Hải quan TP.HCM: Giải đáp vướng mắc cho DN châu Âu

Ngày 31-10, tại TP.HCM, Phòng thương mại Châu Âu phối hợp với Cục Hải quan TP.HCM tổ chức buổi tọa đàm thường niên về các vấn đề về hải quan nhằm cung cấp cho doanh nghiệp các quy định mới về thủ tục hải quan.
>> DN châu Âu lo lạm phát tăng trở lại
>> DN châu Âu tin tưởng sự phục hồi kinh tế Việt Nam
>> DN châu Âu lạc quan về kinh tế Việt Nam trong trung hạn

Quang cảng buổi tọa đàm. Ảnh: N.H
Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Christopher Ong -Tổng Giám đốc DHL VNPT Express Việt Nam cho biết, Việt Nam đứng thứ 31 trên tổng số 140 quốc gia trên toàn cầu trong bảng xếp hạng chỉ số Kết nối toàn cầu của DHL. Đến tháng 9-2013, tổng giá trị thương mại của Việt Nam tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước, đạt 193 tỷ USD. Trong đó xuất khẩu đóng góp 96,5 tỷ USD, tăng 15,7% và nhập khẩu đóng góp 96,6 tỷ USD, tăng 15,5%.
Ông Christopher Ong cũng đánh giá cao những đổi mới của ngành Hải quan trong năm 2013 như: Sửa đổi Luật Hải quan theo hướng chuyên nghiệp và minh bạch; Triển khai E-manifest cho các hàng tàu trong và ngoài nước tại hầu hết các cảng biển của Việt Nam; Việc chuẩn bị triển khai Hệ thống thông quan tự động VNACCS vào đầu năm 2014; Thông tư 128/2013/TT-BTC bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1-11-2013…
Tại buổi tọa đàm, lãnh đạo Cục Hải quan TP HCM đã giải đáp nhiều vướng mắc do doanh nghiệp nêu lên. Cụ thể, khi doanh nghiệp bấm nút gửi tờ khai hải quan điện tử cho cơ quan hải quan, nhiều khả năng do lỗi kỹ thuật nên việc phản hồi bị chậm trễ. Lúc này, doanh nghiệp thường tiếp tục bấm gửi thêm nhiều lần, đến khi hệ thống hoạt động trở lại, tại cơ quan hải quan xuất hiện 1 loạt tờ khai có số khác nhau nhưng đều của cùng 1 lô hàng. Vì vậy, cơ quan hải quan lại phải tiến hành hủy tờ khai. Do đó, ông Bùi Lê Hùng, Trưởng phòng Giám sát Quản lý Hải quan, Cục Hải quan TP.HCM khuyến cáo các doanh nghiệp cần kiên nhẫn hơn trong việc khai báo, khi xảy ra trục trặc thì cần liên hệ trực tiếp với cơ quan hải quan để có hướng dẫn cụ thể, tránh để xảy ra tắc nghẽn thêm.
Về điều kiện thành lập kho ngoại quan, theo quy định tại Thông tư 128, kho ngoại quan phải có diện tích tối thiểu 5.000 m2 (bao gồm nhà kho, bãi và các công trình phụ trợ), trong đó khu vực kho chứa hàng phải có diện tích từ 1.000 m2 trở lên. Theo ông Hùng, hiện tại các kho ngoại quan tại TP.HCM đều chỉ có diện tích 1.000 – 2.000 m2 nên không đủ điều kiện. Do đó, nếu tiếp tục hoạt động, doanh nghiệp phải mở rộng diện tích kho ngoại quan theo quy định. Tuy nhiên, với những trường hợp đặc thù, chẳng hạn như kho ngoại quan vàng, doanh nghiệp có thể gửi văn bản lên Cục Hải quan TP.HCM để xin ý kiến Tổng cục Hải quan có hướng xử lý riêng.
Đối với việc thành lập đại lý hải quan, ông Hùng cho biết, hiện trong số khoảng 60 doanh nghiệp xin cấp giấy chứng nhận đại lý hải quan, chỉ có 1 doanh nghiệp có thể đáp ứng đủ điều kiện, đó là Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn. Do đơn vị này có đầy đủ điều kiện về kho bãi, phương tiện vận chuyển bốc xếp, giao nhận và năng lực về tài chính.
Việc hoạt động đại lý hải quan có thể coi là cầu nối giữa người khai hải quan, cơ quan hải quan và cơ quan quản lý chuyên ngành. Do đó đại lý hải quan phải thực hiện được tất cả các chức năng này, đó là thaymặt người khai hải quan để khai báo hải quan, nhận hàng, làm thủ tục hải quan, mang hàng hóa về, thậm chí đóng thuế cho DN, đồng thời nếu phải xin giấy phép xuất nhập khẩu thì đại lý hải quan cũng phải làm thay doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo ông Hùng, rủi ro đối với đại lý hải quan cũng rất lớn. Bởi nhiều trường hợp doanh nghiệp thuê đại lý hải quan làm thủ tục, đóng thuế trước, sau đó khi đã nhận hàng và tiêu thụ xong, doanh nghiệp không trả lại tiền thuế cho đại lý.
Ông Hùng cũng cho biết thêm, nếu doanh nghiệp có nhu cầu đăng ký làm đại lý hải quan có thể làm đơn xin cấp phép gửi Phòng Giám sát Quản lý. Trong vòng 5 ngày làm việc, cơ quan hải quan sẽ phản hồi lại, nếu đủ điều kiện, doanh nghiệp sẽ được cấp phép.

Theo BHQ