Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (NFSC) vừa công bố báo cáo đánh giá tình hình kinh tế tháng 8/2013, theo đó dự báo rằng tăng trưởng GDP cả năm 2013 chỉ ở mức 5,3%
Miễn thuế cho hàng loạt khoản thu nhập cá nhân từ 1/10
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 111/2013/TT-BTC hướng dẫn thực hiện Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân và Nghị định số 65/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân.
Theo đó, mức giảm trừ gia cảnh được quy định cụ thể đối với người nộp thuế là 9 triệu đồng/tháng, 108 triệu đồng/năm; đối với mỗi người phụ thuộc là 3,6 triệu đồng/tháng
Mức giảm trừ gia cảnh đối với người nộp thuế thu nhập cá nhân cũng chính thức nâng lên 9 triệu đồng/tháng từ 1/10.
Từ 1/9, giá gas tăng 12.000 đồng/bình 12kg
Một số doanh nghiệp kinh doanh gas cho biết, sáng ngày 1/9, giá gas bán lẻ tăng thêm 1.000 đồng/kg, tương đương tăng 12.000 đồng/bình loại 12 kg so với giá gas tháng 8. Nguyên nhân là do giá gas thế giới tiếp tục tăng.
Như vậy, giá gas bán lẻ đến tay người tiêu dùng kể từ 1/9 sẽ dao động từ 398.000 – 400.000 đồng/bình 12 kg. Đây là lần thứ 4 liên tiếp giá gas bán lẻ tăng, tổng cộng tăng 34.000 đồng/bình. Số lần tăng vẫn ít hơn số lần giảm nên so với đầu năm, giá gas hiện tại vẫn thấp hơn khoảng 34.000 đồng/bình.
CPI tháng 9 dự báo tăng quanh mức 1%
Dự báo trong tháng 9, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) có thể tăng xoay quanh mức 1% do ảnh hưởng từ mưa bão, nhu cầu một số mặt hàng tăng và việc điều chỉnh tăng học phí đầu năm học…
Đây là nhận định của các thành viên tại phiên họp Tổ điều hành thị trường trong nước ngày 26/8.
Trong tháng 9, thị trường hàng hóa sẽ chịu tác động của một số yếu tố như: Thời tiết đang trong mùa mưa bão sẽ ảnh hưởng đến giá các mặt hàng thực phẩm, nhu cầu một số mặt hàng tăng và việc điều chỉnh tăng học phí vào dịp đầu năm học mới.
Đại diện Tổng cục Thống kê cảnh báo, trong tháng 9, nhóm dịch vụ giáo dục sẽ tác động lớn đến CPI. Theo Cục Thống kê TP. Hồ Chí Minh, chỉ số giá dịch vụ giáo dục ở nông thôn sẽ tăng tới 6 lần và thành thị tăng 5 lần. Tính toán sơ bộ, riêng dịch vụ giáo dục của TP. Hồ Chí Minh sẽ đóng góp vào chỉ số giá chung cả nước là 0,7%. Ngoài ra, ảnh hưởng của chỉ số giá các tỉnh khác sẽ đẩy nhóm dịch vụ giáo dục tăng cao.
Nhiều khả năng GDP năm 2013 chỉ tăng 5,3%
Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (NFSC) vừa công bố báo cáo đánh giá tình hình kinh tế tháng 8/2013, theo đó dự báo rằng tăng trưởng GDP cả năm 2013 chỉ ở mức 5,3%.
Dự báo này được đưa ra trên cơ sở đánh giá tình hình kinh tế tính đến tháng 8/2013 và các dữ liệu hiện nay cho thấy “việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng 5,5% trong năm 2013 là một thách thức lớn và nhiều khả năng tăng trưởng GDP cả năm 2013 chỉ ở mức 5,3%”.
Về lạm phát, cơ quan này cho rằng nếu không có những thay đổi về giá các mặt hàng cơ bản thì nhiều khả năng lạm phát cả năm 2013 sẽ vào khoảng 5%.
Do đó, để đạt mục tiêu CPI cả năm không vượt quá mức 7%, công tác điều hành giá cả trong những tháng cuối năm sẽ có tính quyết định. Việc điều chỉnh giá các mặt hàng cơ bản và dịch vụ công cần có sự điều phối thống nhất, có bước đi và lộ trình thích hợp.
8 tháng đầu năm bội chi ngân sách 102 nghìn tỷ đồng
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tình hình kinh tế tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2013, tiến độ thu ngân sách vẫn ở mức độ chậm. Lũy kế đến giữa tháng 8, tổng thu NSNN ước đạt 460,96 nghìn tỷ đồng, đạt 56,5% dự toán năm.
Tổng chi NSNN ước đạt 563 nghìn tỷ đồng, tương đương 57,6% dự toán năm. Như vậy, trong gần 8 tháng đầu năm, bội chi ngân sách ước đạt 102 nghìn tỷ đồng.
Năm 2013 Quỹ BHYT có thể bị bội chi 10.000 tỷ đồng
Giai đoạn 2010-2011 quỹ BHYT có kết dư, số liệu năm 2012 vẫn còn là ẩn số do chưa được quyết toán. Giá dịch vụ y tế đã được điều chỉnh nhưng mức đóng BHYT chưa được điều chỉnh dẫn đến bội chi năm 2013.
Nhưng trong tình hình kinh tế khó khăn như thời gian qua Chính phủ chưa đồng ý tăng mức đóng BHYT lên mức 6% do vậy nguồn kết dư phải bổ sung vào nguồn dự phòng của năm 2013 để tránh tình trạng vỡ quỹ.
Bội chi năm 2013 theo tính toán của Ban thực hiện chính sách BHYT, Bảo hiểm xã hội Việt Nam là trên 10.000 tỷ đồng. Vì vậy, khi chưa tăng được mức đóng BHYT quỹ BHYT phải sử dụng nguồn quỹ dự phòng.
Vì sao 20% DN Châu Âu cân nhắc rời Việt Nam?
Theo kết quả cuộc khảo sát lần thứ 12 về Chỉ số kinh doanh của các DN châu Âu hàng quý do EuroCham thực hiện vào tháng 8 năm 2013, mức độ tin cậy và triển vọng kinh doanh trong cộng đồng DN châu Âu tại Việt Nam vẫn duy trì ở mức trung bình.
Số lượng DN phản hồi có đánh giá tích cực về tình hình kinh doanh hiện tại giảm từ 43% xuống còn 38%. Điều này thể hiện rõ hơn khi số lượng phản hồi có đánh giá tiêu cực về tình hình kinh doanh hiện tại tăng từ 25% của quý trước lên 28%.
“Các kế hoạch đầu tư được báo cáo đang giảm thể hiện qua số DN phản hồi hy vọng tăng đầu tư tại Việt Nam giảm 8% (từ 42% xuống còn 34%). Số DN có ý định “tăng đầu tư đáng kể” đã quay lại cùng mức quí I năm nay là 8% so với mức 13% của quý trước và 20% cách đây 1 năm. Ngoài ra, có dấu hiệu tăng nhẹ về các DN cho rằng sẽ giảm đầu tư tại Việt Nam từ mức 19% quý trước lên 21%.
Bình Dương đón thêm gần 220 triệu USD vốn đầu tư
Sáng ngày 27/8, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương đã tổ chức lễ trao giấy chứng nhận đầu tư (đợt 2) cho 23 dự án có vốn trực tiếp nước ngoài và 2 dự án có vốn trong nước với tổng vốn gần 220 triệu USD, bao gồm 15 dự án tăng vốn và 10 dự án mới trong đó có 12 dự án của Nhật Bản và có 15 dự án đầu tư vào khu công nghiệp Vietnam-Singapore(VSIP).
Một số dự án có vốn đầu tư lớn như dự án sản xuất và gia công bao bì giấy các loại của Công ty Trách nhiệm hữu hạn TOMUKU Việt Nam (Nhật Bản) với vốn đăng ký mới 47,62 triệu USD; dự án sản xuất và gia công các loại thực phẩm chức năng của Công ty Trách nhiệm hữu hạn AMWAY Việt Nam (Mỹ) với vốn đăng ký mới 21,4 triệu USD.
Theo Trí Thức Trẻ