công việc của họ.
Sự tin cậy ở bên ngoài hoặc bên trong không nằm ở lời tuyên bố về đạo đức nghề nghiệp của công ty bạn hay ở cam kết về thương hiệu của bạn, mà nằm ở tính nhất quán. Mọi người tin cậy các sếp và đồng nghiệp thể hiện đúng như những gì họ nói về bản thân, ngay cả khi họ là những người lập dị.
Ví dụ, Steve Jobs là một người lập dị, nhưng ông không bao giờ che giấu điều đó hoặc thể hiện một con người khác. Tương tự như vậy, Jim Goodnight, CEO của SAS, là một người nổi tiếng vì tính cách dễ chịu đã tạo ra một môi trường thường xuyên nhận được giải “nơi làm việc tốt nhất”.
Mặc dù có phong cách quản lý đối lập hoàn toàn, cả hai vị CEO đều tạo ra được những đội nhóm đặc biệt trung thành và làm việc hiệu quả, vì nhân viên của họ biết rõ con người mà họ đang làm việc cùng. Cả hai công ty đều không dung dưỡng thói đạo đức giả.
2. Những người thông minh
Bạn đã biết rằng những người thông minh rất quan trọng đối với thành công của một công ty. Tuy nhiên, còn có một yếu tố khác của sự thông minh, đó là tạo ra một môi trường làm việc trong đó người thông minh không phải làm những việc ngớ ngẩn để tồn tại và thành công.
Hãy quan sát những công ty thành công nhất và bạn sẽ thấy rằng họ trao cho những cá nhân thông minh cơ hội để thể hiện sự thông minh. Những người quản lý trong những công ty này lắng nghe – thực sự lắng nghe những gì những nhân viên thông minh của họ nói ra.
Trong bất kỳ lĩnh vực nào, khi bạn có nền văn hóa coi trọng con người và sự thông minh của họ thì bạn sẽ có được những sản phẩm tốt hơn, có nhiều khách hàng hơn, tăng trưởng nhanh hơn và có quyền lực lớn hơn.
3. Đội nhóm
Trong các công ty chỉ coi trọng chiến lược và các lợi thế, đội nhóm là nơi những người thông minh có ý tưởng hay bị vùi dập xuống hạng tầm thường.
Đối với tôi, công ty Microsoft là ví dụ điển hình với hệ thống xếp hạng thiển cận, khuyến khích những người thông minh hi sinh những người khác trong đội vì sự tốt đẹp của chính bản thân họ. (Có lẽ điều này đã dẫn tới sự yếu kém của những sản phẩm như Windows 8?)
Trái ngược hoàn toàn là công ty Google, trong đó mọi cá nhân đều giỏi tạo lập đội nhóm và để chúng vận hành mà không can thiệp quá nhiều vào việc quản lý. Mặc dù văn hóa đội nhóm của Google đã tạo ra nhiều kết quả không như mong muốn,nhưng nó cũng tạo ra Android – một sản phẩm có thể tiêu diệt cả Microsoft lẫn Apple.
4. Cảm nhận
Mọi người cảm nhận thế nào về sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn? Họ cảm thấy như một anh hùng hay thằng ngốc? Tinh thần họ trở nên hứng khởi hay lạnh lẽo? Họ thốt ra thành lời hay tỏ thái độ coi thường? Họ yêu thích hay sợ hãi khi phải giao dịch với công ty bạn?
Đây không phải là những câu hỏi phân tích mà là những câu hỏi giúp giải quyết những điều khó lường trong bản chất của con người. Bạn sẽ không thể tìm thấy câu trả lời trong các số liệu mà qua sự thấu cảm, biết ơn và hi vọng hằng ngày.
5. Câu chuyện
Yếu tố con người cuối cùng là câu chuyện – không phải là những câu chuyện được đóng gói sẵn kiểu như “chúng tôi đã giúp khách hàng như thế nào” nhàm chán do các nhóm tiếp thị hạng hai soạn sẵn.
Câu chuyện có ý nghĩa ở đây là câu chuyện về con người, trong đó những người thực làm điều gì đó, học tập và phát triển trong suốt quá trình. Đó có thể là câu chuyện về khách hàng, về CEO của bạn hoặc là một nhân viên bán hàng đã học được cách tin vào giá trị của những mặt hàng mà người đó đang bán ra.
Câu chuyện đó cũng là câu chuyện mà bạn tự kể với bản thân và những nhân viên khác kể về chính họ. Câu chuyện là thứ đem lại ý nghĩa cho mọi thứ, cả bên trong và bên ngoài thế giới kinh doanh.
Nếu những câu chuyện đó ngây ngô hoặc tệ hơn là gây thất vọng, thì không có chiến lược hay chiến thuật nào có thể khiến công ty bạn trở nên vĩ đại. Điều này cũng đúng với 4 yếu tố còn lại. Cuối cùng, cách duy nhất để thành công hơn là trở nên “người” hơn.
Theo INC/ hoclamgiau