Càng gần những ngày cuối năm, những vấn đề liên quan đến việc giảm thuế theo lộ trình thực hiện các cam kết Afta lại càng nóng, cả đối với những DN ôtô lẫn người tiêu dùng.
Đối với DN, từ đầu năm đến nay, hầu như DN nào cũng tung ra những chương trình khuyến mãi lớn, liên tục.
Tuy nhiên, đối với người tiêu dùng thì câu hỏi quan trọng nhất là nên mua xe ngay hay lại tiếp tục chờ?
Lo lắng trong khởi sắc
Nếu nhìn vào số lượng tiêu thụ xe trong tháng 10 do Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô VN (VAMA) công bố thì doanh số bán xe của các thành viên đạt 10.282 xe các loại, tăng 5% so với tháng trước và 29% so với cùng kỳ năm 2012. Đây được xem là tháng tiếp tục đà tăng trưởng từ 5 tháng trước đó (trừ tháng 7 âm lịch) và Vama đã nâng dự báo tiêu thụ của năm lên tới 109.000 xe so với 100.000 xe như dự báo đầu năm. Dù khởi sắc là vậy, nhưng các DN lắp ráp trong những vẫn còn rất nhiều lo lắng:
Thứ nhất, nhìn vào tổng số liệu trong khi doanh số bán xe tải tăng thì ngược lại xe con lại giảm 1% so với tháng 9/2013. Việc sụt giảm này được xem là bất ngờ vì đây là thời điểm được xem là tiêu thụ xe mạnh, chỉ đứng sau tháng 11, tháng 2 hàng năm.
Thứ hai, việc gia tăng xe nhập khẩu nguyên chiếc với hàng loạt mẫu xe mới ra mắt. Cho dù những mẫu xe này được chính các DN lắp ráp trong nước nhập khẩu và phân phối, nhưng rõ ràng lượng tiêu thụ xe trong nước sẽ giảm rất nhiều. Và theo tính toán của nhiều chuyên gia, nếu tính về các loại thuế, phí… thì lãi của xe nhập khẩu không thể bằng xe lắp ráp trong nước. Nếu vậy thì việc xe lắp ráp trong nước tiêu thụ giảm, chắc chắn lãi của DN cũng ít đi. Và việc họ lo lắng âu cũng là lẽ thường.
Khó khăn dồn lên đại lý
Hiện tại VN, các đại lý ôtô tồn tại với nhiều hình thức khác nhau. Thứ nhất đại lý có vốn của nhà sản xuất, lắp ráp trong nước (Tùy theo mức độ góp vốn, nhưng thường là nhà sản xuất, lắp ráp chiếm trên 50% vốn). Thứ hai đại lý hoạt động theo dạng liên doanh, là nhà phân phối đơn thuần, không có vốn góp của nhà sản xuất, lắp ráp.
Thường thì ở dạng đại lý thứ nhất, khó khăn khi thị trường tiêu thụ khó thì sẽ có sự gánh, đỡ, sẽ chia từ nhà sản xuất, lắp ráp. Bản thân các chương trình khuyến mãi, giảm giá đều bắt đầu từ chính nhà sản xuất, lắp ráp. Đại lý ít khi đưa ra một chương trình khuyến mãi riêng.
Đối với các đại lý dạng thứ hai thì phụ thuộc hoàn toàn vào nhận định của thị trường. Đến thời điểm hiện nay, nhiều đại lý hoạt động theo mô hình này đang kêu trời do sức mua hầu như không tăng như dự tính của họ, dẫn đến hang tồn kho nhiều, cho dù đã giảm giá bán mạnh, chấp nhận không còn lợi nhuận.
Bên cạnh đó, việc không hoàn thành tiêu thụ số lượng đã đăng ký cũng bị cắt thưởng. Tìm hiểu cho thấy, hiện tại tất cả các đại lý bán xe lắp ráp trong nước, từ Toyota, Ford, Trường Hải, GM, Nissan… đều đang phải giảm giá bán, xe ít khoảng 10 triệu đồng, xe nhiều lên tới gần 100 triệu đồng để hút khách.
Cơ hội cho khách hàng
Xu hướng giảm giá mạnh các mẫu xe được đánh giá là do ba nguyên nhân chính : Thứ nhất, kinh tế khó khăn, sức mua yếu nên buộc phải giảm giá để kích thích người tiêu dùng. Thứ hai, giảm giá để cạnh tranh với những mẫu xe mới được nhập khẩu nguyên chiếc.
Bản thân nhiều DN lắp ráp trong nước trước khi tung ra những mẫu xe đời mới hơn cũng đều giảm giá mạnh những mẫu xe đời cũ. Điều này cũng đã trở thành xu hướng vì các đời xe mới có sự ra đời nhanh hơn so với trước đây. (Hiện nay, xu hướng các phiên bản mới thay đổi phiên bản cũ rút ngắn xuống còn khoảng 2 năm, thậm chí 1 năm so với 5 hoặc 8 năm thời gian trước đây).
Thứ ba càng gần cuối năm xu hướng giảm giá còn tiếp tục diễn ra khi mà thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc từ khu vực Asean từ năm 2014, tức chỉ còn hơn 2 tháng nữa chỉ còn 50% (Mức đang áp dụng hiện nay là 60%). Nói là giảm 10% cứ nghĩ là không nhiều, nhưng trên thực tế lại là một khoản không nhỏ. Vì sau khi tính thuế nhập khẩu xong mới tính thuế tiêu thụ đặc biệt.
Ví dụ, một chiếc xe nhập khẩu nguyên chiếc có giá tính thuế là 10.000 USD sẽ giảm tới 1.650 USD và xe có giá trị lớn lại càng giảm được nhiều. Khi đó, giá xe nhập khẩu nguyên chiếc chắc chắn sẽ giảm mạnh và theo tính toán của nhiều DN, giá của nhiều mẫu xe nhập khẩu, nhất là xe hạng trung và sơ cấp sẽ ngang bằng với giá xe lắp ráp trong nước hiện nay.
Nếu vậy thì khi không quá cần kíp, khách hàng nên tiếp tục chờ sang 2014 hãy mua, cả xe lắp ráp trong nước lẫn xe nhập khẩu nguyên chiếc đều sẽ rẻ hơn, sự lựa chọn lại phong phú hơn.
Theo Diễn đàn doanh nghiệp