Những ứng dụng như EasyTaxi cho phép người dùng tìm được taxi một cách nhanh chóng và an toàn. Ảnh: Trường Nikon
Với EasyTaxi, người dùng chỉ cần nhập lộ trình mình muốn di chuyển, ứng dụng này sẽ cho biết chi phí ước tính cho chuyến đi và tự động liên hệ với tài xế taxi. Sau khi kết nối thành công, người dùng sẽ được cung cấp thông tin về tài xế cũng như loại xe sử dụng. Lịch sử các chuyến đi và dữ liệu về tài xế cũng được EasyTaxi lưu lại.
“Gọi taxi ở TP.HCM có thể sẽ đơn giản. Tuy nhiên, không phải ở đâu cũng được như vậy”, ông Nguyễn Tuấn Anh, Giám đốc Điều hành GrabTaxi tại Việt Nam (đối thủ của EasyTaxi), nhận xét.
Hoạt động với mô hình tương tự như EasyTaxi, GrabTaxi là một ứng dụng gọi taxi đang thống trị tại Malaysia. Được phát triển cho thị trường taxi tại Malaysia cách đây gần 2 năm, hiện GrabTaxi đã được 1/3 số tài xế taxi tại quốc gia này sử dụng.
Một trong những lý do GrabTaxi nhanh chóng trở nên phổ biến tại Malaysia là thị trường taxi nước này cực kỳ phức tạp. Bên cạnh các hãng taxi, số lượng taxi cá nhân rất đông đảo nhưng lại không được chính quyền quản lý chặt chẽ. Sự ra đời của GrabTaxi đã cho phép người dùng tránh gặp những vấn đề liên quan đến tài xế và các tài xế được tham gia mạng lưới GrabTaxi cũng có cơ hội tăng thêm thu nhập.
“Tại Malaysia, GrabTaxi thống kê được rằng những tài xế tham gia Công ty sẽ có cơ hội tăng đến 300% thu nhập. Đầu tiên, họ sẽ giảm được mức lãng phí xăng vì không phải chạy lòng vòng tìm khách. Kế đến, GrabTaxi giúp tài xế kết nối với khách hàng nhanh chóng nên họ sẽ chạy được nhiều chuyến hơn trong một ngày. Hiển nhiên, các tài xế muốn tham gia GrabTaxi đều phải được Công ty kiểm tra định kỳ và người bị khách hàng chấm điểm thấp trên ứng dụng sẽ bị loại khỏi hệ thống”, ông Tuấn Anh cho biết.
Tại Việt Nam, theo đại diện GrabTaxi, doanh thu của tài xế tham gia công ty đã tăng trung bình 20% chỉ sau hơn 2 tháng hoạt động.
Tuy nhiên, hình thức kinh doanh mới mẻ này phải đối mặt với một số trở ngại. Đầu tiên và quan trọng nhất chính là mô hình doanh thu. Cả EasyTaxi lẫn GrabTaxi tại Việt Nam đều chưa thu phí dịch vụ trong thời gian đầu vì cần phải mở rộng thị trường và khuyến khích khách hàng dùng thử ứng dụng. Nhưng nếu áp dụng hình thức thu phí từ người dùng trên mỗi chuyến taxi kết nối thành công như cách EasyTaxi đang làm tại Thái Lan hay GrabTaxi ở Malaysia thì sẽ khó thành công.
“Mặc dù giải quyết được nhiều vấn đề cho người dùng, nhưng có thể GrabTaxi sẽ không chọn thu phí trên người dùng vì gọi taxi tại Việt Nam vẫn tương đối dễ dàng. Trong tương lai, khi đã đạt đến quy mô thị trường mục tiêu, chúng tôi sẽ thu phí tham gia hệ thống hoặc phần trăm trên mỗi chuyến taxi đối với tài xế”, ông Tuấn Anh cho hay.
Tương tự, nhiều khả năng EasyTaxi cũng sẽ thu phí từ tài xế taxi. Điều này sẽ dẫn đến trở ngại thứ hai là khả năng mở rộng hệ thống. Đó là chưa kể, tỷ lệ bác tài sử dụng điện thoại thông minh tại Việt Nam hiện vẫn chưa cao.
Cho dù tỷ lệ người dùng điện thoại thông minh tại Việt Nam đang tăng nhanh, đứng thứ ba thế giới theo hãng nghiên cứu Mediacells, nhưng việc phải ứng dụng công nghệ vào công việc hằng ngày vẫn là một trở ngại đối với phần lớn tài xế taxi.
Giữa năm ngoái, EasyTaxi được Rocket Internet rót thêm 15 triệu USD để tấn công vào châu Á, trong đó bao gồm cả những thị trường GrabTaxi chiếm ưu thế như Philippines hay Malaysia. Tại Việt Nam, tuy không tiết lộ số vốn đầu tư, nhưng đại diện của GrabTaxi cho biết mục tiêu đến cuối năm 2014 của họ là thuyết phục được 1/3 tài xế taxi trên cả nước sử dụng ứng dụng này cho công việc.
“Chúng tôi thống kê được rằng cứ 100km di chuyển, trung bình taxi ở Việt Nam chỉ có khách trong khoảng 55km. Thông qua ứng dụng này, GrabTaxi hy vọng tăng hành trình có khách của taxi lên 70-80km. Khi đó, không những người dùng gọi taxi dễ dàng hơn mà các bác tài còn tăng được thu nhập và chúng tôi thì có doanh thu. Đó là chưa kể đến các tác động tích cực lên môi trường vì giảm được mức tiêu hao nhiên liệu”, ông Tuấn Anh chia sẻ.
Mô hình kinh doanh mới mẻ này cũng đã thu hút được hơn 10 đơn vị tham gia tại Việt Nam.
Theo NCĐT