Theo tiết lộ của quan chức UBCK, dự thảo trình Chính phủ theo hướng nước ngoài được sở hữu tối đa 60% cổ phiếu biểu quyết của một doanh nghiệp niêm yết, nhưng doanh nghiệp được tự quyết có muốn nới room hay không.
Thời báo Kinh tế Sài gòn ngày 21/11 đăng bài “Nới room có đăng ký” của tác giả Hải Lý. Theo tác giả này, dư thảo quyết định về sự tham gia của Nhà đầu tư nước ngoài trên TTCK thay thế Quyết định 55/2009/QĐ-TTg đã được trình Chính phủ “mươi hôm”.
Theo tiết lộ của một quan chức UBCK, dự thảo lần này được trình Chính phủ trên tinh thần thông qua chủ trương: nước ngoài được sở hữu tối đa 60% cổ phiếu biểu quyết của một doanh nghiệp niêm yết, không khống chế tỷ lệ cổ phiếu không có quyền biểu quyết, tuy nhiên trao quyền tự quyết cho doanh nghiệp.
Tức là với những doanh nghiệp niêm yết muốn nới room sẽ tổ chức đại hội đồng cổ đông đề xuất mức room mới (tối đa 60%), và có văn bản đăng ký room gửi cho UBCK. UBCK sẽ trình lên cấp cao hơn (Bộ Tài chính hoặc Chính phủ) xem xét phê duyệt.
Điều này ngăn chặn việc doanh nghiệp nước ngoài cố ý thâu tóm doanh nghiệp Việt, và một số trường hợp như Vinamilk khối ngoại đang nắm giữ 49% nhưng SCIC đang nắm giữ khoảng 45%, nếu khối ngoại mua 60% Vinamilk thì hoặc Vinamilk sẽ phát hành riêng lẻ thêm cho nhà đầu tư nước ngoài hoặc SCIC sẽ phải bán bớt và nhà đầu tư cá nhân sẽ không nắm giữ Vinamilk, trường hợp này khó xảy ra vì bản thân SCIC không muốn bán Vinamilk.
Đối với cổ phiếu không có quyền biểu quyết, doanh nghiệp phát hành được bao nhiêu tùy thuộc vào thỏa thuận giữa doanh nghiệp và bên có nhu cầu mua.
Theo nguồn tin của TBKTSG, có thể mất 3 tháng kể từ khi quyết định mới ban hành đến khi doanh nghiệp được chính thức áp dụng room mới.
Theo Trí Thức Trẻ