Kinh nghiệm các nước đi trước trong khu vực cho thấy nếu mải mê tăng trưởng nhanh mà xem nhẹ các nhân tố phát triển bền vững, hệ quả sẽ khôn lường và mất rất nhiều thời gian, chi phí để khắc phục.
Từ đầu tháng 8 đến nay, trên mục Thời luận ĐTTC liên tiếp có nhiều bài phân tích nền kinh tế Việt Nam đang kẹt trong tình thế tăng trưởng chậm, loay hoay ở vùng đáy chưa có cách thoát ra. Điều được chờ đợi trong những tháng cuối năm là những giải pháp mới mang tính đột phá để kích hoạt lại tăng trưởng kinh tế.
Nhưng điều gì cũng cần được suy xét từ gốc, trước hết phải trả lời được câu hỏi: vì sao kinh tế Việt Nam bị kẹt trong tình thế như hiện nay?
Xét về mặt chủ quan trong điều hành chính sách, phải thẳng thắn nhìn nhận trong 5 năm qua chúng ta chủ yếu chạy theo tình thế. Năm 2008, khi kinh tế thế giới khủng hoảng tác động mạnh tới Việt Nam, Chính phủ đã triển khai gói kích cầu thông qua chính sách thuế và hỗ trợ lãi suất trị giá 150.000 tỷ đồng trong suốt năm 2009.
Gói kích cầu này phần nào hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế vượt thoát khó khăn trước mắt, nhưng hệ lụy sau đó là kéo bóng ma lạm phát trở lại. Năm 2010, lạm phát tăng lên 11,75% từ mức 6,88% của năm 2009. Năm 2011 lạm phát tiếp tục tăng 18,58%, ảnh hưởng mạnh tới mọi mặt đời sống xã hội và nền kinh tế.
Trước bối cảnh đó, Chính phủ đã ban hành và thực hiện quyết liệt Nghị quyết 11 về cắt giảm tổng cầu để kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Bước sang năm 2012, tác động của chính sách cắt giảm tổng cầu cộng với tình hình kinh tế thế giới tăng trưởng chậm chạp, đã khiến hoạt động sản xuất kinh doanh đình trệ, hàng loạt doanh nghiệp phải dừng hoạt động hoặc phá sản. GDP năm 2012 chỉ tăng 5,03% – mức thấp kỷ lục trong nhiều năm.
Từ đầu năm đến nay, Chính phủ đã đưa ra nhiều chính sách tháo gỡ khó khăn hoạt động sản xuất kinh doanh, giải phóng hàng tồn kho, kích thích tổng cầu thông qua Nghị quyết 01 và 02. Tuy nhiên, nhiều chính sách được triển khai chậm và thiếu đồng bộ nên hiệu quả chưa đạt được như mong muốn.
Năm 2013 được xem như đáy suy giảm của kinh tế Việt Nam khi nhiều bất cập trong cơ cấu kinh tế phát tác hậu quả rõ nhất: nợ xấu ở mức cao khiến dòng vốn tín dụng bị ngưng trệ, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đã khó khăn càng thêm khó. Mặt khác, ngân sách nhà nước sau nhiều năm vượt thu đang đứng trước khả năng hụt thu bởi nguồn lực của doanh nghiệp đã kiệt quệ.
Điều này càng gây khó cho điều hành chính sách, bởi thời điểm này nếu muốn kích tổng cầu phải dựa vào đầu tư công, trong khi ngân khố quốc gia lại đang khó cân đối.
Điểm lại diễn biến kinh tế từ thời điểm đó đến nay, có thể thấy lời cảnh báo này đang dần trở thành sự thật khi nền kinh tế đất nước loay hoay ở vùng đáy trong thời gian dài, dường như chưa tìm được cách để thoát ra bởi thiếu những giải pháp mang tính dài hạn.
Mới đây, TS. Trần Đình Thiên, chuyên gia kinh tế hàng đầu, đã rất có lý khi đưa ra khuyến nghị về kinh tế Việt Nam thời điểm này: “Nếu không có những biện pháp dài hạn không thể vượt qua những khó khăn ngắn hạn”. Vấn đề là quan điểm này cần được hiểu và cụ thể hóa bằng những giải pháp nào?
Theo phân tích của nhiều chuyên gia trong nước cũng như các định chế tài chính quốc tế, nền kinh tế Việt Nam đã đạt đến quy mô đủ lớn để các vấn đề môi trường, xã hội có thể trở thành rào cản đối với quá trình tăng trưởng và phát triển tiếp theo.
Kinh nghiệm các nước đi trước trong khu vực cho thấy nếu mải mê tăng trưởng nhanh mà xem nhẹ các nhân tố phát triển bền vững, hệ quả sẽ khôn lường và mất rất nhiều thời gian, chi phí để khắc phục. Thực tế giai đoạn 5 năm qua cũng cho thấy việc điều hành chính sách theo phương thức “chạy theo tình thế” khiến mục tiêu tăng trưởng và ổn định vĩ mô đều không mang lại kết quả mong muốn.
Khi đạt được mục tiêu tăng trưởng lại mất mục tiêu kiềm chế lạm phát và ngược lại. Nước ta đang trải qua giai đoạn phát triển chậm dài nhất từ thời Đổi Mới, nhưng đây cũng là thời cơ để nhìn nhận lại sau chặng đường tăng trưởng nhanh, điều gì tốt cần phát huy, điều gì không tốt phải thay đổi. Bởi vậy, thời điểm khó khăn hiện tại là cơ hội để nước ta tập trung vào mục tiêu chính là tiến hành cải cách cơ cấu một cách quyết liệt.
Hiện nay, trong nền kinh tế vẫn còn nhiều nguồn lực có thể động viên được nếu thị trường có lòng tin. Vĩ mô ổn định, chính sách nhất quán, xã hội sẽ bỏ vốn ra, không cất giữ trong vàng, ngoại tệ trong két sắt nữa, mà đưa ra đầu tư.
Khi củng cố được lòng tin trong nước sẽ không khó tiếp cận nguồn vốn quốc tế. Cần xác định đây là giải pháp mang tính dài hạn, thậm chí chấp nhận hy sinh mục tiêu tăng trưởng trong ngắn hạn.
Chúng ta đã từng có kinh nghiệm sâu sắc nếu không có những biện pháp dài hạn không thể vượt qua những khó khăn ngắn hạn. Như vậy, dù đang ở đáy khó khăn chúng ta vẫn có đủ cơ sở lòng tin và sự lạc quan dài hạn rằng: Nền kinh tế đang mở ra dư địa cải cách rất lớn. Nếu bỏ lỡ sẽ khó vượt qua thách thức lớn nhất của cả giai đoạn dài sắp tới là “bẫy thu nhập trung bình”.
Theo Sài Gòn đầu tư tài chín