Đã hết thời “vàng son”

Thời của kinh doanh dựa vào các sản phẩm đầu cơ, vào khai thác tài nguyên thô, gia công có giá trị gia tăng thấp… đã qua.

Những mô hình kinh doanh cũ như vậy, cùng với xu hướng giá đầu vào đang được “tính đúng, tính đủ” khiến các DN phải trả giá bằng chính những tổn thất trong kinh doanh.
Tuần trước, ông Nguyễn Văn Sự, Giám đốc Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai đã ký vào một văn bản gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, giải trình về biến động trên báo cáo tài chính quý II/2013. Tại đây, con số lợi nhuận sau thuế tăng gần gấp đôi cùng kỳ được DN giải thích là do thu nhập từ “chuyển nhượng các dự án thủy điện tại Việt Nam và Công ty TNHH Tư vấn đầu tư Thanh Bình”.
Trước đó, tại buổi tiếp xúc các nhà đầu tư hôm 19/8 tại TP. Hồ Chí Minh, ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai thẳng thừng nói: “Hoàng Anh Gia Lai tạm thời bỏ ngỏ thị trường bất động sản Việt Nam vì càng làm càng lỗ”. Tuy bố này được một số doanh nhân trong và ngoài nước đánh giá là “lạ kỳ” và “thiếu chuyên nghiệp”.
Nhưng ít nhất, sự “rời bỏ” thị trường bất động sản và thủy điện nhỏ của Hoàng Anh Gia Lai, lĩnh vực từng góp phần làm tăng giá trị thương hiệu cho DN này, cho thấy ngành kinh doanh trên đang trở nên bất định về hiệu quả. Tuy nhiên, đó không phải là ngành duy nhất chứng kiến tình trạng DN “rứt áo ra đi”.
Một chuyên gia kinh tế phân tích: thời kỳ tín dụng tăng trưởng nóng, “cứ mở DN ra là vơ được một mớ”, theo cách ông nói, đã qua. Câu chuyện kinh doanh tại thời điểm này trở thành sức ép đối với không ít chủ DN. Đáng chú ý là sức ép mãnh liệt nhất lại nhắm vào các ngành nghề nở rộ thành phong trào thời gian trước đây như bất động sản, khai thác tài nguyên thô, chứng khoán…
Cho đến gần đây, bức tranh kinh tế tại nhiều địa phương cho thấy những nét tương đồng, khi các DN xây dựng hạ tầng co hẹp lại nhanh chóng, nhiều DN thậm chí rời bỏ hẳn khỏi lĩnh vực kinh doanh từng đem lại “nhà lầu, xe hơi” cho người chủ DN. Chứng khoán phập phù khiến có DN thậm chí muốn bỏ nội dung này trong giấy phép kinh doanh…
Bản báo cáo định hướng kế hoạch phát triển DN năm 2014 của Cục Phát triển DN (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nêu đánh giá chung hiện trạng khu vực DN hiện nay, bao gồm cả DNNN và các DNNVV như sau: Tại hầu hết các địa phương, tỷ lệ DN kinh doanh có lãi, có đóng góp cho ngân sách địa phương chiếm chưa đầy 50% trong tổng số DN còn hoạt động.
Theo tổng hợp của cơ quan nói trên, ước 6 tháng đầu năm 2013, tỷ lệ DN kinh doanh có lãi trong số các DN đang hoạt động giảm xuống còn 44%. Đặc biệt, tại một số địa phương, tỷ lệ DN kinh doanh thua lỗ ở mức rất cao, gây thất thu ngân sách địa phương.
Báo cáo của thành phố Đà Nẵng cho biết, năm 2012, trong tổng số hơn 10.200 DN tư nhân đang hoạt động có tới hơn 6.800 hoạt động thua lỗ, chiếm 66,5% tổng số DN còn hoạt động; ước 6 tháng đầu 2013 có 7.164 DN thua lỗ và chiếm xấp xỉ 70%… “Tại một số địa phương, tỷ lệ DN thua lỗ lên cao ở mức báo động”, Cục Phát triển DN phát đi cảnh báo.
Xét trên các lĩnh vực sản xuất, cả nông nghiệp và công nghiệp đều xuất hiện những “góc tối” ảm đạm của một số ngành nghề. Với sản xuất, chế biến lương thực, báo cáo của riêng tỉnh Bình Phước cho biết, hơn 80% DN kinh doanh hạt điều, cao su gặp khó khăn do rớt giá, khó khăn trong tìm kiếm thị trường.
Ở các tỉnh Tây Nam Bộ khác, nuôi trồng, khai thác và chế biến thủy sản đang hết sức bấp bênh với sản lượng và doanh thu đều tăng khá thấp. Với ngành công nghiệp, tăng trưởng thấp xuất hiện ở các ngành khai thác tài nguyên khoáng sản, sản xuất vải dệt thoi, sản xuất kim loại, sắt, thép, gang, sản xuất sản phẩm điện tử dân dụng, sản xuất mô tơ, máy phát, biến thế điện, đóng tàu.
Theo báo cáo của Hiệp hội Công nghệ kỹ thuật điện Việt Nam, chỉ có gần 50% DN thuộc Hiệp hội giữ vững sản xuất, trừ các đơn vị thuộc lĩnh vực cung cấp, truyền tải, quản lý và vận hành điện…
Câu chuyện của Hoàng Anh Gia Lai, hay phân tích từ nhiều DN đang còn “vật vã” tồn tại trong thời điểm hiện nay của Cục Phát triển DN nêu trên cho thấy một thực tế, thời của kinh doanh dựa vào các sản phẩm đầu cơ, vào khai thác tài nguyên thô, gia công có giá trị gia tăng thấp… đã qua. Những mô hình kinh doanh cũ như vậy, cùng với xu hướng giá đầu vào đang được “tính đúng, tính đủ” khiến các DN phải trả giá bằng chính những tổn thất trong kinh doanh.
Cục Phát triển DN khẳng định, bản thân nhiều DN, nhất là DNNVV thường đầu tư dàn trải, kinh doanh đa ngành nghề dẫn đến không kiểm soát được dòng vốn, không định hướng rõ được chiến lược kinh doanh nên dễ gặp rủi ro trong điều kiện nhiều biến động, thách thức, khó khăn của thị trường.
Bên cạnh đó là những DN áp dụng công nghệ lạc hậu dẫn đến năng suất thấp, giá thành cao, sức cạnh tranh kém. Và có lẽ, họ đang mong Nhà nước khoan vội thúc đẩy nền kinh tế thị trường?
Do khó khăn sản xuất kinh doanh vẫn diễn ra phổ biến, các DN có xu hướng cắt giảm lao động, giảm lương, trì hoãn đóng bảo hiểm cho người lao động. Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tính đến ngày 31/3/2013, trong số đối tượng nợ bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế, chiếm tỷ lệ lớn là các DN (số nợ là 9.189,1 tỷ đồng, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm 2012).
Nhiều DN phá sản, giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động không có khả năng đóng bảo hiểm xã hội làm cho số nợ tăng nhanh. Xu hướng này tiếp tục tiếp diễn kéo theo các hệ quả về mặt xã hội, ảnh hưởng đến đời sống người lao động…

Theo Thời báo ngân hàng