Bỗng dưng muốn hủy niêm yết: Cổ đông nhỏ lẻ bị động

Khi thông tin hủy niêm yết được đưa ra bên ngoài thì chỉ có nhà đầu tư nhỏ lẻ, cổ đông cá nhân bị động.

Kế hoạch hủy niêm yết nhiều khả năng đã được ban lãnh đạo công ty và cổ đông lớn họp bàn từ trước. Vì vậy, khi thông tin hủy niêm yết được đưa ra bên ngoài thì chỉ có nhà đầu tư nhỏ lẻ, cổ đông cá nhân bị động.
Mới tuần rồi, Gạch ngói Kiên Giang (KBT) thông báo sẽ hủy niêm yết tự nguyện 3 triệu cổ phiếu (CP) tại HNX. Cuối tháng 7/2010, KBT có phiên giao dịch đầu tiên trên sàn, khi đó vốn điều lệ của Công ty đạt 23,36 tỷ đồng, đến khi chấm dứt sự có mặt trên sàn thì con số này là 30 tỷ đồng.
Thông thường, DN niêm yết có thể tận dụng cơ hội tăng vốn để mở rộng sản xuất – kinh doanh, KBT cũng có tận dụng, nhưng chỉ được phần nào 30 tỷ đồng vốn điều lệ niêm yết là khá nhỏ.
Về kinh doanh, KBT tăng trưởng tương đối về doanh thu, năm đầu tiên lên sàn đạt hơn 30 tỷ đồng, còn năm rồi đạt hơn 35 tỷ đồng, 9 tháng đầu năm 2013 đạt hơn 25 tỷ đồng, lợi nhuận thì trung bình, khoảng 6 tỷ đồng mỗi năm. Kết thúc tuần rồi, CP KBT có giá 6.100 đồng và hiện diện bình thường trên sàn.
Cũng phải nói thêm là trong giai đoạn này, muốn làm một CP “bình thường” không phải là dễ khi đầy rẫy những mã làm ăn thua lỗ, rơi vào diện cảnh báo, kiểm soát. Vậy một CP bình thường như KBT lại hủy niêm yết thì có gì là bất thường hay không?
Hồi cuối tháng 4 năm nay, đại hội cổ đông KBT ra nghị quyết về kế hoạch huỷ niêm yết, nên lúc này không có gì bất ngờ vì có 7 tháng để chuẩn bị rời sàn.
Mặt khác, KBT là một CP có thanh khoản rất thấp, tính từ đầu năm đến nay, kể cả trước khi có thông tin hủy niêm yết thì số phiên mà CP này không có giao dịch chiếm áp đảo. Vậy nên, ảnh hưởng về mặt thanh khoản của KBT giữa việc niêm yết và hủy niêm yết có thể sẽ không lớn.
Hồi cuối tháng 8, Công ty CP Gò Đàng (AGD), một công ty thủy sản với thế mạnh liên quan đến các sản phẩm về nghêu cũng hủy niêm yết tự nguyện. Về mặt kinh doanh, AGD được đánh giá khá cao, những năm trước AGD còn nằm trong nhóm những CP có EPS vào loại cao trên sàn.
Cuối năm 2012, Panga Holdco Private, một nhà đầu tư nước ngoài đã công bố thông tin sở hữu gần 49% cổ phần AGD thông qua việc mua 6 triệu CP với giá 63.000 đồng/CP.
Khi hủy niêm yết, AGD cũng công bố thông tin về việc ông Nguyễn Văn Đạo, cổ đông lớn và cũng là Chủ tịch HĐQT Công ty, mua lại CP của các cổ đông nhỏ theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp này, các cổ đông nhỏ lẻ của AGD cũng không mấy thiệt thòi vì đã được hỗ trợ thanh khoản khi huỷ niêm yết.
Và từ đầu năm 2011 cho đến năm 2013, AGD là một trong những CP tăng giá mạnh nhất trên thị trường khi tăng gấp ba lần từ 20.000 đồng lên 60.000 đồng/CP. Trong trường hợp gần đây, khi hủy niêm yết, Công ty Thủy sản Minh Phú (MPC) cũng được công ty cam kết mua lại CP.
Thời còn trên sàn, những vấn đề liên quan đến hoạt động kinh doanh và room sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại MKP (Mekophar) đã được phân tích rất nhiều nhưng kết quả thì vẫn chưa rõ ràng.
Vì vậy, việc MKP hủy niêm yết sẽ yên ổn hơn và hoạt động kinh doanh thì vẫn được duy trì, nên hồi tháng 7/2012, Công ty đã rời sàn. Hồi cuối tháng 5, MKP đã chia cổ tức đợt 2/2012 với tỷ lệ 20% (2.000 đồng/CP) bằng tiền mặt.
Những việc trên đây đều có một điểm chung là rời sàn không đồng nghĩa với “thảm họa”, nhất là đối với các cổ đông nhỏ lẻ vì công ty vẫn duy trì quyền lợi bằng các biện pháp như mua lại, hoặc vẫn tiếp tục duy trì hoạt động.
Cũng có những trường hợp công ty sau khi hủy niêm yết đã cải thiện kinh doanh. Nhưng trong thực tế, không phải công ty nào cũng như AGD, MKP hay MPC đảm bảo quyền lợi của cổ đông, ít nhất là về mặt thanh khoản của CP.
Đặt trong trường hợp những DN đang hoạt động bình thường, bỗng dưng công bố ý định hủy niêm yết, thì cổ đông sẽ không kịp trở tay và để có giải pháp cho những trường hợp như vậy không phải đơn giản.
Trong giai đoạn mà thị trường chứng khoán không sôi động kiểu như năm 2007 hay 2009, khả năng các công ty “bỗng dưng có ý định hủy niêm yết” là rất khó lường.
Đơn giản, nếu công ty niêm yết chỉ để phát hành cổ phiếu tăng vốn, hay để cổ đông lớn, ban lãnh đạo bán cổ phiếu chốt lời, thì những ý định này, hoặc đã được thực hiện xong từ trước, hoặc lúc này không thể thực hiện được nữa, mà như vậy thì niêm yết làm gì?
Mới đây, lãnh đạo Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cho biết, có chương trình tiếp xúc trực tiếp với các DN có ý định niêm yết để chia sẻ thông tin.
Mong rằng, cơ quan này vừa chia sẻ những thuận lợi, kinh nghiệm khi niêm yết nhưng đồng thời cũng phải nhắc nhở một cách nghiêm khắc, kỹ lưỡng với công ty về việc niêm yết chứng khoán là một bước tiến chiến lược, chứ không phải để “đánh quả” xong rồi “rút”.
Luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc Công ty Luật Basico: Chưa phải là “thảm họa”
Theo quan điểm của tôi, việc các công ty hủy niêm yết hỗ trợ cổ đông như thế nào tùy thuộc vào nguồn lực và tình thế lúc đó. Chẳng hạn, chỉ những công ty có lượng tiền mặt, hoặc các cổ đông lớn có thực lực mới có thể mua lại cổ phiếu. 
Ở đây cũng cần xác định rõ, hủy niêm yết không đồng nghĩa với “thảm họa”. Về mặt trách nhiệm, lãnh đạo công ty sẽ phải làm như thế nào để đảm bảo quyền lợi của cổ đông một cách tốt nhất. 
Nếu trong trường hợp, công ty hủy niêm yết sẽ thuận lợi hơn trong việc tái cấu trúc, hoặc thay đổi kinh doanh, thì cổ đông có thể thiệt thòi một mặt nào đó (chẳng hạn thanh khoản) nhưng sau đó có thể đạt được những lợi ích khác. Vấn đề quan trọng là công ty cần minh bạch về thông tin trong hoạt động để tạo sự tin tưởng cho các cổ đông.

Theo Doanh nhân Sài Gòn