Làm thế nào để gây ấn tượng với sếp?

Sự nghiệp quản lý của bạn sẽ cất cánh nếu bạn có thể cho những lãnh đạo cấp trên thấy rằng bạn là một nhân tài đáng tin cậy. Nhưng điều đó không có nghĩa là bạn phải cố công gây ấn tượng bằng mọi giá hay giả vờ xun xoe, cầu cạnh những người có quyền lực trong tổ chức.

Ảnh minh họa
Bạn có thể tham khảo một số gợi ý sau:
1. Vượt lên trên kỳ vọng của lãnh đạo: Có cách đúng và cách sai khi gây ấn tượng với lãnh đạo. Nếu bạn vượt lên trên điều họ kỳ vọng, tiên liệu và đáp ứng đúng mối quan tâm của sếp, bạn sẽ tỏa sáng. Nhưng nếu bạn huênh hoang, nói xấu đồng nghiệp và nhận vơ vào mình công trạng của tập thể, bạn chỉ làm hoen ố danh tiếng của mình và đánh mất cơ hội thăng tiến.
2. Nói bằng ngôn ngữ thực tiễn: Lãnh đạo sẽ để ý những nhận xét của bạn nếu bạn luôn tỏ ra có óc tổ chức, đầy nhiệt tình và hăng hái tạo ra thành quả. Khi họ hỏi bạn một câu hỏi, hãy đưa ra một nhận định tổng quát bằng một câu trước khi đào sâu vào các chi tiết. Ví dụ, hãy bắt đầu bằng câu nói: “Chúng ta có ba giải pháp lựa chọn” hay “Hãy xem xét việc này theo ba cấp độ”.
3. Hướng tới tương lai khi thảo luận tình hình hiện tại của một dự án: Tập trung vào những gì sẽ xảy ra hơn là xào đi nấu lại chuyện đã rồi. Đồng thời đừng bao giờ đặt mình trong tư thế ngóng đợi. Thà nói “Chúng ta sắp đạt được tiến bộ khi bắt đầu nhóm họp lại vào tuần tới” hơn là “Tôi đang chờ một cú điện thoại gọi lại để có thể lên chương trình cho buổi họp tuần tới”.
4. Khi lãnh đạo yêu cầu bạn thực hiện điều gì, hãy trả lời một cách tự tin: Hãy nói “Tôi sẽ chuẩn bị xong việc ấy cho ông vào 8 giờ sáng mai” hơn là “Tôi sẽ cố gắng xong việc ấy trong buổi sáng ngày mai”. Đừng cho phép mình có một lý do gì đó để thoái thác. Lãnh đạo sẽ hoài nghi khả năng của những nhà quản lý dệt gấm thêu hoa những nhận xét của mình bằng các cụm từ dè dặt và ít đưa các cam kết mạnh bạo.
5. Tìm phương thức giao tiếp thích hợp với cấp trên: Bạn nên tiên liệu các vấn đề hay yêu cầu mà sếp sẽ nêu và trong tâm thế sẵn sàng trả lời. Nếu bạn phải hứa thực hiện điều gì hãy theo đuổi từ đầu đến cuối. Đừng bao giờ để cho sếp cằn nhằn bạn.
6. Chấp nhận lối ứng xử “không biện minh”: Nếu bạn không đem lại một kết quả như mong muốn thì chắc chắn là chẳng có sếp nào lại không nghi ngờ khả năng của bạn. Khi được yêu cầu đưa ra một báo cáo về diễn tiến công việc, hãy bắt đầu bằng việc tóm tắt những gì bạn đã làm, không phải những gì bạn có thể làm.
Hãy nói đại loại những câu như: “Đây là vị thế hiện nay của chúng ta” hay “Cho đến giờ, chúng ta đã hoàn thành cả năm mục tiêu này”. Không nên nói “Tôi chưa có dịp để…” hay là “Tôi hy vọng rằng chẳng bao lâu nữa, tôi có thể…”.
Ngoài ra, việc luôn thực hiện tốt những bước sau đây sẽ giúp bạn làm vui lòng lãnh đạo:
Luôn trang bị cho mình những câu trả lời: Hãy dự kiến những câu hỏi mà sếp sẽ hỏi và chuẩn bị những câu trả lời súc tích. Hãy nghiên cứu dữ kiện và thu thập những thông tin mới nhất để bạn có thể tạo ấn tượng với kiến thức phong phú của mình về đề tài ấy.
Hứa ít, làm nhiều: Định ra khung thời gian để hoàn thành. Hãy liệt kê những mục tiêu của dự án và hoàn thành tất cả cùng với việc đưa thêm vào đó những ý tưởng mới. Kiên định vượt lên trên những gì đang được kỳ vọng rồi bạn sẽ trở thành xuất chúng.
Thử thách riêng tư: Hãy chờ một khoảnh khắc bình lặng nào đó để thắc mắc về mệnh lệnh của sếp. Phải chắc rằng không ai nghe lỏm được. Đừng bao giờ phản đối những nhận xét của lãnh đạo trước công chúng.

Theo “Các quy tắc của Lombardi”