PVX quay cuồng trong vòng xoáy nợ

Năm thứ 2 liên tiếp phải trả lãi vay gần 500 tỷ đồng, PVX trở thành doanh nghiệp lỗ nhiều nhất trên sàn chứng khoán năm 2013.
Ảnh minh họa.
Là công ty thành viên của PetroVietnam, PVX được giao đảm nhận phần lớn các dự án xây lắp trong lĩnh vực dầu khí với tổng quy mô hàng chục nghìn tỷ. Tuy nhiên nguồn vốn đầu tư công liên tiếp bị cắt giảm đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của PVX trong 3 năm qua.
Ngoài ra, việc đầu tư dàn trải của PVX vào các lĩnh vực khác như bất động sản, chi phí lãi vay lớn và chi phí quản lý doanh nghiệp liên tục tăng cao đã khiến PVX lỗ hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm.
Năm 2013, PVX ghi nhận lỗ kỷ lục 2.632 tỷ đồng, mức lỗ cao nhất mà một doanh nghiệp niêm yết công bố. 
Lỗ lũy kế của công ty hiện là 3.342 tỷ đồng, bằng 82% vốn chủ sở hữu. Nếu tình trạng thua lỗ tiếp tục diễn ra như 6 tháng đầu năm 2013, PVX sẽ mất luôn phần vốn chủ sở hữu còn lại (808 tỷ đồng).
Tổng vay nợ ngắn và dài hạn của PVX đến cuối năm 2013 là 3.508 tỷ đồng, giảm 648 tỷ đồng so với đầu năm, phần lớn do giảm vay ngắn hạn. Hơn 63% nợ vay của PVX là ngắn hạn đang tạo nên áp lực trả nợ lớn cho công ty.
Kết quả kinh doanh thu lỗ lớn cũng đẩy hệ số nợ của PVX lên rất cao. Hệ số nợ phải trả/ vốn chủ sở hữu đang là 19.3 lần và hệ số nợ phải trả/ tổng tài sản là 0.95 lần.
Theo BCTC quý IV/2013, vay ngắn hạn của PVX là 2.268 tỷ đồng, bao gồm cả 46 tỷ đồng vay dài hạn đến hạn phải trả. Chi tiết về chủ nợ và lãi suất các khoản vay này không được thuyết minh.
Quay lại thời điểm quý II/2013, PVX vay nợ ngắn hạn khoảng 2.916 tỷ đồng, trong đó có 248 tỷ đồng là vay dài hạn đến hạn trả. Danh sách các ngân hàng cung cấp vốn cho PVX được trình bày chi tiết trong báo cáo soát xét 6 tháng.

Chi tiết các khoản vay ngắn hạn của PVX tháng 6/2013.
Đáng chú ý nhiều khoản vay nợ ngắn hạn của PVX đã quá hạn nên phải chịu lãi quá hạn cao. Chỉ riêng khoản vay quá hạn 964 tỷ đồng từ Oceanbank, PVX đã phải chịu lãi quá hạn dao động từ 7,35 – 8,25%/năm.
Các khoản vay quá hạn khác gồm PVFC (200 tỷ), LienViet Post Bank (137 tỷ), BIDV (108 tỷ), VIB (88 tỷ)… 
Nợ dài hạn của PVX đến cuối năm 2013 là 1.240 tỷ đồng, giảm khoảng 18% so với thời điểm quý II/2013, trong đó, chủ yếu là các khoản vay của các công ty thành viên. Công ty không thuyết minh chi tiết về chủ nợ của các khoản vay này trong báo cáo tài chính quý 4/ 2013. 
Trong số này, 3 khoản lớn nhất do các công ty thành viên vay bao gồm: 
298 tỷ đồng của Petroland vay Vietinbank – HCM nhằm tài trợ vốn cho dự án TTTM Tài chính dầu khí Phú Mỹ Hưng. Lãi suất phải trả bằng lãi tiết kiệm VNĐ 12 tháng của Vietinbank HCM cộng 2,8%/năm. Khoản vay này được đảm bảo bằng toàn bộ giá trị dự án nói trên tại quận 7, TP. HCM.
334 tỷ đồng của CTCP Kết cấu kim loại và lắp máy dầu khí (PVC-MS) vay Oceanbank chi nhánh Vũng Tàu; chịu lãi suất 9,6%/năm, thời hạn vay tối đa không quá tháng 3 năm. Khoản vay được sử dụng để thực hiện đầu tư dự án xây dựng bãi cảng chế tạo kết cấu kim loại và thiết bị dầu khí Sao Mai – Bến Đình.
308 tỷ đồng của Công ty CP Xây lắp dầu khí Thanh Hóa (PVC-TH) vay PVFC (nay là PVCombank) để đầu tư vào dự án Khách sạn Lam Kinh và dự án xây dựng trụ sở làm việc của PetroVietnam tại Thanh Hóa. Báo cáo không thuyết minh chi tiết về lãi suất của khoản vay này. 

Khoản vay dài hạn của các công ty thành viên PVX cuối năm 2013.
Trước đó trong báo cáo tài chính 6 tháng, dư nợ vay dài hạn của PVX là 1.504 tỷ đồng được thuyết minh chi tiết về chủ nợ bao gồm: 368 tỷ đồng vay Vietinbank, 292 tỷ đồng vay Oceanbank và 327 tỷ đồng vay PVFC. Số còn lại vay các ngân hàng và TCTD khác là 533 tỷ.

Theo Bizlive