Tỉnh Đồng Tháp đang triển khai đề án tái cơ cấu nông nghiệp với mục tiêu đưa nông dân trở thành cổ đông của doanh nghiệp (DN).
Bước đầu, những nông dân trồng lúa liên kết, ký hợp đồng với DN luôn có lợi nhuận khá cao.
Ông Lê Minh Hoan, chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, nói:
– Lãnh đạo tỉnh đã và đang chủ động đến các DN để tìm hiểu, đề nghị họ ký hợp đồng đầu tư, bao tiêu lúa cho nông dân. Chúng tôi không chờ DN đi tìm nông dân hay ngược lại. Tất cả lãnh đạo tỉnh luôn chủ động bắc cầu để DN và nông dân đến với nhau. Tỉnh cũng cử hẳn một tổ liên ngành giúp DN và nông dân về pháp lý, cơ chế, chính sách trong quá trình thực hiện mối liên kết này.
Hàng ngàn hecta lúa được bao tiêu
Hiện đã có tám DN xuất khẩu gạo ở tỉnh Đồng Tháp thực hiện ký hợp đồng tiêu thụ lúa của nông dân với tổng diện tích 6.412ha vụ đông xuân 2012-2013, 8.500ha vụ hè thu 2013. Các DN đang thực hiện ký hợp đồng tiêu thụ lúa của nông dân với quy mô lớn gồm: DN Cỏ May, Công ty CP Tam Nông, Công ty CP Docimexco, Công ty Lương thực Đồng Tháp, Công ty TNHH Phát Tài, Công ty TNHH Vĩnh Hoàn 2, Công ty TNHH Võ Thị Thu Hà, Công ty CP Bảo vệ thực vật An Giang.
* Như vậy liên kết tiêu thụ chính là khâu quan trọng hàng đầu của quá trình tái cơ cấu nông nghiệp?
– Đúng vậy. Mọi sản phẩm nông nghiệp sản xuất ra cần phải được tiêu thụ. Muốn tiêu thụ ổn định, giá cao thì phải có DN bao tiêu. Muốn vậy DN và nông dân phải liên kết với nhau. DN xem nông dân như một thành viên trong DN và được phân công nhiệm vụ sản xuất, còn DN có trách nhiệm chế biến, xuất khẩu mang lợi nhuận về.
Chúng tôi xác định quá trình liên kết – tiêu thụ sẽ phải trải qua sáu giai đoạn. Bước đầu tiên hiện rất phổ biến là DN mua lúa thông qua thương lái. Hình thức này tiềm ẩn nhiều rủi ro và nông dân bị mất một khoản lợi nhuận về tay thương lái. Bước thứ hai và thứ ba cũng đang áp dụng là DN chuyển sang mua theo hợp đồng tiêu thụ và đầu tư vật tư nông nghiệp, giống, kỹ thuật cho nông dân sản xuất và bao tiêu khi thu hoạch. Bước thứ tư chỉ mới xuất hiện ở tỉnh Đồng Tháp là DN đầu tư kho chứa và lò sấy để nông dân trữ lúa chờ giá. Hai bước cuối cùng là DN đầu tư nghiên cứu khoa học để tạo ra giống mới, tăng năng suất, chất lượng và xây dựng thương hiệu nông sản; nông dân trở thành cổ đông của DN để chia sẻ lợi ích trong chuỗi giá trị gia tăng từ lúa gạo, nông sản mang lại.
* Công ty Cẩm Nguyên ký hợp đồng bao tiêu lúa của nông dân, xây dựng kho cho nông dân gửi lúa miễn phí chờ giá và mua lúa giá cao hơn thị trường. Đây có phải là chủ trương của tỉnh trong việc triển khai đề án như ông vừa đề cập?
– Các DN như Công ty lương thực Tân Hồng, Công ty TNHH Võ Thị Thu Hà, Công ty CP Vĩnh Hoàn, Công ty Cẩm Nguyên đã đầu tư hàng ngàn tỉ đồng xây dựng nhà máy chế biến gạo cho thấy họ có nhu cầu mua nguyên liệu thật sự. Còn nông dân cũng có nhu cầu bán lúa sau mỗi vụ thu hoạch. Hai nhu cầu này đã gặp nhau. Vấn đề còn lại là chính quyền phải đứng ra giúp hai bên gặp nhau, có tiếng nói chung để đạt được mục đích cuối cùng mà họ mong muốn là lợi nhuận.
Công ty Cẩm Nguyên vừa tiến thêm một bước là xây dựng nhà kho có hệ thống sấy hiện đại cho dân gửi lúa trong sáu tháng để chờ giá. Nông dân được công ty cho ứng tiền để xoay trở, đến khi quyết định bán thì công ty mua cao hơn thị trường. Cách làm của công ty không chỉ làm nông dân phấn khởi mà lãnh đạo tỉnh rất mừng. Cũng có thể nói là chúng tôi đang đi đúng hướng.
* Thưa ông, quan hệ giữa DN và nông dân là quan hệ kinh tế, chính quyền không thể can thiệp bằng mệnh lệnh hành chính. Vậy khi đưa ra đề án này, chính quyền xác định vai trò của mình như thế nào?
– Đúng là chính quyền không thể can thiệp vào chuyện làm ăn, mua bán hàng hóa nông sản của DN và nông dân. Nhưng để hoạt động kinh doanh của DN và sản xuất của nông dân đạt hiệu quả cao nhất thì chính quyền có vai trò rất quan trọng. Đó là vai trò cầu nối xây dựng lòng tin giữa hai bên và sẵn sàng làm trọng tài, là người hòa giải khi có trục trặc trong quá trình thực hiện hợp đồng. Chính quyền đủ uy tín đứng ra xây dựng lòng tin cho hai bên để từ đó họ yên tâm làm ăn với nhau. Và quan trọng hơn, chính quyền luôn sát cánh hỗ trợ DN, kịp thời kiến nghị trung ương những chính sách giúp DN hoạt động đúng luật và hiệu quả.
Ai cũng có lợi
Ông Huỳnh Văn Thao – nông dân ở xã Phú Cường, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp – cho biết hiện đang sản xuất 10ha lúa và làm 2 vụ/năm, mỗi năm gia đình ông thu hoạch được 150 tấn lúa. Năm vừa qua gia đình ông ký hợp đồng với Công ty Võ Thị Thu Hà nên lúa thu hoạch xong là bán hết, đồng thời “bỏ túi” thêm 30 triệu đồng/năm do DN mua cao hơn thị trường 200 đồng/kg.
Tương tự, ông Dương Văn Bờ ở xã Phú Đức, huyện Tam Nông (xã viên Hợp tác xã Tân Tiến) sản xuất lúa theo hợp đồng với Công ty Võ Thị Thu Hà. Ông kể trước đây ông từng nhiều lần sản xuất lúa theo hợp đồng nhưng cả DN và nông dân đều thay phiên nhau “xé hợp đồng”. Lý do là đến mùa thu hoạch nông dân thấy giá thị trường cao nên bán ra bên ngoài vì giá DN đưa ra thấp hơn. Còn khi DN khó khăn thì bỏ chạy, không mua. Tuy nhiên với Công ty Võ Thị Thu Hà, phổ biến hợp đồng thì có nhiều điều khoản bảo đảm lợi ích cho nông dân. Cụ thể DN đầu tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho nông dân sản xuất, khi đến ngày thu hoạch thì DN mua hết với giá cao hơn thị trường thời điểm đó.
Theo ông Đoàn Văn Hiền – giám đốc Công ty Võ Thị Thu Hà chi nhánh tại Đồng Tháp, sản xuất lúa theo hợp đồng giữa DN và nông dân cho thấy cả hai bên đều có lợi. Ông Hiền phân tích: vụ hè thu năm 2012 công ty của ông ký hợp đồng tiêu thụ với ba hợp tác xã, diện tích 600ha và mua được chỉ có 3.500 tấn lúa. Đến vụ hè thu 2013 công ty đã ký hợp đồng với sáu hợp tác xã, diện tích hơn 2.000ha và sản lượng lúa mua được 12.200 tấn. “Nhu cầu tiêu thụ lúa của chúng tôi rất lớn. Nếu không ký hợp đồng thì phải mua bên ngoài lắt nhắt mất vài tháng mà chất lượng lúa không đồng đều. Còn khi ký hợp đồng với hợp tác xã và nông dân chúng tôi mua vào rất nhanh, chỉ 1-2 tuần là xong. Chủng loại lúa và chất lượng tương đương nhau, rất thuận lợi trong sấy, xay xát” – ông Hiền phân tích.
Theo Tuổi trẻ