Quản trị khách hàng Chờ đến bao giờ?

Chờ đến bao giờ?

26
Được đưa vào hoạt động từ tháng 1-2012, sau 2 năm, chiếc máy soi container CAB 2000 có trị giá hàng chục tỷ đồng của Chi cục Hải quan cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị) có số ngày hỏng nhiều hơn ngày sử dụng.


Chiếc máy soi trị giá hàng chục tỷ đồng đang nằm “chết “ tại cửa khẩu. Ảnh: H.P.
Báo cáo của Chi cục Hải quan cửa khẩu Lao Bảo cho biết: Tháng 1-2012, đơn vị chính thức đưa vào vận hành soi chiếu máy soi container CAB 2000. Đơn vị đã thành lập Tổ an toàn bức xạ để tổ chức quản lý và vận hành soi chiếu gồm 6 người. Các cán bộ, công chức này đều được bố trí đào tạo qua khóa an toàn bức xạ, khóa vận hành máy soi container.
Tuy nhiên điều đáng nói là chiếc máy soi này thường xuyên bị hư hỏng. Chỉ tính trong năm 2012, máy đã có tới 7 lần hỏng; năm 2013 có tới 5 lần hỏng. Máy thường xuyên hỏng nhưng đơn vị sửa chữa, bảo hành lại ở quá xa, thiết bị thay thế phải đặt mua ở nước ngoài (thường sau 10-12 tuần mới được thay thế) nên việc hỏng hóc này không được khắc phục kịp thời, thời gian chờ đợi sửa chữa kéo dài. Tiếng là hoạt động trong 2 năm nhưng thời gian máy “chết” là chủ yếu.
Cuối tháng 3-2014, khi chúng tôi có mặt tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Lao Bảo chiếc máy soi này cũng đang trong giai đoạn “không hoạt động”, nằm chờ sửa chữa. Theo Chi cục trưởng chi cục Hải quan cửa khẩu Lao Bảo Đinh Ngọc Thanh: từ tháng 4-2013, máy thỉnh thoảng bị treo khi tắt máy, hệ thống làm lạnh thường xuyên bị lỗi; Đến tháng 5-2014, 2 (trong số 4) màn hình camera giám sát không có tín hiệu hình ảnh, chuột điều khiển máy chủ không hoạt động, máy báo lỗi ở khóa mắt thần 5, 6… máy soi không thể soi chiếu được. Và cho đến nay (sau hơn 7 tháng) máy soi container vẫn chưa được khắc phục, sửa chữa các hư hỏng nói trên. Chi phí để sửa chữa các hư hỏng này hiện ước tính lên tới 17 tỷ đồng và đơn vị đã đề xuất từ rất lâu nhưng máy vẫn chưa được sửa chữa.
Ông Thanh cho biết, việc máy không thể hoạt động trong một thời gian dài, nguồn điện không thể đưa vào máy sẽ không đảm bảo chức năng tự sấy ẩm của máy, các thiết bị điện tử như board mạch, tụ điện… theo đó cũng sẽ bị hư hỏng theo. Để tránh tình trạng máy có thể tiếp tục bị hỏng và xuống cấp, hàng ngày đơn vị đều phải cử 1 người đến mở phòng máy, bật điều hòa để “sấy” máy.
Đánh giá về hiệu quả của chiếc máy soi này, theo báo cáo của Chi cục Hải quan cửa khẩu Lao Bảo, từ tháng 1-2012, hầu hết các hàng hóa NK qua cửa khẩu Lao Bảo chứa container có đặc điểm phù hợp với yêu cầu của soi chiếu của máy đều được đưa vào kiểm tra. Cụ thể năm 2012, đã soi chiếu 762/4.073 container (chiếm tỉ lệ 18,8%); năm 2013 soi chiếu 1.158/2.511 container (chiếm tỉ lệ 46,1%. Kết quả đơn vị chưa phát hiện vụ vi phạm hàng hóa XNK nào qua kiểm tra bằng máy soi container.
Lý giải vì sao tỉ lệ container kiểm tra qua máy soi còn thấp, Chi cục trưởng Đinh Ngọc Thanh cho biết, số container không được soi chiếu là do có đặc điểm không phù hợp với yêu cầu thiết kế của máy. Cụ thể máy soi này chỉ sử dụng soi chiếu riêng cho phương tiện vận chuyển container có hàng hóa thiết kế chuyên dụng chở container theo tiêu chuẩn châu Âu (có cabin ngắn). Đối với phương tiện có đầu cabin dài (4,6m) thì tia X phát ra có khả năng ảnh hưởng đến lái xe và máy cũng không cho ra hình ảnh soi chiếu.
Đó là chưa nói đến máy soi CAB 2000 chỉ có năng lượng điện tử là 2,5 Mev; khả năng đâm xuyên chỉ khoảng từ 160mm-180mm thép nên hình ảnh phân tích không rõ ràng, khó nhận biết, hiệu quả soi thấp.
Thường xuyên hư hỏng, không phù hợp, hiệu quả thấp… sau 2 năm hoạt động chiếc máy soi dường như đã trở thành “gánh nặng” cho Chi cục Hải quan cửa khẩu Lao Bảo thay vì là “cánh tay hỗ trợ đặc lực” cho đơn vị.
Thông tin cung cấp từ đơn vị cho biết, chiếc máy soi này có trị giá khoảng 33-34 tỷ đồng.
Đây được xem là một sự lãng phí lớn.

Theo Báo Hải Quan