Ngành thép sản xuất cầm chừng

Theo Bộ Công Thương, hiện nhiều doanh nghiệp trong ngành thép đang phải sản xuất cầm chừng chỉ đủ nguồn cung để tránh dâng hàng tồn kho.

Tính đến cuối tháng Chín, sản lượng sắt, thép thô ước đạt 246,4 nghìn tấn, giảm 1,2% so với cùng kỳ và lượng thép xây dựng đang tồn kho là 316.000 tấn, tăng 12.000 tấn so với cùng kì năm 2012.
Nguyên nhân dẫn đến tồn kho cao theo ông Nguyễn Tiến Vỵ, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Bộ Công Thương là do giá điện vừa điều chỉnh vào tháng Bảy vừa qua đã đẩy giá thành sản xuất thép tăng ảnh hưởng đến sức cạnh tranh với hàng nhập khẩu.
Trong khi đó, giá bán đầu nguồn các mặt hàng thép xây dựng (chưa bao gồm VAT và chiết khấu) đang giảm mạnh, tại miền Bắc giá thép cây phổ biến từ 12,5-12,95 triệu đồng/tấn; thép cuộn phổ biến từ 12,24-12,9 triệu đồng/tấn (giảm 100.000-350.000 đồng/tấn so với tháng trước).
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp thép trong nước cũng phải đối mặt với việc cạnh tranh không lành mạnh từ các sản phẩm thép nhập khẩu từ Trung Quốc nhưng lại đội lốt thép chứa hợp kim Bo để lách thuế.
Theo ông Nguyễn Tiến Nghi, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, qua lấy mẫu nhiều sản phẩm thép hợp kim Trung Quốc để giám định thì thành phần đúng là thép xây dựng và đương nhiên các sản phẩm này đã trốn được thuế suất từ 5% xuống còn 0%.
“Chúng tôi khẳng định không phải là thép hợp kim, vì có thể họ chỉ cho một lượng BO nhất định vào để lách luật, trốn thuế, cạnh tranh không lành mạnh đối với thép sản xuất trong nước,” ông Nghi nói.
Trước thực tế trên, tại buổi họp giao ban trực tuyến ngày 30/9, Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang cho biết, sau khi nhận được kiến nghị của Hiệp Hội Thép Việt Nam, liên bộ Công thương-Khoa học và Công nghệ đã nghiên cứu thực tế và chuẩn bị ban hành thông tư nhằm siết lại các tiêu chuẩn và quy định đối với các loại thép nhập khẩu.
“Đây là một biện pháp mạnh nhằm chống lại các hình thức gian lận thương mại, cạnh tranh không lành mạnh cũng như giúp doanh nghiệp trong nước thoát ra khỏi khó khăn,” Thứ trưởng Lê Dương Quang nói./.

Theo Vietnam+