Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, là tổ chức ngành nghề liên quan đến vài triệu lao động ngành mía đường, việc nhập và danh sách ai được phép nhập khẩu đường gần như là bí mật… quốc gia.
Hàng năm, theo quy định khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Việt Nam phải nhập khẩu hơn 70.000 tấn đường theo hạn ngạch (quota) với nhiều ưu đãi nên giá lúc nào cũng thấp hơn 150, 200, 300 USD/tấn. Thế nhưng cũng từ đây nảy sinh nhiều vấn đề bất cập về việc ai được nhập và nhập như thế nào.
Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, là tổ chức ngành nghề liên quan đến vài triệu lao động ngành mía đường, việc nhập và danh sách ai được phép nhập khẩu gần như là bí mật… quốc gia. Đây là việc làm không bình thường trong khi lẽ ra nên công khai, minh bạch, nhất là với tổ chức ngành nghề liên quan như Hiệp hội Mía đường Việt Nam phải được biết.
Theo ông Đỗ Thanh Liêm, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Mía đường Khánh Hòa, trong ngành mía đường đều biết, giá giao dịch đường trên thị trường thế giới luôn thấp hơn giá bán tại chính các nước xuất khẩu đó như Brazil, Thái Lan… Đây là điều nghe có vẻ vô lý, nhưng hoàn toàn hợp lý, vì khi xuất khẩu các công ty của những nước này được nhiều ưu đãi về thuế và chính sách hỗ trợ khác của nhà nước để có thể cạnh tranh với những nước xuất khẩu khác.
Như ở Thái Lan, nước xuất khẩu đường thứ 2 thế giới, có hẳn đạo luật về mía đường, giá đường tiêu dùng trong nước luôn cao hơn giá đường xuất khẩu, đường lậu nhập vào ngõ Campuchia là phần thặng dư của các nhà máy, được bán với giá thấp nhưng vẫn đảm bảo lợi nhuận. Và tất cả các doanh nghiệp (DN) chế biến thực phẩm có sử dụng đường tại Thái Lan đều phải mua đường theo giá trong nước.
Ở Việt Nam, dù phần lớn DN chế biến thực phẩm sử dụng đường luyện RE để sản xuất phải mua đường theo giá trong nước, nhưng bên cạnh đó có một nhóm nhỏ DN mà những người trong ngành gọi là “nhóm lợi ích” thuộc dạng các “đại gia” được phép nhập khẩu mỗi năm cả chục, thậm chí hàng chục ngàn tấn về để chế biến với giá giao dịch trên thị trường thế giới, tất nhiên là rẻ hơn trong nước 4.000 – 5.000 đồng/kg để được hưởng lợi về cạnh tranh. Với mức hơn 70.000 tấn đường nhập khẩu theo quota, mỗi năm, “nhóm lợi ích” này hưởng lợi 280 – 300 tỷ đồng.
Ở các nước, chính phủ điều tiết số tiền chênh lệch này để đầu tư lại cho những người trồng mía, đó là điều hợp lý nhất, nhưng ở Việt Nam số tiền này lọt vào “nhóm lợi ích” được cấp quota. Nếu Chính phủ Việt Nam điều tiết số tiền này và các DN chế biến thực phẩm sử dụng đường phải dùng đường theo giá thị trường trong nước, lúc đó sẽ không còn tình trạng DN chế biến thực phẩm thuộc “nhóm lợi ích” viện lý do chất lượng đường luyện RE trong nước chưa đồng đều hay kêu ca giá đường trong nước cao hơn thế giới.
Giải quyết được việc này còn giúp kiểm soát được tình trạng tạm nhập tái xuất đường mà nhiều nơi đang lợi dụng để trục lợi, trong đó có việc cung ứng đường tạm nhập tái xuất theo kiểu xuất tại chỗ cho đường nhập khẩu theo hạn ngạch.
Theo Sài Gòn giải phóng