Nhiều mặt hàng quần áo thời trang, hàng điện máy, xe máy đang giảm giá sâu. Vào thời điểm cuối năm, cơn lốc giảm giá hàng hóa càng mạnh thế nhưng thị trường vẫn… vắng người mua.
Dạo quanh các trục đường lớn ở TP HCM, dù có hay không chủ đích mua sắm, người tiêu dùng cũng dễ choáng ngợp trước rừng băng rôn, bảng thông báo giảm giá, khuyến mãi, bán hàng thanh lý để trả mặt bằng… được treo/dán trước cửa các trung tâm mua sắm, cửa hàng, cửa hiệu.
Giảm giá đậm vẫn ế
Mặt hàng thời trang giảm giá nhiều nhất. Nếu như trong tháng 8 vừa qua, hàng loạt nhãn hàng thời trang giảm giá tới 90% tại một số siêu thị ở Hà Nội thì nay, tại các trung tâm mua sắm lớn ở TP HCM, nhiều nhãn hàng thời trang cao cấp cũng treo bảng giảm giá từ 50%-75%.
Tại khu mua sắm trong khách sạn Sheraton (quận 1, TP HCM), các mặt hàng mang nhãn hiệu Roma của Ý treo bảng giảm giá đến 75%. Ghi nhận tại trung tâm mua sắm Parkson (quận 1) vào ngày 8-10, các thương hiệu nổi tiếng như JS.From, Valentino, Foci, Calvin Klein… đều trưng bảng giảm giá đến 50%. Có hãng còn đưa ra khuyến mãi lớn để thu hút khách: mua áo sẽ được tặng quần đồng bộ như Wacoal hay giảm giá ngay trên hóa đơn lên đến 550.000 đồng cho các thương hiệu còn lại nhưng lượng khách đến tham quan mua sắm rất ít.
Trên những tuyến đường chuyên bán hàng thời trang ở trung tâm TP HCM như Trần Hưng Đạo (quận 5), Nguyễn Trãi, Hai Bà Trưng (quận 1), Cách Mạng Tháng Tám (quận 3)…, hầu hết các cửa hàng đều trưng biển khuyến mãi từ 30%-70% nhưng người mua vẫn lèo tèo. Những năm trước, các cửa hàng treo bảng khuyến mãi theo mùa thì năm nay, băng rôn khuyến mãi treo quanh năm, hàng bán giảm giá đổ đống trên kệ ở giữa cửa hàng hoặc treo ngay cửa ra vào nhưng vẫn không có khách mua.
Một cửa hiệu khá lớn nằm trên đường Nguyễn Trãi, quần áo thời trang được chia làm 3 khu vực dành cho 3 đối tượng khách hàng: bình dân, cao cấp và người trung niên. Mặc dù được nhân viên bán hàng niềm nở giới thiệu sản phẩm mới, tư vấn mua hàng giảm giá nhưng chọn lựa qua một vòng, chúng tôi không mua được gì. Đa số các mẫu thời trang ở đây quá cũ, bày bán từ năm ngoái đến nay. Ở khu vực bán giảm giá 30% – 40% thì càng tệ hơn, có những kiểu từ 2-3 năm trước vẫn được tận dụng bán lại. “Hàng bán không được nên công ty cũng ít đưa hàng mới về” – cô nhân viên giải thích.
Chị Lan Anh, chủ một cửa hàng thời trang trên đường Nguyễn Trãi, cho biết: “Tình hình kinh tế khó khăn đã ảnh hưởng rất lớn đến sức mua của người tiêu dùng. Thông lệ hằng năm, vào thời điểm tháng 12, các doanh nghiệp, cửa hàng mới khuyến mãi để hút khách mua sắm cho dịp Noel, Tết. Còn năm nay, các doanh nghiệp kinh doanh thời trang phải bung khuyến mãi từ tháng 8 mà sức mua vẫn rất yếu, phải ráng “đẩy” hàng tồn để lấy vốn nhập hàng mới về!”.
Xe máy cũng èo uột
Theo thông lệ, cứ vào dịp cuối năm, xe gắn máy là mặt hàng bán chạy nhưng năm nay đã vào thời điểm gần Tết nhưng sức mua lại èo uột, thậm chí có dấu hiệu suy giảm đáng kể. Các thương hiệu như Yamaha, Suzuki, SYM, Piaggio trình làng hàng chục mẫu xe mới nhưng kinh doanh vẫn luôn trong tình trạng ế ẩm.
Để kích sức mua, Yamaha Motor Việt Nam đưa ra chương trình khuyến mãi siêu tiết kiệm: tặng quà từ 550.000-1 triệu đồng cho khách hàng khi mua dòng xe Fi của hãng. Hãng Piaggio Việt Nam thì hỗ trợ 100% lệ phí trước bạ (tương đương gần 3 triệu đồng) cho sản phẩm Liberty 3V 125. Tại Hà Nội, một số đại lý giảm mạnh cho khách hàng bằng cách hỗ trợ tiền mặt lên tới 8 triệu đồng/xe.
Honda Việt Nam từ lâu được xem là “anh cả” trên thị trường xe gắn máy, nổi bật là dòng xe tay ga cao cấp Air Blade, nay cũng phải công bố khuyến mãi 1 triệu đồng/xe cho khách hàng. Tuy nhiên, với mức giảm giá này vẫn không thể đẩy sức mua tăng khiến các đại lý phải “bấm bụng” giảm thêm 500.000 đồng/xe nhằm giải tỏa hàng tồn kho.
Hiện Honda Việt Nam đang có đợt khuyến mãi lớn với tổng số tiền lên đến 108 tỉ đồng dành cho khách hàng mua các loại xe Wave S, RS, RSX, Vision, Future. Các đại lý của Honda cho biết từ đầu năm đến nay, doanh thu giảm đến 30% so với cùng kỳ năm ngoái khiến họ phải lấy tiền chiết khấu mà nhà sản xuất dành cho để giảm giá trực tiếp cho khách hàng nên không còn lợi nhuận.
Doanh thu hàng thời trang giảm 25%
Lãnh đạo một hệ thống siêu thị lớn trên địa bàn TP HCM cho biết quần áo thời trang là một trong những ngành hàng bị ảnh hưởng trực tiếp và nặng nhất bởi suy thoái kinh tế. Bằng chứng là doanh thu ngành hàng này tại siêu thị đã giảm 25% so với trước đây. Để kích cầu tiêu dùng, các siêu thị luôn đưa mặt hàng thời trang may mặc vào nhóm sản phẩm được ưu tiên giảm giá, khuyến mãi hằng tháng nhưng khách hàng vẫn ưu tiên chọn mua hàng khuyến mãi là thực phẩm tươi sống, đồ dùng gia đình…
Theo Người lao động