4 cặp kì phùng địch thủ nổi tiếng trên thế giới

Những cặp kì phùng địch thủ này đã tạo nên lịch sử của nền kinh tế hiện đại.
1. Coca-Cola vs. Pepsi
Tại sao cuộc chiến giữa Coca-Cola (Coca) và Pepsi (Pepsi-Cola) – hai loại nước có đường rất giống nhau – lại là cuộc chiến quan trọng nhất trong lịch sử của chủ nghĩa tư bản? Đơn giản là vì họ là những kình địch vượt qua thời gian, không gian, và văn hóa.
Cuộc chiến này đã phân chia những nhà hàng, dân cư, và quốc gia. Nó diễn ra trong những siêu thị, sân vận động, và phòng xử án. Những chiến binh của nó bao gồm Santa Claus, Cindy Crawford, Michael Jackson, Max Headroom, Bill Gates, và Bill Cosby.
Năm 1886, một nhà hóa học ở Atlanta giới thiệu Coca-Cola, “một dung dịch ngon, nhưng gây rối loạn tâm sinh lý.” Pepsi-Cola xuất hiện bảy năm sau đó, nhưng phải mất vài thập kỉ và vài vụ phá sản trước khi Coca thừa nhận công ty này như cách họ đối phó với các mối đe dọa cạnh tranh: kiện tụng.
Pepsi-Cola tận dụng được khó khăn của thời kỳ Đại Khủng hoảng. Giống như Coca, giá của đồ ướng là 5 xu, nhưng nó được đóng vào chai 12 ao-xơ, gần gấp đôi chai của Coca. Nhưng vào những năm 1950, Pepsi vẫn đứng ở vị trí số 2 cách số 1 rất xa. Nó thu nhận Alfred Steele, người từng làm quảng cáo cho Coca, trong tinh thần đầy tức tối và tham vọng. Phương châm của ông là “Đánh bại Coca”. Coca-Cola từ chối gọi Pepsi bằng tên mà gọi bằng “Kẻ bắt chước”, “Kẻ thù” hay rộng lượng hơn là “Đối thủ.” Nhưng Coca cũng phải bắt đầu thay đổi mô hình kinh doanh và thậm chí bắt chước Pepsi để tiếp tục dẫn đầu.
Năm 1979, lần đầu tiên trong lịch sử, Pepsi đạt doanh số bán hàng lớn hơn Coca trong các siêu thị. Nhưng điều này diễn ra không lâu, và năm 1996, tạp chí Fortune thông báo rằng chiến tranh Cola đã kết thúc. Từ đó, Pepsi tập trung vào sức khỏe và đồ ăn nhẹ – việc đó cũng giống như đã đầu hàng. Hai loại đồ uống ưa thích của Mỹ là gì? Coca và Diet Coca.
Người chiến thắng: Coca
2. McDonald’s vs. Burger King
Trong ngành công nghiệp nhà hàng phục vụ nhanh, không có hai thương hiệu nào lại tuyên chiến công khai về tiền lương và sự trung thành của khách hàng như McDonald’s và Burger King. Sự tranh đua bắt đầu từ giữa thế kỉ 20 khi cả hai cùng nổi bật lên, tranh đấu để giành lãnh thổ và đại lý nhượng quyền.
Việc kinh doanh bánh hamburger xoay quanh việc kích cỡ của bánh. Chỉ có một vài cách làm ra một chiếc hamburger nên việc bắt chước ý tưởng của đối thủ là một cách thường được làm. Big Mac được tung ra năm 1968 là câu trả lời của McDonald’s cho Whopper. Burger King giới thiệu Whopper năm 1957 khi nó nhận ra rằng không thể cạnh tranh với hamburger 15 xu của McDonald’s và đi đến giải pháp là bán bánh hamburger to hơn với giá 37 xu. Năm 1982, Burger King tuyên chiến khi tung ra một chiến dịch quảng cáo nói rằng khách hàng thích Whopper hơn là McDonald’s và Wendy’s. Cả hai hãng điều đáp trả bằng việc kiện Burger King vì đã làm quảng cáo sai sự thật. Năm 1997, Whopper một lần nữa tung ra sản phẩm khoai tây chiên với dòng chữ “mùi vị hơn hẳn McDonald’s”. McDonald’s cũng đáp trả bằng chiến dịch quảng cáo của mình.
Cuộc chiến dịu đi khi Burger King chịu tác động của việc thay thế CEO và chủ sở hữu liên tục, giúp cho vị thế của McDonald’s trở nên lấn áp. Năm 2011, lần đầu tiên trong lịch sử, Wendy’s vượt qua Burger King để trở thành chuỗi cửa hàng hamburger có doanh thu lớn thứ hai. “McDonald’s đã chiến thắng ở Mỹ,” Andrew Smith một giáo viên dạy lịch sử thực phẩm tại New School nói. Nhưng đừng vội gạch tên Burger King. Tháng hai, Burger King khơi mào một cuộc chiến mới nhất: chiến tranh Cà-phê, khi nó thông báo một loạt các sản phẩm cà-phê latte nhờ hợp tác với thương hiệu cà-phê nổi tiếng nhất Seattle của Starbucks.
Người chiến thắng: McDonald’s
3. Airbus vs. Boeing
Cuộc chiến này không chỉ gói gọn trong chuyện kinh doanh những chiếc máy bay. Ngành công nghiệp hàng không trị giá 160 tỷ Đô la là yếu tố then chốt của nền kinh tế và hàng ngàn việc làm, chưa nói đến niềm tự hào của công dân.
Boeing từng chiếm ưu thế, nhưng Airbus, một công ty con của người khổng lồ EADS, tượng trưng cho liên minh Pháp – Đức, đã vươn lên dẫn đầu vào năm 2003. Những căng thẳng chính trị nóng lên từ đó. Những quan chức thương mại của hai lục địa liên tục tranh thủ những bài báo và cuộc phỏng vấn để cáo buộc bên kia về những chính sách sai phạm.
Cả hai bên đều có lý. Năm 2011, một bức thư cá nhân của tổng thống George W. Bush gửi vua Abdullah của Saudi Arabia, thúc giục việc mua các máy bay của Boeing, bị tiết lộ. Còn Airbus thì nhận được hàng tỷ Euro tiền trợ cấp của chính phủ.
Khi các hợp đồng Boeing 787 Dreamliner đang bị trì hoãn, Airbus không lỡ cơ hội để biếm hoạ những chiếc Boeing 787 với cái mũi của Pinocchio.
Người chiến thắng: chưa phân thắng bại
4. HP với IBM
Chiến thắng của HP trước IBM không hoàn toàn ngọt ngào. Năm 2006, nó vượt qua IBM về doanh thu và hiện sự vượt trội này vẫn đang được duy trì. Nhưng doanh thu không nói lên tất cả.
Từ thuở đầu của công nghệ thông tin, hai công ty như hai thái cực khác nhau: HP phát triển đặc tính thiên về kĩ thuật của Thung lũng Silicon hiện đại. Gương mặt của IBM, Thomas Watson, lại giống một người bán hàng hơn là nhà khoa học.
Trong một thập kỉ, HP thay nhiều CEO hơn số CEO tại IBM kể từ khi kết thúc thời kì của gia đình Watson. IBM thì thích lên các kế hoach năm năm một, trong khi HP thường xuyên đưa ra các bước đi hùng hổ.
Người chiến thắng: IBM

Theo CNNmoney