Chuyện phá giá BĐS 50%: “Giảm giá vào thời điểm hiện nay cũng đã là muộn”

Sự kiện Novaland và Phát Đạt tuyên bố giảm giá sốc 50% dự án Sunrise City và dự án The EverRich 3 đã tạo ra một cú sốc lớn trên thị trường địa ốc.

Xoay quanh sự kiện này, đã có nhiều quan điểm khác nhau từ phía các doanh nghiệp phát triển dự án và các cơ quan quản lý nhà nước. 

Nếu giảm ở thời điểm trước thì không cần phải giảm nhiều như thế
Ông Nguyễn Hữu Cường, Chủ tịch CLB bất động sản Hà Nội
Ở cuộc chơi này, bầu Đức là người nhanh nhạy đưa ra chiến lược giảm giá trước, trong khi đó hàng trăm dự án giống như vậy thì lại kiên quyết không giảm, vẫn chờ đợi và chỉ điều chỉnh ở mức “hoa hồng”. Những động thái về sau này nếu muốn bán được hàng thì phải giảm sâu hơn, nếu giảm ở thời điểm trước thì không cần phải giảm nhiều như thế.
Những động thái vừa rồi của Phát Đạt hay Novaland chính là dấu hiệu của sự thay đổi mới, mạnh dạn và cần thiết cho các ông chủ dự án mà phát súng đầu vẫn từ bầu Đức. Điều này càng quan trọng hơn đối với những DN không đủ khả năng về tài chính, không trông chờ được vào sự cứu viện của ngân hàng. Trước sức ép về chiến lược kinh doanh để tồn tại của DN, thậm chí còn tuyên bố phá sản và đó cũng là giải pháp, hay sát nhập, bán một phần, bán toàn bộ dự án…đó cũng là sự khôn ngoan.

Giảm giá vào thời điểm hiện nay cũng đã là muộn
Ông Phan Xuân Cần, Chủ tịch HĐQT Cty Soho Việt Nam
2 doanh nghiệp này giảm giá 50% tức là so với mức giá cao nhất, chứ so với mặt bằng chung ở khu vực đó thì cũng chỉ ở mức đấy thôi. 
Việc các “đại gia” giảm giá phản ánh hai điều. Thứ nhất là họ đang cần một nguồn tiền để tiếp tục đầu tư xây dựng. Khi có một dòng tiền mới của khách hàng đóng vào thì ngân hàng sẽ tiếp tục đầu tư tiền thêm. Ngân hàng tài trợ 70% thì anh phải có 30% tương ứng. Thứ hai phải giảm giá để tương đương với mặt bằng chung ở khu vực này, chứ không thể giảm quá hay đắt hơn nhiều quá..
Tuy nhiên, theo tôi việc giảm giá vào thời điểm hiện nay cũng đã là muộn. Đúng ra là phải giảm trước đấy, phải giảm cách đây 1 năm. Bởi vì dòng tiền là 1 lượng có hạn, còn khách hàng cũng là một lượng khách nhất định. Dự án nào giảm giá trước thì lượng tiền sẽ đổ về đó trước, còn dư ra thì mới đến các dự án sau. 

Đây là 2 doanh nghiệp dũng cảm
Ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc công ty địa ốc Đất Lành 
Tôi đánh giá đây là 2 doanh nghiệp dũng cảm, dám nhìn nhận vào sự thật là sản phẩm của mình không phù hợp, tôi hoan nghênh hai doanh nghiệp này.
Việc hai doanh nghiệp BĐS giảm giá cũng là tín hiệu cực kỳ xấu cho thị trường BĐS, cực kỳ xấu cho nhiều doanh nghiệp BĐS. Ở chừng mực nào đó, tôi đánh giá vụ vỡ trận của hai đại gia Hoàng Anh Gia Lai và Quốc Cường Gia Lai giống như vỡ trận Phước Long, còn hai đại gia Novaland và The EverRich 3 giảm giá như là vỡ trận Buôn Mê Thuật. 
Và rất có thể, tiến độ vỡ trận sẽ dồn dập hơn vào những ngày tới. Điều đó cũng có nghĩa nhiều chủ đầu tư sẽ hạ giá nữa để có một điều kiện duy nhất là tiền mặt. Những dự án BĐS có giá bán 4 – 5 tỷ đồng hiện nay rất khó bán, không có người mua nên bắt buộc các chủ dự án phải kéo về dưới 2 tỷ đồng.

Nên hiểu là tiền nào của nấy, chứ không nên lầm tưởng là giảm 50% theo giá gốc
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Tp.HCM 
Phát Đạt tuyên bố giảm giá là có các căn cứ so sánh, vị trí dự án The EverRich3 rất thuận lợi, sát cạnh Phú Mỹ Hưng, cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh, là vị trí rất đắc địa. Còn dự án Sunrise City cũng có vị trí rất đắc địa nằm trung gian giữa khu nội thành và Phú Mỹ Hưng, là khu đô thị hoàn chỉnh có đầy đủ tiện nghi và tiện ích. Lúc khai thiên lập địa Novaland bán với giá 1900-2400 USD/m2 nhưng mấy năm gần đây là đã giảm giá dần. 
Trước đây Novaland bán 50 triệu đồng/m2 là đúng nhưng tòa nhà giai đoạn 1 là tiêu chuẩn “5 sao”, thực tế đầu năm 2013 đơn vị này đã bán với giá 33 triệu đồng/m2 rồi. Tòa nhà giai đoạn 3 hiện nay là 27 triệu đồng/m2 với tiêu chuẩn “3 sao”. Do vậy, ở đây nên hiểu là tiền nào của nấy, chứ không nên lầm tưởng là giảm 50% theo giá gốc ban đầu

Doanh nghiệp cần chủ động hạ giá bán sản phẩm để thu hồi vốn
TS Trần Du Lịch, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM
Phân khúc bất động sản cao cấp, nhà nước không tham gia giải cứu. Các doanh nghiệp cần chủ động hạ giá bán sản phẩm để thu hồi vốn, phục hồi sản xuất – kinh doanh.
Việc giảm hàng tồn kho trong phân khúc bất động sản cao cấp là chuyện của doanh nghiệp và một trong các giải pháp hiệu quả là doanh nghiệp cần hạ giá bán sản phẩm để thu hồi về dòng tiền, phục hồi sản xuất – kinh doanh. Doanh nghiệp nào làm sớm, thích nghi được với diễn biến chung của thị trường thì mới có thể vượt qua giai đoạn bất động sản khó khăn hiện nay.

Theo Trí Thức Trẻ