Làm thế nào để vừa là nơi tiếp tục hấp dẫn dòng vốn FDI vừa tránh được nỗi lo về sự tràn lấn và những tác động xấu không mong muốn từ khối doanh nghiệp FDI.
Là bài toán không dễ giải, đòi hỏi Việt Nam phải có những biện pháp, giải pháp chiến lược tổng thể, bài bản.
Không khó để nhận thấy, những năm qua, nếu không có dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thì kinh tế Việt Nam đã không có được sự tăng trưởng như hôm nay, số người có công ăn việc làm sẽ ít hơn và XK cũng kém hơn…
Do có vai trò quan trọng như vậy nên FDI đã luôn được các tỉnh, thành đón nhận với nhiều ưu đãi và những kỳ vọng lớn. Song thực tế đã cho thấy, mục tiêu của kỳ vọng còn xa, mà những phức tạp và biểu hiện trái chiều của FDI như: chuyển giá, né thuế, quyền lợi của người lao động không được đảm bảo, môi trường ô nhiễm… đã bộc lộ, đòi hỏi các cơ quan nước “chủ nhà” phải có ngay những giải pháp xử lý.
Cùng với đó, sự gia tăng dòng vốn FDI cũng tạo nên những nỗi lo mới: sự chèn lấn của DN FDI với các thành phần kinh tế khác trên thị trường thương mại và trong khu vực sản xuất. Hầu như ở lĩnh vực nào cũng thấy sự có mặt của DN FDI, từ sản xuất thức ăn chăn nuôi, phân bón, đến sản xuất thép, rồi du lịch, khách sạn. Các sản phẩm của DN FDI tràn lan trên thị trường từ kẹo bánh, nước giải khát, đến mỹ phẩm…
Thậm chí, ngay cả đến hàng xuất khẩu cũng phần nhiều là từ DN FDI! Chưa kể những vụ mua bán sáp nhập DN (M&A) giữa các DN FDI với DN trong nước ngày càng tăng nhanh gần đây khiến nhiều người không khỏi lo lắng rằng, liệu DN Việt Nam có bị thâu tóm bởi DN FDI.
Trước những lo lắng trên trong bối cảnh chúng ta vẫn có chủ trương và áp lực cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực để thu hút thêm nguồn vốn FDI bổ sung vốn cho đầu tư phát triển, TS.Phan Hữu Thắng – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đầu tư nước ngoài khẳng định rằng, Việt Nam vẫn đang “ngày một hoàn thiện mình hơn” để có được môi trường đầu tư hấp dẫn.
Đặc biệt, khi lợi thế nhân công giá rẻ của Việt Nam đã không còn được coi là yếu tố hàng đầu hấp dẫn nhà đầu tư FDI, đồng thời xuất hiện những vùng “đất mới” với những lợi thế cạnh tranh hấp dẫn của thị trường mới mở cửa như Myanmar đang nổi lên từng ngày trên các diễn đàn truyền thông quốc tế.
Rõ ràng, làm thế nào để vừa là nơi tiếp tục hấp dẫn dòng vốn FDI vừa tránh được nỗi lo về sự tràn lấn và những tác động xấu không mong muốn từ khối DN FDI là bài toán không dễ giải, đòi hỏi Việt Nam phải có những biện pháp, giải pháp chiến lược tổng thể, bài bản.
Biện pháp đầu tiên được ông Thắng nêu lên là DN Việt phải tự mở rộng hoạt động, không để trống quá nhiều sân cho DN FDI hoạt động. Phải gia tăng đầu tư của DN 100% vốn Việt Nam trong các lĩnh vực dịch vụ chất lượng cao như khách sạn, du lịch, xây dựng và sản xuất các mặt hàng thiết yếu.
DN Việt Nam cần nâng cao năng lực cạnh tranh, trước hết bằng việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực hiện có để quản trị tốt, hiệu quả quá trình sản xuất – kinh doanh. Chính phủ sớm công bố định hướng chiến lược cũng như quy hoạch thu hút FDI trong giai đoạn mới để quá trình vận động thu hút FDI đảm bảo được cân đối hài hòa giữa nguồn lực trong nước và nguồn lực nước ngoài trong phát triển KT-XH của đất nước giai đoạn tới.
Ông Thắng cũng lưu ý, khi thực hiện các M&A, các DN Việt Nam cần hiểu rõ “cơ hội và thách thức luôn song hành và DN Việt Nam cần cẩn trọng khi quyết định tham gia quá trình M&A phù hợp với điều kiện hiện tại của DN, cũng như mục tiêu của DN hướng tới để không bị thôn tính trong trung và dài hạn.
PGS.TS Trần Đình Thiên – Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhấn mạnh: vấn đề nỗ lực thu hút FDI cần những cải cách mạnh mẽ để tạo môi trường kinh doanh thông thoáng hơn cho nhà đầu tư nước ngoài song song với việc tăng cường hậu kiểm DN FDI.
Ông cũng nhắc lại nhiều chuyên gia đã từng kiến nghị bên cạnh việc “mở” để thu hút FDI thì cũng cần kịp thời có các tiêu chí, hàng rào kỹ thuật hợp lý, phù hợp với thông lệ quốc tế để hạn chế những tác động không mong muốn. Ngoài ra, cần tăng năng lực phản ứng chính sách cho chính quyền các cấp và các cơ quan chức năng mà, thời gian qua, một phần do năng lực này còn yếu nên chính quyền địa phương đã chậm luật hóa các vấn đề bức xúc nảy sinh như chuyển giá, gian lận thương mại, hủy hoại môi trường…
TS.Bùi Sỹ Lợi – Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng cho rằng, cần phải có “hàng rào kỹ thuật” với dòng vốn FDI vì: “nếu không có quy định bắt buộc phải theo thì tôi là nhà đầu tư nước ngoài tôi cũng làm như họ, bởi ai bỏ vốn đầu tư cũng mong tìm lợi nhuận cao nhất”. Theo ông Lợi, cần có những quy định tiêu chuẩn chặt chẽ về công nghệ, môi trường… Những tiêu chuẩn thuần túy kỹ thuật, phù hợp với thông lệ quốc tế này sẽ góp phần lựa chọn được những dự án FDI đúng như chúng ta mong muốn.
TS.Trần Đình Thiên còn nhấn mạnh: Đến thời điểm này, chúng ta cần phải có kế hoạch hành động để nâng tầm thu hút FDI có trọng điểm, hướng đến lôi cuốn được nhiều hơn nữa những tập đoàn lớn bởi hiệu ứng lan tỏa của nó là sẽ kéo theo nhiều DN nhỏ khác.
Ông phân tích: “Chúng ta vẫn mong có tập đoàn lớn tới đầu tư nhưng những năm qua do đã lỡ mở khu công nghiệp và do đâu đâu cũng muốn có DN FDI đã khiến các nơi sẵn sàng đón nhận DN FDI một cách dễ dãi mà không coi trọng DN đó lớn hay nhỏ. Nếu một DN nhỏ nước ngoài vào thì họ mới chỉ có khả năng nuôi được bản thân họ, rồi đến lúc khó khăn là họ lại kéo đi, sẽ không đủ sức ảnh hưởng, lan tỏa lớn tới nền kinh tế. Hơn nữa, nếu phần lớn DN FDI đến Việt Nam đa phần là những DN vừa và nhỏ thì thế giới sẽ cho rằng Việt Nam chỉ có khả năng tầm ấy mà thôi”.
Theo Thời báo Ngân hàng