Khi người lãnh đạo trao quyền cho nhân viên, nghĩa là đã bao gồm cả việc nhân viên đó phải chịu trách nhiệm về những việc mình làm, cho dù kết quả tốt hay xấu.
Theo Inc.com, có những cách giúp người lãnh đạo khuyến khích nhân viên trưởng thành hơn trong công việc.
1. Trao cho nhân viên sự độc lập trong việc tìm ra cách giải quyết vấn đề
Trong công việc, nếu xảy ra chuyện không ổn, hãy để cho những nhân viên trực tiếp chịu trách nhiệm với công việc đó tìm ra hướng giải quyết hợp lý nhất.
Người lãnh đạo sẽ thiết lập ra những quy tắc chuẩn mực, nhưng cho phép nhân viên của mình tìm ra cách để giải quyết vấn đề. Người lãnh đạo phải đảm bảo rằng mình đã trao cả trách nhiệm và sự độc lập cho nhân viên trong việc bảo đảm công việc được thực hiện đúng.
2. Khuyến khích nhân viên đưa ra những quyết định của riêng họ
Nếu tất cả những quyết định trong công ty đều phải được người lãnh đạo thông qua thì thật sự đó không phải là cách lãnh đạo tối ưu. Hãy trao quyền quyết định công việc cho những nhân viên cấp dưới. Tuy nhiên, để bảo đảm nhân viên của mình có những quyết định đúng đắn, người lãnh đạo phải đào tạo họ, đồng thời đưa ra những hình mẫu kết quả mà mình muốn nhân viên đạt được.
3. Truyền cảm hứng và niềm tự hào cho công việc và cho tổ chức
Người lãnh đạo phải thường xuyên theo dõi kết quả hoạt động của công ty, và cho tất cả nhân viên được biết những đóng góp của họ trong công việc chung. Tưởng thưởng cho những nhân viên, nhóm hoặc phòng ban đạt hoặc vượt chỉ tiêu, đồng thời làm việc chặt chẽ hơn với những cá nhân, bộ phận không đạt được.
Khi nhân viên hiểu được họ đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của doanh nghiệp, và những đóng góp của họ được ghi nhận, bạn sẽ truyền cảm hứng và niềm tự hào trong công việc cho tất cả mọi người trong doanh nghiệp của mình.
4. Khen ngợi những nhân viên dám vượt qua thất bại để trưởng thành
Một số nhân viên sẽ tự nhận thức được trách nhiệm của mình trong công việc, nhưng một số khác sẽ rất khó khăn trong việc này.
Khuyến khích họ bằng cách ghi nhận và biểu dương thành tích xuất sắc của họ. Khi mọi chuyện không suôn sẻ, hãy giúp đỡ họ nhận ra sai lầm và đưa ra những phương án sửa chữa một cách kín đáo, để họ không mắc phải sai lầm tương tự trong tương lai.
Nhận trách nhiệm không phải là việc bạn có thể ép nhân viên phải làm. Tuy nhiên, bằng cách thực hiện những phương pháp trên, bạn sẽ biến công ty của mình thành nơi mà tất cả công việc, kể cả những việc nhỏ nhất, đều được hoàn thành xuất sắc trên cả mong đợi. Hãy biến từng vị trí của công ty đều trở nên có ý nghĩa, và niềm tự hào cũng như trách nhiệm của mỗi cá nhân sẽ lớn hơn bao giờ hết.
Theo Doanh nhân Sài Gòn