Gói tín dụng 50.000 tỉ đồng và sự hoài nghi

Nói đến các gói tín dụng trị giá hàng nghìn tỷ đồng dành cho DN địa ốc, xây dựng và người vay mua sửa chữa nhà ở bây giờ, nhiều người sẽ cảm giác hoài nghi. Hoài nghi về giá trị thực, mức độ giải ngân… Thậm chí, còn có sự hoài nghi về mục tiêu đằng sau những gói tín dụng mà bản chất được dành ra để tăng trưởng tín dụng, khơi thông dòng vốn, đưa tiền vào nền kinh tế.

Địa ốc – được thiết lập với niềm tin thị trường
sẽ đưa nền kinh tế sớm vượt qua mọi khó khăn
Chính vì càng có nhiều sự hoài nghi, càng cần có những nỗ lực để lấy lại, tạo lập lại niềm tin một cách căn bản, vững vàng cho thị trường.
Mục tiêu: Niềm tin
Trong bối cảnh thị trường ngành xây dựng nói chung và thị trường BĐS nói riêng vẫn gặp nhiều khó khăn, như khó tiếp cận nguồn vốn vay cho dù lãi suất cho vay giảm tương ứng lãi suất trần huy động ngắn hạn đang tiếp tục giảm, việc khơi thông để kích cầu cũng như giải phóng hàng tồn kho nhiều loại vật liệu xây dựng vẫn còn là thách thức lớn, vẫn tồn tại sự thiếu sự tin tưởng lẫn nhau giữa các đối tác trong chuỗi liên kết xây dựng giữa ngân hàng (NH) với chủ đầu tư – nhà thầu – nhà cung ứng sản xuất vật liệu xây dựng (VLXD)…, sự ra đời của một mô hình phát triển chuyên nghiệp với những sản phẩm dịch vụ hỗ trợ từ phía tổ chức người bán cung ứng vốn đến nhà cung cấp sản phẩm tới tổ chức người mua và nhà sử dụng trở nên vô cùng cần thiết.
Tạm hình dung đơn giản là nếu như trong giai đoạn hiện nay, khi nợ xấu vẫn còn tồn đọng, DN còn vướng víu những khoản nợ cũ và không còn tài sản để đảm bảo các khoản vay mới, đảm bảo dòng tiền lưu động vào phát triển các dự án dở dang, việc khơi lại yếu tố “tín chấp” trong một giới hạn an toàn từ thẩm định tới bảo lãnh vốn vay của các NH với DN ở những dự án khả thi, trước nhất sẽ giúp DN lấy lại được niềm tin từ chính NH; sau là niềm tin từ các đối tác khác. Một khi DN đã có được sự bảo lãnh trên cơ sở thẩm định nghiêm túc của phía NH, khả năng triển khai các dự án sẽ khả thi hơn. Các dự án tồn kho dở dang sẽ nhanh chóng hoàn thiện đi vào bàn giao sản phẩm cho người mua nhà theo tiến độ, người mua nhà từ đó cũng sẽ tiếp tục giải ngân phần vốn đã đăng kí góp mua sản phẩm cho DN, khi xác thực rằng dự án có vận động. Từ NH, DN, niềm tin lan tỏa tới người mua, lan tỏa tới thị trường.
Trong tiềm lực và nỗ lực của các NH thương mại cổ phần lẫn NH quốc doanh và cả DN, khơi vốn lúc này không phải và cũng không nên phụ thuộc toàn phần vào vấn đề xử lí nợ xấu, theo nguyên tắc giải quyết dứt điểm mọi khoản nợ cũ tồn đọng mới có vay mới. Yếu tố quan trọng khơi vốn lúc này chính là khơi thông “cục máu đông” trước đây ta dùng để chỉ nợ xấu, nay nó cũng là mối nghi ngại làm tắc nghẽn dòng vốn trong thị trường. Vốn sẽ chảy khi sự tin tưởng tăng lên, niềm tin trở lại.
Cách thức: Thị trường
Theo Ngân hàng Xây dựng (VNCB), hiện nay, các NH đã đăng kí với Cục tín dụng – NH Nhà nước để tham gia kí kết hợp tác cho gói tín dụng trị giá 50.000 tỷ đồng, nhằm mục tiêu cấp vốn cho DN phát triển dự án địa ốc, hạ tầng và các dự án địa ốc dân doanh, bao gồm BIDV, Agribank – hai NHTM Quốc doanh lớn; cùng với đó còn có MBBank, ACB, Sacombank, OceanBank. Ông Phan Thành Mai, TGĐ VNCB cho biết hiện NH cũng đang trao đổi với các tổ chức tín dụng mà VNCB có mối quan hệ hợp tác trước nay chặt chẽ như LienVietPostBank, VPBank, AnBinhBank để tham gia chương trình. Nhờ sự liên kết trước hết của khối NH, thị trường sẽ được cung cấp những sản phẩm an toàn cho tín dụng. Và tới đây sự liên kết hợp tác sẽ còn tiếp tục mở rộng, kết nối thêm nhiều NH cùng tham gia chương trình.
Với chia sẻ đó, có thể thấy một hợp tác vốn được góp từ nhiều nhà, sẽ dễ dàng khả thi hơn là một nhà “độc quyền” cung ứng vốn. Khi có nhiều NH cùng hợp tác tham gia, cách thức tiếp cận căn bản tất yếu sẽ phải theo cơ chế thị trường, lãi suất cạnh tranh đúng nghĩa thị trường và các khâu tiếp nhận hồ sơ, thẩm định, bảo lãnh, cũng theo đúng các quy định của NHNN cùng những thông lệ trước nay.
Nhưng DN qua chương trình hợp tác này rõ ràng sẽ có cơ hội tiếp cận vốn tốt hơn, bởi:
Thứ nhất, NH thẩm được được dòng tiền cần có cho dự án và khả năng dòng tiền thu vào triển khai, đồng ý ký bảo lãnh cho vay với hạn mức và giá trị vốn vay không hoàn toàn được quy ra tiền, mà có thể thông qua nguồn hàng từ chính các DN cung cấp hàng (vật liệu xây dựng – trang thiêt bị nội thất) khác đang tham gia trong chuỗi. Theo đó, DN cần bán hàng sẽ bán được hàng ổn định. Người mua hàng cùng tham gia mua số lượng sẽ được hưởng chiết khấu cao hơn. Giá thành chi phí giảm, giá vốn hàng bán tất sẽ giảm. Người mua sản phẩm địa ốc sau cùng cũng được hưởng lợi.
Thứ hai, DN cũng có cơ hội tiếp cận vốn kể cả khi còn vướng khoản nợ cũ. Trước đây, NH không duyệt giải ngân vốn cho DN còn vướng nợ cũ là do e ngại dòng tiền đi vào cho dự án sẽ không được sử dụng đúng mục đích mà sẽ đi ra ở mộ NH khác do DN phải trả nợ cho NH. Khả năng vốn để phát triển dự án của DN lúc đó vẫn không. Vốn đi lòng vòng theo nợ mà dự án DN vẫn tiếp tục là tồn kho dở dang. Nợ trả vòng sẽ thành nợ xấu. Nay, khi các NH đã liên kết với nhau, khả năng trả nợ vòng sẽ bị triệt tiêu. Theo đó, DN sẽ được duyệt hồ sơ vay vốn mới trong quy trình thẩm định xét trên từng năng lực phát triển của dự án cụ thể, và trong một chuỗi thời gian hoạt động dài (tính trên báo cáo tài chính theo hai, đến ba năm), không xét trên điểm số định mức tín nhiệm kém chỉ vì một khoản nợ cũ. Xét ở khía cạnh đó, DN có nợ là bình thường, nợ xấu cũng là bình thường, nếu năng lực phát triển của DN còn có thể khơi gợi, tiếp tục phát huy.
Để làm được như vậy, lại quay trở lại yếu tố đầu tiên: Niềm tin. Trong chuỗi 4 nhà liên kết, niềm tin sẽ tăng lên khi mọi chủ thể đều cởi mở và tiền tín dụng không đơn thuần rót vào nơi không kiểm soát được. Nhưng như vậy cả 4 nhà trong chuỗi đều sẽ phải đáp ứng: Tính đa dạng, tính công bằng, tính minh bạch. Đó chính là bảo chứng cho cấu trúc tín dụng 50.000 tỷ đồng (và có thể còn cao hơn) an toàn cho thị trường. Nhưng, niềm tin sẽ chỉ tồn tại khi gói tín dụng được giải ngân thật, không phải “ảo” trên con số, trên trị giá. Và DN tham gia, được hưởng lợi cũng không phải chỉ một vài DN, một số những chủ thể có mối quan hệ mật thiết với những đơn vị chủ xướng chương trình…
Chuyên nghiệp: Không bắt đầu, sao tính được dài lâu?
Theo ước tính của Bộ Xây dựng, mỗi năm, tổng giá trị tín dụng cho thị trường xây dựng (địa ốc, vật liệu xây dựng) ước khoảng 700.000 tỉ đồng. Như vậy một gói tín dụng 50.000 tỉ đồng sẽ là con số rất nhỏ. Nhưng bắt đầu từ con số nhỏ mà khởi lên một mô hình hợp lí, tối ưu hiệu quả cho tất cả các chủ thể tham gia thị trường xây dựng và an toàn tín dụng cho các NH cấp tín dụng, khơi thông hàng hóa VLXD…, đó sẽ là một hướng đi hợp lí. “Đồng tiền khó sẽ ló đồng tiền khôn”. VNCB nay đã hoạch định sẽ hướng đến là NH tổ chức người bán, cung cấp nguồn vốn cho các Đơn vị/DN trong ngành xây dựng – vật liệu xây dựng – bất động sản. Tập đoàn Thiên Thanh, nhà phối hợp chủ trì sáng kiến mô hình mới với VNCB, hướng tới là nhà tổ chức cung ứng VLXD, chủ trì xây dựng Sàn kinh doanh VLXD-TTBTN đầu tiên trên cả nước, nhằm kết nối các đối tượng có nhu cầu VLXD là các chủ đầu tư, nhà thầu với nhà sản xuất VLXD ở 64 tỉnh thành, thông qua các hình thức trả chậm và đối trừ, giảm tiền mặt lưu thông góp phần giảm lạm phát, hỗ trợ DN tiếp cận tín dụng mới khi còn có các khoản vay cũ v.v. Hy vọng đúng mục tiêu và kế hoạch sẽ là trước giải quyết khó khăn hiện tại. Sau nhân rộng mô hình.
Gói tín dụng 50.000 tỷ đồng sẽ được các ngân hàng triển khai thông qua chuỗi liên kết xây dựng 4 nhà: ngân hàng người mua – chủ đầu tư – nhà thầu cung ứng và sản xuất vật liệu xây dựng – ngân hàng. 
Được biết các nhà chủ trì dự kiến mô hình sẽ tiếp tục được nhân rộng thông qua các trung tâm thương mại có quy mô lớn tại Tp HCM, Đà Nẵng, Hà Nội, hướng đến thúc đẩy sự phân phối, giao thương giữa các nhà sản xuất với thị trường, chủ đầu tư dự án, nhà thầu. Thông qua các trung tâm trưng bày sản phẩm, trung tâm thương mại quy mô lớn, hàng hóa được chuẩn hóa, từng bước đưa sản phẩm lên phong phú và chất lượng cao cho người tiêu dùng. Nhưng nói đi cũng phải nói lại là ở Việt Nam, thực tế mô hình sàn giao dịch hàng hóa với hai mặt hàng chính của VLXD là sắt thép đã từng xuất hiện, nhưng hoạt động èo uột nhiều năm và cuối cùng đi đến thất bại mà nguyên do được cho là nhu cầu giao dịch thấp, các DN tham gia sàn lèo tèo, yếu tố kho vận kém. Mong rằng sự chuẩn bị của Thiên Thanh và kinh nghiệm ngay trong lĩnh vực VLXD, khác với nhà tổ chức đã từng đứng ra lập sàn giao dịch sắt thép trước đây, và với cách làm quy mô, đa dạng sản phẩm, nhắm trúng nhu cầu thị trường cũng như có giải pháp cụ thể luân chuyển, hỗ trợ “giải phóng” sản phẩm… sẽ khiến mô hình này thực sự mới, hấp dẫn, tránh được vết xe thí điểm của người đi trước.

Một ước tính khác của VNCB cho thấy ngành địa ốc có liên quan đến khoảng 200 ngành nghề. Riêng về VLXD, ngành địa ốc có liên quan với ít nhất 30 mặt hàng, sản phẩm cơ bản. Số lượng hàng hóa theo xu hướng phát triển đã ngày càng nhiều thêm. Trong khi đó nhu cầu đáp ứng hạ tầng cơ sở và nhu cầu sử dụng nhà ở theo Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến 2002 vẫn còn rất lớn. Lưu thông lượng hàng hóa lớn và mang lại hiệu quả ưu việt cho người mua chính là cách thức để xây dựng, tổ chức phát triển thị trường ngành Xây dựng chuyên nghiệp.
Một thị trường xây dựng chuyên nghiệp được ví như nền tảng phụ trợ cho nền kinh tế quốc gia. Địa ốc – được thiết lập với niềm tin thị trường – sẽ đưa nền kinh tế sớm vượt qua mọi khó khăn, trở lại vững chãi. Trên cái nền đó, nền kinh tế sẽ trải rộng và được tạo đà để đón mọi cơ hội tăng trưởng.

Theo tài chính