7 sai lầm khó tránh trong tuyển dụng

“Nhân lực là tài sản quý giá của công ty”, hầu hết các doanh nghiệp dù lớn, dù nhỏ đều nhận thức được điều này. Tuy nhiên trong thực tế, công tác tuyển dụng tại rất nhiều doanh nghiệp chưa thực hiện triệt để ý chí này của các nhà quản trị.
Bằng lăng kính chủ quan qua những kinh nghiệm đã trải qua trong công tác nhân sự, chúng tôi nhận thấy có 7 sai lầm đang tồn tại, cần phải thay đổi trong tuyển dụng:
1. Không nhận hồ sơ dự tuyển qua địa chỉ email
Đây là quan điểm rất lạc hậu trong thời đại CNTT đang phát triển và trở thành công cụ tiện lợi nhất, là lợi thế về tốc độ tiếp nhận và trao đổi thông tin cho chính các doanh nghiệp. Rất nhiều doanh nghiệp khi đăng tin tuyển dụng đã quy định không nhận hồ sơ qua email. Đây là cách làm mang màu sắc giấy tờ, phiền toái và là một trong những chướng ngại đối với nhiều ứng viên tiềm năng.
2. Không hồi đáp cho ứng viên khi nhận hồ sơ
Cho dù bạn nhận hồ sơ qua bất kỳ phương tiện nào, hãy hồi đáp cho ứng viên biết bạn đã nhận được hồ sơ ứng tuyển và thông tin sơ bộ về việc xem xét hồ sơ.
Với công cụ email, việc làm này rất dễ thực hiện, chỉ cần thiết lập chế độ phản hồi tự động. Nếu không sử sụng công cụ này để phản hồi tự động thì hãy dùng điện thoại, hộp thư thoại… Điều này giúp ứng viên cảm thấy mình được tôn trọng, biết chắc các nhà quản trị nhận được hồ sơ ứng tuyển của mình và xem xét đến nó. Từ đó, họ nuôi hy vọng và có thêm động lực để theo đuổi quá trình ứng tuyển. Và điều quan trọng nhất, họ sẽ nhớ đến công ty bạn. Tuyển dụng còn có vai trò PR, thậm chí là marketing mà các nhà tuyển dụng không nên xem thường.
3. Yêu cầu ứng viên viết đơn xin việc bằng tay
Kiểu này chỉ xuất phát từ quan niệm duy tâm của các nhà tuyển dụng có nguồn gốc đông bắc Á, hoặc chỉ là yêu cầu đối với rất ít vị trí cần chữ viết đẹp. Vậy mà, nhiều nhà tuyển dụng vẫn trung thành với yêu cầu này, dù đôi khi cũng không biết là nhằm mục đích gì.
Đây thực sự là một thao tác tạo ra sự chán nản đối với các ứng viên, nhất là các ứng viên ở vị trí trung, cao cấp. Có một số phép thử không còn phù hợp, cần mạnh dạn thay đổi.
4. Thiếu thận trọng trong điều tra lý lịch công tác
Cần hiểu một cách cơ bản rằng, không ai từ bỏ một môi trường làm việc hiện tại của mình để tìm đến công ty bạn nếu mối quan hệ giữa họ và các doanh nghiệp cũ hoàn toàn tốt đẹp. Chí ít, nó sẽ không còn là mối quan hệ tốt đẹp ngay sau khi họ nộp đơn xin nghỉ để đến với bạn.
Nếu điều tra xác minh, có đến 2/3 trường hợp bạn sẽ nhận được thông tin không mấy thiện cảm về ứng viên. Coi chừng bạn để tụt mất những ứng viên tốt. Vì vậy, chỉ nên thực hiện việc điều tra lý lịch công tác khi bạn cảm thấy ứng viên có vấn đề thực sự hoặc đối với các vị trí quan trọng liên quan đến tài chính…
5. Máy móc khi yêu cầu có xác nhận của địa phương trong lý lịch công tác
Thời đại toàn cầu hóa, tự do cư trú và di trú, việc trở về địa phương xác nhận lý lịch thực tế chẳng có tác dụng gì hoặc rất ít. Việc này tồn tại khá lâu do dư âm của kinh tế bao cấp và với các doanh nghiệp nhà nước, tổ chức đoàn, đảng, hội… Một số doanh nghiệp lười tư duy, vận dụng không đúng, gây mất thời gian, tự mình làm hạn chế nguồn ứng viên đến với mình. Đơn giản là họ không có thời gian và nếu họ thực sự là ứng viên có nhiều lựa chọn thì họ không làm những chuyện vô bổ như vậy.
Xác minh có nhiều cách, dạng này chỉ nhằm kiểm tra lý lịch tư pháp liên quan đến rất ít vị trí, các nhà tuyển dụng tự làm được, một cách dễ dàng mà không nên yêu cầu ứng viên như là một yêu cầu bắt buộc khi ứng tuyển.
6. Chậm chạp trong quyết định
Nhiều nhà tuyển dụng khi phỏng vấn không nói rõ cho ứng viên về quy trình tuyển dụng, thời gian có quyết định cuối cùng, chạm chập và khá tùy tiện. Thậm chí hẹn ứng viên lên gặp người có quyền quyết định cuối cùng nhưng không nỗ lực sắp xếp thời gian hợp lý sau đó cho họ gặp đại một ai đó vì lỡ hẹn… Đây là biểu hiện của sự thiếu chuyên nghiệp, thiếu thiện chí. Những ứng viên tốt sẽ nhận ra ngay điều này và sẵn sàng từ bỏ ý định.
Một điều thường xảy ra là khi kết thúc buổi phỏng vấn, một số nhà tuyển dụng không có động thái nào tạo cho ứng viên cảm thấy mình còn hy vọng, đến khi có quyết định, ứng viên đã chọn bến đỗ khác. Nên nhớ, khi họ tìm việc thì dứt khoát không phải chỉ đến một mình công ty bạn, họ luôn có những lựa chọn khác nhau.
7. Cứng nhắc về hồ sơ thủ tục
Những thứ không cần thiết cần mạnh dạn bỏ hoặc có thể đề nghị bổ sung sau. Chúng tôi lấy ví dụ “giấy khám sức khỏe” chẳng phản ánh cái gì về sức khỏe của ứng viên cả. Đừng nên vì những thủ tục mà tự làm khó mình.
Thái độ cầu thị của nhà tuyển dụng khi được sự cầu thị của ứng viên bắt gặp thì công tác tuyển dụng mới thành công.
Tuyển dụng có thể được xem như là một ván bài. Đôi khi bạn đang cầm trên tay những con bài tốt mà không nhận ra hoặc không tận dụng được để giành thế thắng. Các bước đi trong một ván bài là rất quan trọng, nó quyết định kết quả mà bạn nhận được.

Theo: DN