“Thị trường thế giới rất nhiều những yếu tố bất ổn, nên chúng ta không thể có một thị trường lúc nào cũng ổn định như chúng ta mong đợi.”
Khi nào hết được mùa mất giá?
Đây luôn là câu hỏi thường trực của người nông dân cũng như của những người quản lý. Câu hỏi này được các đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ NN&PTNN.
Bộ trưởng phát biểu, khách quan mà nói, giá cả theo quy luật cung cầu. Nông nghiệp lại không như ngành khác. Phần cung của ngành phụ thuộc rất lớn vào thiên nhiên. Thuận lợi thì được mùa, bất lợi thì mất mùa.
Phần nhu cầu thị trường, chúng ta bây giờ không phải sản xuất chỉ để tiêu dùng cho 90 triệu người dân Việt Nam mà phần nhiều, hầu hết các loại nông sản chính của chúng ta sản xuất muốn làm ra thêm một căn nữa thì phải bán được, mà phải bán được vào thị trường thế giới.
Thị trường thế giới đầy bất ổn nên ngoài các giải pháp căn cơ nâng cao chất lượng đòi hỏi phải có giải pháp tình thế. “Thị trường thế giới rất nhiều những yếu tố bất ổn, nên chúng ta không thể có một thị trường lúc nào cũng ổn định như chúng ta mong đợi.”
Làm sao quản lý tốt khâu giống?
Nhằm nâng cao công tác đưa giống chất lượng tốt đến tay người nông dân, Bộ NN&PTNT đã thường xuyên theo dõi và chấn chỉnh hệ thống văn bản pháp luật để tạo hành lang pháp lý giúp các cơ quan quản lý ở địa phương có thể quản lý chặt chẽ hơn. Hệ thống văn bản này bao gồm các Nghị Định, Thông tư và NĐ xử phạt có liên quan.
Nhưng bên cạnh đó, Cơ quan quản lý phải làm rõ trách nhiệm quản lý giống của các cấp và phối hợp chỉ đạo kiểm tra về chất lượng giống.
Bộ đã ban hành các chính sách khuyến khích hình thành tổ chức SX giống chuyên nghiệp để bà con có thể chuyển qua mua giống thương mại – giống có quy trình được kiểm tra về chất lượng, thay vì mua giống trôi nổi hay tự mình để giống.
Chính sách cố định đất trồng lúa có hạn chế đa dạng loại hình cây trồng?
Trả lời cho câu hỏi này, Bộ trưởng cho biết, chúng ta chủ trương giữ quỹ đất trồng lúa nhưng cũng không có văn bản nào cấm nhân dân trồng giống khác trên đất lúa nếu có lợi hơn (đã có văn bản hướng dẫn rõ: chúng ta giữ quỹ đất có khả năng trồng lúa lâu dài). Bà con có thể trồng những cây khác có lợi hơn cho mình nhưng không được làm mất khả năng trồng lúa của 3,8 triệu ha đất trồng này.
Riêng việc đào ao thả cá làm biến đổi hẳn tính chất đất trồng lúa, Bộ vẫn cho phép nếu việc thực hiện là đúng quy hoạch và được phép của địa phương.
Xuất khẩu gạo chưa có sự tham gia của người trồng lúa
Đây có lẽ là sự băn khoăn về vấn đề phân phối lợi ích giữa doanh nghiệp và nông dân trong khâu phân phối gạo. Tuy nhiên, Bộ trưởng cho biết ông chưa hiểu rõ lắm về câu hỏi, do đó ông trả lời: Chúng ta luôn tìm cách XK gạo để giữ giá có lợi cho nông dân. Bởi vì sao? Bởi vì thực tế nước ta bây giờ muốn trồng thêm 1 tấn lúa thì phải XK được, nếu không sẽ gây giảm giá lúa trong nước.
Chủ trương dừng khai thác gỗ từ rừng tự nhiên
Về việc giữ rừng, theo Bộ trưởng ngành lâm nghiệp là một ngành kinh tế kỹ thuật quan trọng. Ngành này không phải chỉ dùng tiền của Nhà nước để trồng rừng và làm khó dân mà phải là ngành đem lại thu nhập cho dân. Quán triệt tinh thần đó, Bộ NN&PTNN luôn đề xuất chính sách theo hướng này. Hiện có chủ trương dừng khai thác gỗ từ rừng tự nhiên nhưng có thể hưởng lợi từ rừng thông qua trồng rừng và khai thác chế biến lâm sản.
Ngành cà phê có gì?
Hiện tại việc tái canh cà phê chưa thành công. Vì vậy phải tập trung dốc lực tìm ra gói kỹ thuật giúp cho người trồng cà phê tái canh hiệu quả. Bộ trưởng thể hiện sự vui mừng khi mới đây, Thống đốc đã công bố gói tín dụng hỗ trợ nông dân. Nhưng bên cạnh đó, Chính phủ vẫn luôn tìm kiếm và kêu gọi các Tổ chức quốc tế bổ sung nguồn vốn này.
Theo Trí Thức Trẻ