Việc Công ty Quản lý tài sản (VAMC) vừa mua 1.600 tỉ nợ xấu của Agribank là một tín hiệu cho thấy sự chuyển biến tích cực trong nền kinh tế vĩ mô Việt Nam.
Công bố báo cáo tình hình thị trường bất động sản quý 3-2013 tại TP.HCM sáng 3-10, ông Marc Townsend – tổng giám đốc điều hành CBRE Việt Nam, nhận định.
Ông Marc Townsend cũng chia sẻ sự cải thiện trong môi trường hành chính và pháp lý, hệ thống cơ sở hạ tầng của TP.HCM và ghi nhận những bước tiến đáng kể, yếu tố liên quan trực tiếp đến giá cả và sự phát triển của bất động sản.
Những thành tựu nổi bật trong tháng 9-2013 bao gồm đường vành đai Tân Sơn Nhất – Bình Lợi (thông xe ngày 27-9), cầu Sài Gòn 2 kết nối Q.2 và Q.Bình Thạnh (hoàn thành ngày 12-9 và sẽ được thông xe vào đầu tháng 11). Sự hoàn thành hai công trình này sẽ làm giảm ách tắt giao thông và góp phần thúc đẩy các dự án bất động sản tập trung quanh đó.
Theo CBRE Việt Nam, trong quý 3 có khoảng 1.700 căn hộ được chào bán, tăng 45,8% so với quý trước và tăng 11,6% so với cùng kỳ năm trước. Phần lớn nguồn cung mới này thuộc phân khúc bình dân, chiếm đến 72,4% tổng số căn chào bán. Số lượng các căn hộ chào bán gia tăng cho thấy niềm tin của chủ đầu tư đã phần nào trở lại. Trong số đó có những chủ đầu tư tên tuổi như Capitaland, Phú Mỹ Hưng và Nam Long.
Nhận định về một số dự án giảm giá gây tranh cãi trong thời gian qua, ông Marc Townsend, nói mức giá mới trong phân khúc cao cấp đang tiến gần hơn tới sự mong đợi của người mua, khoảng 1.300 – 1.600 USD/m2 cộng với các ưu đãi khác như việc kéo dài thời hạn thanh toán và linh hoạt hơn trong điều khoản thanh toán. Chẳng hạn khoản thanh toán cuối cùng (50% – 70%) có thể được trả vào một hoặc hai năm sau khi bàn giao.
Về phân khúc thị trường tiềm năng, ông Marc Townsend, nói các dự án cao cấp ở quận 2 và quận 7 sẽ thu hút hơn do giá đã “mềm” hơn trước, cơ sở hạ tầng đã được cải thiện đáng kể với cầu Sài Gòn 2 đã hoàn thành và thời gian đến khu trung tâm cũng rút ngắn. Giao dịch bán đã tăng lên, các dự án đã bàn giao thu hút nhiều người đặc biệt là người Việt giàu có và những người nước ngoài làm việc tại TP.HCM đến đây sinh sống.
Cũng theo ông Marc Townsend, hai quận này luôn dẫn đầu danh sách khách tìm mua căn hộ và nằm trong nhóm năm quận được tìm thuê nhiều nhất.
Cú hích từ chính sách
Các chính sách luật đang được xem xét và cải thiện cũng như những bước tiến trong cơ sở hạ tầng giúp thúc đẩy thị trường bất động sản nói riêng và tình hình kinh tế nói chung khi thị trường bất động sản đang đà phục hồi trong quý 3-2013.
Những thảo luận xoay quanh việc cải thiện môi trường đầu tư nước ngoài tại Việt Nam bao gồm: tăng mức sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong các công ty niêm yết từ 49% lên 60%; nới lỏng các điều kiện đối với người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam; một loại visa chung cho khách du lịch đi ba nước Việt Nam, Thái Lan và Campuchia.
Bình luận về vấn đền này, bà Dương Thùy Dung, phó giám đốc bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn của CBRE Việt Nam, nói việc mở rộng cửa hơn cho phép người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam không thể đơn giản xem như “một biện pháp chữa cháy”. Theo dự thảo hiện tại, người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam vẫn chưa được bình đẳng như công dân Việt Nam và do đó vẫn chưa thực sự tác động đến nhu cầu mua nhà.
Bà Dung kiến nghị cần có giải pháp dài hạn hơn để tạo nhiều cơ hội đầu tư đúng đắn dành cho đối tượng nước ngoài mà vẫn đảm bảo các nhu cầu về kinh tế – xã hội của người dân trong nước – một giải pháp tiềm năng là cho người nước ngoài một sự bình đẳng thật sự như với người Việt Nam khi mua nhà trên một mức giá nhất định trong khi hạn chế quyền sở hữu của họ đối với những phân khúc bình dân hơn.
Theo Tuổi trẻ