Nếu xét về cơ hội, rõ ràng, thị trường đang thiếu vắng thông tin trong nước.
Tốc độ tăng trưởng của một số chỉ tiêu kinh tế như chỉ số phát triển công nghiệp (IIP), tổng mức bán lẻ hàng hóa… đều thấp hơn so với cùng kỳ. Khả năng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GDP đạt 5,5% trong năm 2013 đang bị đe dọa. Nếu xét về cơ hội, rõ ràng, thị trường đang thiếu vắng thông tin trong nước.
Manh nha bán ròng trở lại
Giao dịch trong ngày 11/9, các chỉ số chính đã tăng điểm, nhưng thanh khoản ở mức thấp. Đáng chú ý là việc khối ngoại đã bán ròng nhẹ trở lại, một thách thức không nhỏ cho đà hồi phục của thị trường tại thời điểm hiện nay.
Trong phiên, VN-Index tăng 1,87 điểm, tương ứng với 0,39% lên 476,4 điểm; HNX-Index cũng tăng 0,24% lên 60,19 điểm nhưng thanh khoản thị trường sụt giảm mạnh. Tổng khối lượng giao dịch đạt 33,569 triệu đơn vị, trị giá 655,69 tỷ đồng.
Khối lượng giao dịch khớp lệnh trên cả 2 sàn là 23.376 lệnh, nếu tính bình quân mỗi lệnh khớp là 1.898 đơn vị. Trong khi đó, khối ngoại trở lại bán ròng nhẹ trên sàn HNX với 386.700 đơn vị. NĐT ngoại tập trung bán ròng mạnh nhất ở VCB với 4,55 tỷ đồng, GAS 4,3 tỷ đồng và PVD 3,6 tỷ đồng.
Hai vấn đề quốc tế được cho là ảnh hưởng đến diễn biến kinh tế toàn cầu trong thời gian gần đây là khả năng cắt giảm gói nới lỏng định lượng (QE3) của Mỹ và nguy cơ tấn công quân sự của Mỹ vào Syria. Theo các chuyên gia, hai vấn đề này đang tác động trực tiếp đến TTCK Việt Nam thông qua 2 hình thức: làm suy yếu dòng vốn đầu tư gián tiếp; và tăng rủi ro đẩy giá dầu đi lên gây áp lực tới lạm phát.
Chỉ tính riêng trong tháng 8, hoạt động rõ nhất trên TTCK là việc các NĐT ngoại rút vốn, nổi bật là các quỹ hoán đổi danh mục ETF. Theo thống kê của CTCK Rồng Việt, trong tháng 8/2013, số lượng chứng chỉ quỹ (CCQ) đang lưu hành của hai quỹ ETF lớn nhất trên TTCK Việt Nam là VNM và FTSE đã giảm lần lượt 750.000 CCQ và 300.000 CCQ. Lượng vốn hai quỹ trên rút ra khỏi thị trường Việt Nam ước tính vào khoảng 13 triệu USD (tương đương 276 tỷ đồng), giảm 18% so với tháng 7 trước đó.
Cũng theo các chuyên viên phân tích, tháng 8 cũng là tháng bán ròng thứ ba liên tiếp của khối ngoại với tổng giá trị bán ròng cả hai sàn là 851 tỷ đồng. Trong đó, nhóm cổ phiếu trụ cột bị bán ròng nhiều nhất, đáng chú ý có VNM (tương đương 174,3 tỷ đồng), BVH (tương đương 159 tỷ đồng) và VCB (tương đương 116,4 tỷ đồng). Tuy nhiên, đến đầu tháng 9, việc bán ròng của khối ngoại chững lại.
Đừng vội xuống tiền
Bà Trần Thị Hà My, chuyên viên phân tích CTCK Rồng Việt cho biết chỉ có thể hy vọng kỳ xem xét lại danh mục quý III/2013 của hai quỹ ETF diễn ra trong tháng 9 sẽ có nhân tố giúp thị trường trở nên sôi động.
“Một ẩn số cần lưu ý chính là hoạt động rút vốn ròng của các quỹ này có ảnh hưởng khá lớn đến thị trường, đặc biệt là về mặt tâm lý. Chúng tôi nhận thấy, áp lực bán ròng trong tháng 8 không chỉ đến từ các quỹ ETF mà còn đến từ các NĐT nước ngoài.
Đồng thời, lượng CCQ của hai quỹ hiện đã giảm về mức thấp hơn đầu năm. Từ đó, có cơ sở để kỳ vọng việc bán ròng của hai quỹ ETF này sẽ hạ nhiệt trong tháng 9”, bà My nói. Cũng vị này lưu ý, môi trường vĩ mô trong nước hiện nay tương đối ổn định. Lạm phát được kiểm soát, sản xuất có dấu hiệu hồi phục trong tháng 8/2013, tỷ giá ổn định và cán cân thanh toán tổng thể tiếp tục thặng dư.
Nhưng mặt khác, tốc độ tăng trưởng của một số chỉ tiêu kinh tế như chỉ số phát triển công nghiệp (IIP), tổng mức bán lẻ hàng hóa… đều thấp hơn so với cùng kỳ. Điều này đồng nghĩa với khả năng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GDP đạt 5,5% trong năm 2013 đang bị đe dọa, mà thị trường chứng khoán vốn là “hàn thử biểu” cũng chịu áp lực khó khăn.
Nhiều nhận định cũng được đưa ra, VN-Index trong thời gian tới chỉ có thể trong vùng biến động từ 460-500 điểm và HNX-Index là 59-63 điểm. “NĐT nên chờ những chuyển biến tích cực hơn của thanh khoản và xu hướng. Bởi nếu xét về cơ hội, rõ ràng, thị trường đang thiếu vắng thông tin trong nước và điều này đang có những ảnh hưởng rất rõ đến tâm lý NĐT”, một chuyên viên phân tích của BVSC cảnh báo.
Đồng quan điểm, CTCK MBS lưu ý NĐT, nếu quan sát diễn biến giá và khối lượng, đà giảm ngắn hạn vẫn chưa thể kết thúc ở thời điểm hiện tại, đặc biệt tâm lý NĐT vẫn ở mức bi quan và thận trọng mặc dù áp lực bán giá thấp đã dịu hơn so với trước đó.
Đây là những yếu tố cho thấy thị trường chưa thể lấy lại đà tăng bền vững. Đồng thời, một số chỉ báo kỹ thuật vẫn biến động theo hướng giảm và thanh khoản ở mức thấp, không ủng hộ sự hình thành xu hướng tăng. Một lần nữa, MBS cho rằng, đây chưa phải thời điểm thích hợp để NĐT giải ngân.
Theo Thời báo ngân hàng