7 điều tối kỵ sếp không nên nói

Đôi khi, tất cả chúng ta đều nói những điều mà sau đó chúng ta cảm thấy hối tiếc. Bạn là sếp không có nghĩa là bạn hoàn hảo. Nhưng bạn không có quyền nói năng thiếu suy nghĩ khi đang căng thẳng hay thất vọng. Bởi việc “sảy miệng” sẽ khiến nhân viên mất động lực, gây ra những rắc rối lớn hơn cho tổ chức của bạn.

điều tối kỵ sếp không nên nói
Dưới đây là 7 cụm từ bạn nên tránh, nhất là trong những lúc căng thẳng. Một lời bình luận, phản ứng lại ngay lập tức có thể phá hoại danh tiếng và hủy hoại lòng tin của nhân viên vào bạn, có khi phải mất cả đời bạn mới sửa chữa được.
“Tôi là sếp. Hãy làm như tôi nói đi”. Tất cả chúng ta đều là người lớn. Nếu tiêu chuẩn bạn đặt ra cho nhân viên khác với các tiêu chuẩn mà bạn đặt ra cho bản thân, thì bạn không thể trông mong họ sẽ tôn trọng những gì bạn yêu cầu họ làm.
“May cho anh vì đã có được công việc này đấy”. Nếu đó là cách bạn cảm nhận về bất cứ người nào trong số các nhân viên của mình, thì có lẽ bạn mới là người may mắn vì có công việc này. Không ai có thể làm việc tốt trong môi trường mà họ cảm thấy mình phải mắc nợ điều gì đó với công ty. Nếu đó là việc không thể giải quyết được với một nhân viên cá biệt thì hãy tỏ ra chuyên nghiệp và giải quyết những vấn đề trong tầm tay. Hãy tìm ra cách sửa chữa hoặc chia tay anh ta ngay lập tức. Tâm lý muốn nhân viên tôn thờ mình tuyệt đối cho thấy sự non kém và là minh chứng cho thấy bạn thiếu kỹ năng lãnh đạo.
“Nếu anh không thích thì tôi sẽ tìm người khác thay thế”. Bất cứ ai cũng có thể tự gọi mình là quản lý hay sếp, nhưng một người giỏi sẽ dùng các kỹ năng lãnh đạo của mình để tạo động lực cho nhân viên và đem lại thành quả. Đe dọa nhân viên rằng họ sẽ bị mất việc để bắt họ làm những việc bạn muốn không phải là một cách bền vững. Chắc chắn, ban đầu họ có thể làm những việc bạn yêu cầu, nhưng dần dần họ sẽ mất động lực và không sẵn lòng làm nhiều hơn mức tối thiểu để được cho qua. Và họ sẽ ra đi trước khi bạn kịp đe dọa đuổi việc.
“Tại sao có mỗi anh gặp vấn đề với việc này?”. Trong trường hợp nhân viên là người luôn phản kháng hoặc có vấn đề về năng lực thì hãy giải quyết ngay những vấn đề này. Còn nếu nhân viên là người khá hợp tác, nhưng lại gây khó khăn cho bạn trong một hoàn cảnh cụ thể, thì có lẽ vấn đề là bạn không sẵn lòng lắng nghe những băn khoăn hoặc giải pháp thay thế của nhân viên. Hoặc có thể người đó đang có một ngày tồi tệ. Dù vấn đề là gì, đừng cho rằng nhân viên của bạn chẳng có lý do gì để tỏ ra ngoan cố như thế, và chắc chắn là đừng đặt câu hỏi trên. Đừng bao giờ so sánh các nhân viên với nhau. Việc này cũng giống như việc so sánh con cái của bạn với nhau – đó là một ý kiến tồi.
“Tôi không có thời gian cho việc này”. Bạn nghiêm túc đấy chứ? Bạn là Sếp. Công việc của bạn là tạo ra thời gian. Thay vì thẳng thừng từ chối dành chút thời gian cho nhân viên theo đề nghị của họ, hãy dành ra một vài phút để có thể lắng nghe nhân viên một cách trọn vẹn. 
“Anh không biết thế nào là stress đâu”. Mọi người đều có nỗi căng thẳng riêng. Nếu bạn cho rằng công việc của mình to lớn hơn của mọi người khác thì chưa chắc đã đúng như vậy và bạn cũng không có quyền hạ thấp công việc của những người khác.
“Thấy tên tôi trên cánh cửa kia không?”. Vâng, vậy thì sao? Đúng là có thể bạn tạo dựng doanh nghiệp này từ gốc hoặc bạn đã đầu tư tiền của và thời gian để công ty này có được vị trí như ngày hôm nay. Nhưng bạn đâu phải là Chúa trời và biểu lộ sức mạnh không phải là cách hay để thu phục nhân viên. Không có nhân viên thì bạn chỉ có nước tự mình phục vụ khách hàng và làm lấy mọi việc.

Theo hoclamgiau/ Entrepreneur