Viettel: Muốn cước 3G không tăng thì phải mua thiết bị

Nội dung nổi bật:
Bị ‘lên án’ vì tăng cước 3G gây khó khăn cho doanh nghiệp vận tải, Viettel có phản hồi rằng họ không điều chỉnh giá cước cũng như block tính cước của cả 6 gói dịch vụ giám sát phương tiện vận tải V-Tracking. 
Nhưng điều kiện để dùng 6 gói cước này là phải sử dụng thiết bị giám sát hành trình (GSHT) mang nhãn hiệu V-Tracking của Viettel. Tức là phải mua mới khi doanh nghiệp đã có thiết bị GSHT. Giá bán của thiết bị GSHT V-Tracking của Viettel là gần 5 triệu đồng/chiếc. 
“Ở đây đang có sự nhập nhằng giữa việc kinh doanh dịch vụ mạng và thiết bị đầu cuối để ép khách hàng phải sử dụng thiết bị V-Tracking”.
Sau bài “Tăng cước 3G, doanh nghiệp vận tải kêu cứu”, Viettel có phản hồi cho rằng họ không điều chỉnh giá cước cũng như block tính cước của cả 6 gói dịch vụ giám sát phương tiện vận tải V-Tracking. 
Tuy nhiên, phản ánh của đại diện doanh nghiệp vận tải lại cho thấy, điều kiện để doanh nghiệp được sử dụng 6 gói cước này là phải sử dụng thiết bị giám sát hành trình (GSHT) mang nhãn hiệu V-Tracking của Viettel.

Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Ngay sau khi có phản ánh của Hiệp hội Vận tải ô tô VN về việc các nhà mạng đột ngột tăng giá cước 3G quá cao khiến thiết bị GSHT bị “tê liệt”, gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp vận tải, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, đề nghị Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo các lực lượng tuần tra, kiểm soát tạm thời không xử lý vi phạm đối với các chủ xe, lái xe trong trường hợp thiết bị GSHT không hoạt động đúng quy định do tài khoản thuê bao 3G hết tiền đột ngột, áp dụng đến hết ngày 30/11/2013. Bên cạnh đó, đề nghị có sự tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp.

Doanh nghiệp vận tải không chịu nổi giá cước 3G
Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) Khuất Việt Hùng cho biết: Việc điều chỉnh cách tính cước của các nhà mạng đã làm tăng chi phí cho thuê bao SIM 3G gắn trên thiết bị GSHT từ 8 -10 lần. Theo đó, đơn vị có 100 xe sẽ phải tăng thêm chi phí từ 8 – 10 triệu đồng /tháng.
Theo một số nhà cung cấp thiết bị GSHT và doanh nghiệp vận tải, những động thái kịp thời nêu trên của Bộ GTVT đã thể hiện sự quan tâm, sát sao của lãnh đạo Bộ trước những khó khăn của giới vận tải và sự quan tâm chung đối với công tác quản lý vận tải đang được thực hiện một cách nghiêm túc và quyết liệt.
Tuy nhiên, đi ngược lại sự rốt ráo của cơ quan quản lý Nhà nước, phải 4 ngày sau khi Hiệp hội có phản ánh, Viettel mới có trả lời báo chí rằng: Tổng công ty Viễn thông Viettel không điều chỉnh giá cước cũng như block tính cước của cả 6 gói dịch vụ V-Tracking.
Các gói cước chuyên biệt của dịch vụ V-Tracking (có cước thuê bao là 15.000 đồng) được Viettel thiết kế với giá ưu đãi dành riêng cho các doanh nghiệp vận tải… Trong trường hợp doanh nghiệp tự ý sử dụng các sim D-com và Mobile Internet thông thường (vốn được sử dụng vào mục đích khác) để sử dụng cho thiết bị GSHT thì Tập đoàn không thể quản lý được để áp dụng mức cước ưu đãi.
Ông Khuất Việt Hùng – Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) cho biết, ngày 30/10, Bộ GTVT sẽ làm việc với nhà mạng để tìm biện pháp tháo gỡ cho doanh nghiệp vận tải.

Doanh nghiệp không đồng tình
Tuy nhiên, theo ông Nhâm Sỹ Nghị – Trưởng phòng Công nghệ thông tin, Công ty CP Vận tải Hoàng Hà (Thái Bình) cho biết: 
“Chúng tôi đã từng đề xuất với Viettel cung cấp các gói dịch vụ ưu đãi nêu trên nhưng đã không được đáp ứng. Điều kiện mà Viettel đưa ra để được sử dụng 6 gói cước này là phải sử dụng thiết bị GSHT mang nhãn hiệu V-Tracking của họ. Chúng tôi đã lắp đặt gần 300 thiết bị GSHT trước đó nên không thể bỏ đi để mua thiết bị mới của Viettel…”. 
Theo khảo sát trên mạng, giá bán của thiết bị GSHT V-Tracking của Viettel là gần 5 triệu đồng/ chiếc.
Trong thông cáo của Viettel gửi đến các cơ quan báo chí cũng cho biết, Viettel là đối tác của những doanh nghiệp tên tuổi trong lĩnh vực cung cấp giải pháp GSHT và các doanh nghiệp vận tải. 
Tuy nhiên, ông Tạ Công Thuận – Chi hội trưởng Chi hội những nhà sản xuất thiết bị GSHT cho biết: “Tôi khẳng định là không có doanh nghiệp nào được sử dụng một trong 6 gói cước mà Viettel đưa ra. Những gói cước này chỉ dành cho những đơn vị sử dụng thiết bị V-Tracking.
Ở đây đang có sự nhập nhằng giữa việc kinh doanh dịch vụ mạng và thiết bị đầu cuối để ép khách hàng phải sử dụng thiết bị V-Tracking. Điều này là vô lý và không tuân thủ các quy định về Luật Cạnh tranh”.
Trong khi có tới 80% doanh nghiệp vận tải là khách hàng, nhưng Viettel vẫn thản nhiên tăng cước với giá sốc thì cũng có doanh nghiệp hiện sẵn sàng cung cấp những gói cước giá rẻ. 
Đơn cử như Công ty CP Viễn thông Hà Nội (Ha Noi Telecom) vừa công bố gói cước với mức giá cạnh tranh từ 10.000 – 40.000 đồng/tháng hoặc block tính cước dữ liệu được tính theo đơn vị byte.

Theo Giao thông vận thông