Sữa Việt Nam – Vinamilk (VNM) thì lập kỷ lục 11 quý liền có lãi ròng trên nghìn tỷ đồng, kể từ quý I/2011.
Trong kinh doanh, chiến lược của các doanh nghiệp (DN) phải luôn mang tính tập trung cao độ vào giá trị đích thực để đạt hiệu quả cao nhất. Vì vậy, khi khủng hoảng kéo dài, nhiều DN buộc phải bán những tài sản tốt nhất để cân đối nợ nần, số DN khác tìm cách phát triển sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu của thị trường. Có những DN có thế mạnh độc quyền với thương hiệu lớn lại khai thác tối đa những thế mạnh này để mang đến lợi nhuận cho cổ đông.
Qua phân tích những DN kể trên, có rất nhiều DN lớn trên sàn chứng minh sự tăng trưởng đột phá trong mọi hoàn cảnh để mang những về giá trị tuyệt đối lẫn tương đối.
Một số doanh nghiệp hàng đầu là GAS, VIC và VNM… đều lãi ròng trên nghìn tỷ đồng. Trong đó, GAS dẫn đầu quý III với lãi ròng gần 3.000 tỷ đồng, nâng lãi lũy kế 9 tháng vượt trên con số 10.000 tỷ đồng, ghi nhận là DN đầu tiên trên sàn có kết quả trên chục nghìn tỷ đồng.
Sức mạnh tuyệt đối
Thế mạnh độc quyền đem lại hàng nghìn tỷ đồng lợi nhuận cho GAS luôn ở vị thế dẫn đầu ngành khí với doanh thu, lợi nhuận, vốn hóa… lớn nhất trên TTCK. Mục tiêu của GAS năm 2013 là đạt được 70% thị phần cung cấp LPG toàn quốc. Chiếm lĩnh ưu thế trong mặt hàng chủ lực của mình, GAS báo lãi hơn 10.000 tỷ đồng 9 tháng, vượt xa kế hoạch cả năm.
Tập đoàn Vingroup (VIC) cũng thể hiện sức mạnh khi doanh thu đạt gần 8.470 tỷ đồng, tăng gấp 6,6 lần so với quý III/2012. Lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 1.875 tỷ đồng, gấp 19,6 lần so với cùng kỳ năm trước.
Phần lớn nguồn doanh thu trong quý III được ghi nhận từ việc bán các căn hộ (đã được bàn giao cho khách hàng) tại 2 dự án lớn là Royal City và Times City. Doanh thu từ các hoạt động kinh doanh thường xuyên khác của Tập đoàn cũng tăng trưởng đáng kể, cụ thể là doanh thu cho thuê trung tâm thương mại/văn phòng tăng 44% (do có nguồn thu bổ sung từ Vincom Mega Mall Royal City – TTTM ngầm lớn nhất châu Á, khai trương ngày 26/7/2013); doanh thu kinh doanh khách sạn, du lịch tăng trưởng 31% và doanh thu dịch vụ chăm sóc sức khỏe tăng trưởng 81%.
Sữa Việt Nam – Vinamilk (VNM) thì lập kỷ lục 11 quý liền có lãi ròng trên nghìn tỷ đồng, kể từ quý I/2011. Riêng trong quý III/2013, VNM đạt lãi sau thuế 1.690 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong 9 tháng đầu năm 2013, lãi sau thuế hợp nhất của VNM lên đến 5.064 tỷ đồng, tăng trưởng 21% so với cùng kỳ năm trước và đạt 81% kế hoạch năm.
Mặc dù không đạt lãi nghìn tỷ như các DN trên nhưng HPG, DPM, PVS, FPT, PVD hay KDC đều là những doanh nghiệp đầu ngành đạt kết quả tốt trong quý III/2013.
Trong đó có Hoàng Anh Gia Lai (HAG), công ty nổi bật với hàng loạt sự kiện đáng chú ý trong năm qua như vụ cáo buộc của Global Witness, có mức tăng trưởng đáng kể trong quý III so với cùng kỳ khi đạt hơn 235 tỷ đồng lãi ròng.
Về tốc độ tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước, Công ty CP Sông Ba (SBA) có lãi ròng quý III tăng đến 361 lần so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân là trong quý III/2013, SBA đã điều chỉnh giá bán điện cho Nhà máy Thủy điện Krông Hnăng, giúp doanh thu công ty đạt gần 56 tỷ đồng, tăng gấp 6 lần so với cùng kỳ năm trước.
Tìm lối đi riêng
Cổ phiếu VNE của Công ty Xây dựng Điện Việt Nam (VNE) nhờ giảm giá vốn hàng bán và không còn bị lỗ từ các công ty liên kết liên doanh như trong kỳ trước nên lãi quý III năm nay đạt hơn 10 tỷ đồng, gấp 72 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Chiến lược của Công ty CP Giống cây trồng Trung ương (NSC) là đẩy mạnh bán những mặt hàng độc quyền ở khu vực miền Bắc, đạt lãi tăng trưởng cao (41% cho kỳ quý III và 22% cho kỳ 9 tháng so với cùng kỳ năm 2012) trong bối cảnh đã khá bão hòa với quy mô thị trường hiện tại. Vì vậy, DN đã mang về cho cổ đông những khoản lợi nhuận đáng mơ ước.
Còn đối với KDC của Tập đoàn Kinh Đô thì tập trung tối đa vào mặt hàng chủ lực vào mùa trung thu và đặc biệt tập trung cho các sản phẩm có biên lợi nhuận cao tiếp tục tăng trưởng tốt theo nỗ lực tái cấu trúc của tập đoàn. Kinh Đô đã báo lãi 9 tháng tăng 32% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 407 tỷ đồng. Cùng hoạt động trong ngành tiêu dùng nhanh, VinaCafé Biên Hòa cũng cho biết lãi quý III tăng 28% so với cùng kỳ nhờ việc tung sản phẩm mới.
Trên sàn chứng khoán cũng có một số DN thông báo lợi nhuận vượt kế hoạch do chuyển nhượng cổ phần. Đó chính là VHG đã bán thành công cổ phiếu Nhựa Kim Tín và VLXD Việt Hàn nhằm thoát lỗ và mang lại khoản lãi ròng 75,5 tỷ đồng.
Dược Hậu Giang cũng từng gây bất ngờ cho giới đầu tư khi công bố lãi lớn quý III nhờ bán thương hiệu Eugica. Nhờ việc bán thương hiệu này mà DN lớn ngành dược này đã đạt EPS 9 tháng 6.849 đồng/cổ phiếu.
Năm 2013 cũng là năm trào lưu bán vốn ở các công ty con diễn ra khá mạnh. Việc tái cơ cấu tài sản của các DN đi cùng với những khoản lãi kếch xù cho công ty trong kỳ kinh doanh và đồng thời tăng sức khỏe tài chính sau nhiều năm ròng chạy đua theo dòng xoáy kinh tế và không kịp nhìn lại chất lượng tài sản của mình.
Giải trình về lợi nhuận sau thuế tăng đột biến, TCM cho biết: tỷ lệ lợi nhuận gộp của công ty trong quý III/2013 đạt 13,6% cao hơn so với quý III/2012 (8,3 %) do tỷ lệ giá vốn trên doanh thu quý III /2013 đạt 86,40% thấp hơn so với cùng kỳ năm trước (91,69%).
Như vậy, mỗi lĩnh vực, mỗi sản phẩm đều có vòng đời, có lúc thịnh, lúc suy. Tuy nhiên, trong từng hoàn cảnh khác nhau, người lãnh đạo phải có tầm nhìn dài hạn, để lường trước thuận lợi và khó khăn sẽ giúp DN vượt qua khó khăn, hướng đến sự phát triển ổn định, bền vững.
Theo Thời báo kinh doanh