Thiếu kinh nghiệm vẫn có thể trở thành ứng viên sáng giá

Làm thế nào để các tân cử nhân chưa có kinh nghiệm “lọt mắt” nhà tuyển dụng từ những vòng ngoài. Thực tế, có nhiều cách giúp bạn tạo điểm nhấn cho bản thân trong cuộc đua với nhiều ứng viên nặng ký.

Kinh nghiệm có vẻ như là đòi hỏi hóc búa nhất từ nhà tuyển dụng đối với các ứng viên trẻ mới tốt nghiệp. Bạn tìm thấy một công việc ưng ý, phù hợp với kỹ năng và chuyên ngành đã học. Bạn vui mừng nghĩ rằng, đó là nơi bạn nhất định phải đến với bao công việc thú vị đang chờ. Tuy nhiên, khi đọc đến yêu cầu kinh nghiệm, bạn giật mình, hụt hẫng bởi nhà tuyển dụng đòi hỏi ứng viên phải có kinh nghiệm ở vị trí đó. Đừng vội vàng bỏ cuộc.

Theo các chuyên gia tư vấn việc làm, nhà tuyển dụng thường đưa ra yêu cầu ứng viên đã có kinh nghiệm để yên tâm hơn về khả năng xử lý công việc. Nhưng không phải vì thế mà họ bỏ qua các ứng viên mới tốt nghiệp. Bạn vẫn có thể thu hút nhà tuyển dụng bằng cách tăng điểm nhấn cho CV. Sau đây là những gợi ý giúp các tân cử nhân có được bản CV sáng giá:

Tích cực trong khi đi thực tập

Nhiều trường cao đẳng, đại học hiện nay yêu cầu sinh viên hoàn thành chương trình thực tập trước khi tốt nghiệp. Đây là khoảng thời gian giúp bạn tích lũy thêm kiến thức, trải nghiệm thực tế cũng như học hỏi kinh nghiệm từ người đi trước. Bạn nên chọn một môi trường tốt, phù hợp với chuyên ngành để xin vào thực tập. Lúc này, đừng quan tâm họ có giao cho mình việc gì xứng đáng hay có trả thù lao tương ứng với công sức bỏ ra hay không. Kể cả khi không có tiền lương, bạn vẫn nên làm hết sức để đem lại cơ hội cho mình, kết nối với mọi người và biết đâu, sự tích cực ấy lại dẫn đến một lời mời ở lại làm việc công ty đó dành cho bạn. Nếu không được giữ lại, sự tích cực ấy cũng giúp bạn có những kinh nghiệm riêng, giúp cho CV thêm điểm cộng giá trị.

Tham gia công tác tình nguyện

Công việc tình nguyện chủ yếu liên quan đến lòng vị tha, sự sẵn sàng làm việc mà không đòi hỏi bất kỳ quyền lợi nào. Trên thực tế, những công việc phi lợi nhuận như thế là cách tuyệt vời để trau dồi kỹ năng, có thêm kinh nghiệm. Thậm chí, nhiều công ty còn khuyến khích nhân viên tham gia công tác tình nguyện để tạo cơ hội kết nối với mọi người và biết mình phải làm thế nào để phù hợp với văn hóa doanh nghiệp.

Tiếp tục học tập

Bạn đã tốt nghiệp không có nghĩa là hoàn tất sự nghiệp học hành. Một câu khá phổ biến mà các nhà tuyển dụng thường hỏi khi phỏng vấn là: Bạn đã dành thời gian vào việc gì sau khi tốt nghiệp? Nếu câu trả lời chỉ là thường xuyên ngủ dậy muộn, sinh hoạt tự do, không theo giờ giấc quy định hay chia sẻ những việc làm thường nhật, bạn sẽ không thể nổi bật trong mắt nhà tuyển dụng. Tuy nhiên, nếu câu trả lời là tiếp tục sự nghiệp học hành, tham gia các buổi hội thảo để nâng cao kiến thức, thường xuyên góp mặt trong các buổi thảo luận liên quan đến lĩnh vực chuyên môn của mình… rất có thể, bạn sẽ tạo được ấn tượng lâu dài.

Chú trọng vào thư xin việc
Thư xin việc là cơ hội để bạn giải thích cho nhà tuyển dụng về kinh nghiệm bản thân và đưa ra những biện pháp giúp công ty khắc phục khó khăn hay phát triển mạnh hơn nữa. Cố gắng làm nổi bật sự tương đồng giữa công việc bạn đã làm và công việc bạn đang ứng tuyển. Nhà tuyển dụng sẽ không đưa ra quyết định chỉ dựa trên yếu tố kinh nghiệm lâu năm, họ còn phải xem xét đến khả năng ứng biến, sự nhạy bén của ứng viên nữa. Đây là cơ hội để bạn đưa ra những kinh nghiệm cụ thể, dù chưa phải lâu năm và khiến nhà tuyển dụng thấy, chỉ có bạn mới là ứng viên phù hợp nhất với vị trí mà công ty đang trống.

Theo Trí Thức Trẻ