Khó tái cấu trúc vì chằng chịt con – cháu

Trong thực tế, mối quan hệ giữa các thành viên và tập đoàn mẹ liên quan đến vấn đề quyền lợi không phải lúc nào cũng rõ ràng.

Việc tái cấu trúc trong chừng mực nào đó cũng giống như thay đổi, thậm chí đoạn tuyệt với những cái cũ vốn kém hiệu quả, để thay bằng những cái mới. Nhưng sự thiếu chuyên nghiệp, yếu kém rõ ràng trong hoạt động của các công ty BĐS khiến hoạt động tái cấu trúc trở nên phức tạp, chồng chéo và không dễ tìm ra lối thoát.
Ngày 26-7, STL (Sông Đà Thăng Long) đã bị HNX hủy niêm yết do lỗ lũy kế vượt quá vốn điều lệ thực góp. Dù vẫn còn có chữ “Sông Đà” trong tên gọi nhưng thực tế “tổng” Sông Đà từ đâu đã không còn là cổ đông của STL nữa.
Trường hợp tương tự cũng diễn ra tại SJS khi Tổng công ty Sông Đà cũng giảm dần tỷ lệ sở hữu của mình tại những thời điểm CP này được giá nhất. Có thể xem đây là 2 thương vụ thoái vốn hiệu quả, nhưng vấn đề hậu thoái vốn mới đáng để bàn tới. Có vẻ như không có một cổ đông lớn “cầm cương” nên STL đã bị loạn chiêu thực sự, rơi vào tình cảnh nợ nần, thua lỗ trầm trọng.
Trong thực tế, mối quan hệ giữa các thành viên và tập đoàn mẹ liên quan đến vấn đề quyền lợi không phải lúc nào cũng rõ ràng. Có những dự án tốt tập đoàn, tổng công ty mẹ chỉ định cho công ty con thực hiện sẽ đem lại lợi thế cho công ty con.
Nhưng không ai đảm bảo rằng khi mẹ thoái vốn sẽ để lại những lợi thế đó cho con. Nếu bán một công ty rỗng ruột, thử hỏi có ai dám mua không? Trường hợp nếu công ty chỉ có một cổ đông lớn bao trùm ảnh hưởng còn tương đối dễ quyết, nhưng nếu có nhiều cổ đông, câu chuyện xem ra phức tạp hơn nhiều.
Lấy thí dụ trường hợp của PVL (PVPower Land), ngoài các cổ đông PVX, PVFC cùng của PetroVietnam, còn có cả SJS góp vốn. Khi góp vốn, tất nhiên SJS cũng phải đạt được những lợi thế nhất định và đương nhiên cũng phải có những thỏa thuận với các cổ đông khác.
Những liên hệ kiểu này rất dễ giải quyết khi thuận lợi, nhưng đến lúc khó khăn xem ra không đơn giản chút nào. Và cũng chính những sự dai dẳng này đã tạo ra hiện tượng có thể gọi là nửa thoái vốn, nửa không. Điều này có thể thấy được phần nào qua trường hợp của Công ty Kinh doanh dịch vụ Cao cấp Dầu khí Việt Nam (PVR).
Ban đầu khi PVR được thành lập có cả PetroVietnam (PVN) làm cổ đông sáng lập, nhưng hiện giờ danh sách cổ đông của PVR không còn PVN nữa. Tuy nhiên, trong danh sách cổ đông lớn của PVR vẫn còn thấy những cái tên như PVI, PVS và cả Tập đoàn Đại Dương (OGC). PVI và PVS đều là thành viên của PetroVietnam, còn OGC có OceanBank và PVN cũng có vốn góp tại ngân hàng này.
Khi những PVI và PVS còn nắm giữ PVR, mà PVR không thể phát huy hiệu quả, PVI và PVS tất nhiên ảnh hưởng, mà như vậy cũng gián tiếp tác động đến PVN. Vậy nên không dễ gì cả 2 công ty này có thể thoái vốn khi PVR hiện chỉ có giá quanh quẩn mức 2.500 đồng/CP, bán với giá này xem như lỗ.

Theo Sài Gòn đầu tư