TTCK không phải là nền kinh tế.
Trước năm 2008, người ta vẫn cho rằng các nhà kinh tế học không có việc gì phải làm ở các bàn giao dịch. Công việc của họ rất quan trọng, được ví như bộ khung giúp hiểu về mối quan hệ giữa các thị trường và thế giới thực.
Sau đó, khủng hoảng nổ ra và một số nhà kinh tế học bỗng chốc “nổi như cồn”. Tất cả các thành phần tham gia hoạt động trên thị trường và nhà đầu tư có thể học được nhiều điều từ các công trình nghiên cứu. Điều kỳ lạ đã xảy ra. Đột nhiên, nhiều nhà kinh tế học xuất hiện trên các phương tiện truyền thông, đưa ra lời kêu gọi mua hay bán.
Kinh tế học là bộ môn cực kỳ quan trọng, giúp hiểu thêm về thế giới mà chúng ta đang sống. Tuy nhiên, áp dụng lý thuyết kinh tế học một cách cứng nhắc có thể gây nên hậu quả khủng khiếp. Cho rằng GDP tăng trưởng thấp đồng nghĩa với lợi suất thấp trên TTCK, bạn sẽ bỏ lỡ một trong những đợt tăng giá mạnh nhất trong lịch sử vừa diễn ra trong mấy năm qua. Bạn cũng có thể bỏ lỡ thời điểm TTCK châu Âu rơi xuống mức đáy. Và, có một nghịch lý ở Trung Quốc: kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới trong khi TTCK mang lại mức lợi suất tệ nhất thế giới.
Thực tế là, không thể chắc chắn luôn luôn tồn tại mối quan hệ cùng chiều giữa các số liệu kinh tế và TTCK, cho dù ở hoàn cảnh của quốc gia nào đi chăng nữa. Thêm vào đó, dữ liệu kinh tế trong ngắn hạn cũng biến động khó lường như hành vi trên thị trường. Bởi vậy, dựa trên dự đoán để dự đoán về một thứ khác mang lại khá nhiều rủi ro.
Một nghiên cứu từ trường kinh doanh London cho thấy thực chất dựa vào các một số nhân tố kinh tế để quyết định sẽ đầu tư vào đâu thực chất chính là công thức của sự thất bại. Các nhà nghiên cứu Dimson, Marsh và Staunton đã thu thập số liệu về 83 nền kinh tế trong giai đoạn 1972 – 2009 và phân loại chúng theo GDP. Đầu tư vào các quốc gia có tăng trưởng GDP cao nhất đem lại mức lợi suất 18,4%, trong khi đầu tư vào những quốc gia có GDP tăng thấp nhất mang lại lợi suất lên đến 25,1%. Một nghiên cứu khác được thực hiện bởi BNY Mellon quan sát chỉ số S&P 500 với tốc độ tăng trưởng của kinh tế Mỹ trong giai đoạn 1970-2012 và rút ra kết luận rằng không có mối liên hệ nào giữa hai chỉ số này.
Trong khi đó, PIMCO cung cấp một ví dụ hoàn hảo về sự không liên quan và những tổn thất mà điều này có thể gây ra. Hàng năm, quỹ đầu tư trái phiếu lớn nhất thế giới đều tổ chức diễn đàn Secular với sự tham gia của những người thông minh nhất trên thế giới. Sau khi sự kiện kết thúc, PIMCO phát hành một báo cáo tổng hợp những kết luận và cả dự báo mà rút ra được sau mấy ngày thảo luận. Tin tốt là báo cáo của PIMCO có một vài điểm đúng, Chính PIMCO đã “phát minh” ra khái niệm New Normal để mô tả thời kỳ tăng trưởng kinh tế ở mức thấp, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao và giàu nghèo gia tăng.
Tuy nhiên, giống như Mohamed El-Erian đã thừa nhận tại hội nghị diễn ra mùa xuân vừa qua, vấn đề nằm ở chỗ PIMCO đã nhận định sai về thị trường. Nếu nghe các dự báo của PIMCO và làm ngược lại với danh mục đầu tư của mình, bạn sẽ thắng lớn.
Bản tin của Bloomberg cũng viết về điều này. TTCK Hy Lạp – quốc gia khiến nhà đầu tư lo lắng sẽ bị đẩy ra khỏi eurozone vì khủng hoảng nợ công – đã đánh bại gần như tất cả các thị trường trên toàn thế giới khi 6 năm suy thoái chấm dứt và nhà đầu tư cân nhắc mua vào.
Kể từ ngày 5/6/2012, 2 tuần trước khi MSCI đưa ra thông báo có thể phân loại TTCK Hy Lạp là thị trường mới nổi, chỉ số ASE Index của nước này đã tăng tới 146%. Theo dữ liệu từ Bloomberg, đây là mức cao hơn so với tất cả 94 chỉ số khác trong cùng kỳ, ngoại trừ Venezuela. Lợi suất trái phiếu chính phủ 10 năm do chính phủ Hy Lạp phát hành cũng giảm từ mức đỉnh 33,7% hồi tháng 3/2012 xuống còn 8,31%.
Hy Lạp đã không thể đi vay nếu như không có sự trợ giúp từ các nước Bắc Âu. Tỷ lệ nợ/GDP sẽ lên tới 176% trong năm tới. Con số này là thảm họa đối với bất cứ quốc gia nào, đặc biệt là với một quốc gia không thể sử dụng đồng nội tệ để kiểm soát tình hình như Hy Lạp. 5 năm qua, 25% sản lượng kinh tế đã biến mất. Tỷ lệ thất nghiệp lên tới 27%.
Tuy nhiên, TTCK không phải là nền kinh tế.
Giao dịch chứng khoán được thực hiện trên 3 nhân tố: cảm xúc, giá trị và xu hướng. Các số liệu kinh tế có thể đem lại điều này, nhưng nhà đầu tư mới là người quyết định họ đi theo nhân tố nào. Và, các nhà kinh tế học không thể đoán biết chính xác về điều này. TTCK Hy Lạp có thể bị chán ghét nhất trên thế giới (cảm xúc), có giá trị thấp nhất và xu hướng trên thị trường vẫn là đi xuống.
Theo Trí Thức Trẻ/Business Insider