Nhân sự ngân hàng cấp trung: Đối tượng ‘an toàn’ trong bão cắt giảm

Bộ khung cần thiết cho sự phát triển dài hạn thì các ngân hàng vẫn giữ vững, thậm chí là tuyển thêm vào.

Ngành tài chính – ngân hàng vẫn đang trong giai đoan khó khăn khi nền kinh tế chưa có dấu hiệu khởi sắc. Nhân sự trong ngành ngân hàng, một thời tăng trưởng nóng cũng có những dấu hiệu chững lại.
Theo khảo sát của KPMG, 46% ngân hàng nói sẽ không tăng số lượng nhân viên trong năm 2013. Báo cáo tài chính của một số ngân hàng lớn như BIDV, Vietinbank, ACB cũng cho thấy số lượng nhân sự không còn tiếp tục xu hướng tăng.
Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Vân Anh, giám đốc điều hành Navigos Search,việc cắt giảm nhân sự chỉ diễn ra ở nhóm nhân sự cấp thấp, còn những nhân sự cao cấp, đóng vai trò là bộ khung cần thiết cho sự phát triển của ngân hàng thì vẫn được giữ vững, thậm chí còn tuyển thêm. Khác với thời kỳ trước, các ngân hàng nay đưa ra yêu cầu khắt khe hơn nhiều, cốt để tìm ra những ứng viên phù hợp nhất với mục đích kinh doanh.

Thời gian qua, tình hình nhân sự ngân hàng – tài chính có những diễn biến không tích cực. Bà có nhận định thế nào về vấn đề này?
Những thông tin thiếu tích cực đối với ngành ngân hàng đã xuất hiện khá lâu, đặc biệt là thời điểm cuối năm 2012, khi nền kinh tế rơi vào khủng hoảng. Khi rơi vào khủng hoảng, ngành ngân hàng nói riêng và toàn khối Doanh nghiệp nói chung đều phải tiến hành tái cấu trúc.
Trong quá trình tái cấu trúc đó, một số ngân hàng buộc phải cắt giảm nhân sự. Tái cấu trúc còn gồm nhiều biện pháp khác như đào tạo nâng cấp nhân sự hay thay đổi hệ thống lương thưởng nhưng báo chí không hiểu rõ nên nhiều khi chỉ tập trung vào “cắt giảm”.
Cách đây vài năm, ngân hàng đã phát triển quá nóng. Số lượng tuyển quá lớn, đặc biệt là ở những phòng giao dịch. Do đó việc tái cấu trúc diễn ra là tất yếu.

Nghĩa là trong quá trình tái cơ cấu này, nhân sự cấp thấp là bị ảnh hưởng nhiều nhất?
Đúng vậy. Bộ khung cần thiết cho sự phát triển dài hạn thì các ngân hàng vẫn giữ vững, thậm chí là tuyển thêm vào.

Vậy nhân sự trung, cao cấp ở bộ phận nào đang được các Ngân hàng ưu ái tuyển dụng nhất?
Việc tuyển dụng hoàn toàn phụ thuộc vào đường hướng kinh doanh của mỗi ngân hàng. Các ngân hàng hiện tại có mục tiêu rất rõ ràng về định hướng phát triển trong tương lai. Chẳng hạn nếu họ phát triển ngân hàng muốn phát triển trong lĩnh vực bán lẻ, thì hệ thống nhân sự sẽ phục vụ cho việc đạt mục đích đó.

Môi trường kinh doanh của ngành ngân hàng hiện đã thay đổi rất nhiều so với thời điểm tăng trưởng nóng cách đây 4 năm. Vậy khâu tuyển chọn nhân sự có gì khác so với trước đây?
Thời nào cũng cần người tài cả. Chỉ có điều là trước kia khi Ngân hàng phát triển quá nóng, họ cần người gấp và tuyển dụng vội vàng hơn, nên đôi khi những nhân sự chưa chắc đã phù hợp họ vẫn tuyển vào.
Trong khi đó, hiện tại xu hướng phát triển mang tính bền vững hơn, dài hơi hơn thì người ta sẽ tốn nhiều thời gian hơn để tuyển dụng, để chắc chắn người được tuyển sẽ đáp ứng được mục đích dài hơi của công ty.

Bà kiểm chứng thông tin trong hồ sơ của các ứng viên thế nào?
Chúng tôi sẽ liên hệ với những người đã từng làm việc với ứng viên đó, như công ty cũ, lãnh đạo cũ hay cả nhân viên cũ nữa. Từ đó tìm hiểu chính xác vì sao họ bỏ việc, trước đó họ làm việc ra sao, quan hệ với đồng nghiệp với khách hàng thế nào, rồi cả chuyện họ có “vấn đề” gì trong công việc hay không.
Nếu các ứng viên từng làm việc tại nhiều công ty thì chúng tôi cũng sẽ tiến hành kiểm tra tất cả.Nguyên tắc là phải đảm bảo những thông tin cung cấp trên hồ sơ là đúng và đã được kiểm chứng.

Như vậy trung bình sẽ mất khoảng bao lâu để ngân hàng tuyển dụng được một nhân sự trung và cao cấp?
Trung bình sẽ mất khoảng 2-3 tháng.

Có vẻ nhân viên trong ngành ngân hàng “thích” nhảy việc?
Nói thế thì lại không đúng. Con người ai cũng có nhu cầu có lương cao hơn, ai cũng muốn có môi trường tốt hơn, ai cũng có nhu cầu thăng tiến. Bản thân người quản lý nhân sự phải xác định được đâu là nhân sự có tài để tạo điều kiện cho họ phát triển.
Nếu họ nhận thấy nơi mình đang làm không đáp ứng được những yêu cầu đấy thì họ sẽ bỏ đi thôi.

Vậy “nhàn” và “lương cao” không phải là một yếu tố hấp dẫn đối với nhân sự cao cấp?
Trên đời này tôi không biết có chỗ nào “nhàn” mà lại “lương cao” (cười). Đó là những người hài lòng với số phận, họ đang ở trong “comfort zone”. Nhà quản lý phải biết ai đang trong khu vực đó. Nếu họ ở trong đó quá lâu thì phải cho họ nghỉ việc, bởi giữ lại những người như thế sẽ không đem lại lợi ích cho doanh nghiệp.

Có người nói mức lương hiện tại của một nhân sự cao cấp ngành ngân hàng có thể lên tới 20.000 USD/tháng. Theo bà đây là mức lương phổ biến hay cá biệt? Những khó khăn trong ngành tài chính nói riêng và nền kinh tế nói chung có tác động tới thu nhập của các nhân sự cao cấp hay không?
Thật ra con số 20.000 USD chưa phải là mức lương cao nhất, nhưng cũng không phải là phổ biến. Bây giờ các Ngân hàng cũng như Doanh nghiệp đều trả lương theo đóng góp của nhân viên với công ty.
Giả sử một người mang lại lợi nhuận 500.000 USD cho ngân hàng thì tất nhiên họ cũng phải được hưởng một phần trong số đó. Vì vậy, nếu chúng ta chỉ nhìn vào con số trên mà so sánh thì không đủ cơ sở.
Nếu doanh nghiệp không kết hợp được giữa việc trả lương thưởng với mục tiêu kinh doanh, thì kết quả kinh doanh của họ chắc chắn không thể tốt được.
Xin chân thành cảm ơn bà!

Theo CafeBiz/Trí thức trẻ