Doanh nghiệp đang vướng mắc điều gì?

Để phục hồi sản xuất – kinh doanh, chuyên gia kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh nói: “Quan trọng nhất là phải xác định được mô hình phát triển và chỉ khi đó, doanh nghiệp (DN) mới tự cơ cấu được”.

*Chỉ số sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng chậm, theo ông, DN đang đối mặt với điều gì?

– Việc DN không bán được hàng xuất phát từ hai yếu tố: Giá cao quá và hàng hóa quá dư thừa. Thực tế, giá cả phù hợp, DN vẫn có thể bán được hàng, nhưng người định mua không có tiền.
Trong bối cảnh đó, DN phải tìm mọi cách bán được hàng tồn kho, nhưng quan trọng hơn là phải đánh giá được tại sao hàng tồn kho.

* Giải bài toán đầu ra cho sản phẩm, theo ông, bằng cách nào?
– Khó có một lời giải chung. Vấn đề là phải phân tích từng ngành hàng, từng nhóm hàng, từng nguồn cung nhóm sản phẩm và phải phân tích được khu vực thị trường tiềm năng cho từng sản phẩm cụ thể.
Ví dụ, trong ngành sữa, Vinamilk nửa đầu năm lãi mấy ngàn tỷ đồng, nhưng cũng đứng trước sự cạnh tranh ngang ngửa của TH True Milk, thậm chí có thể phải phân chia lại thị phần.
Một vấn đề nữa, tại sao từ đầu năm đến nay, 6 lần tăng giá sữa nhập khẩu mà vẫn tăng được, người tiêu dùng bức xúc sữa liên tục tăng giá, nhưng vẫn mua.
Đó là phản ứng của thị trường nhưng về mặt nguyên tắc tại sao nhóm nhập khẩu sữa làm được như vậy, tại sao họ mua một bán sáu mà vẫn bán được.
Nếu muốn, Vinamilk có làm được loại sữa đó không và nếu làm được, liệu có giữ được giá thấp hơn như thế không? Tất cả những cái đó là bài toán thị trường, để xử lý được, phải giải quyết từ phía cung.

* Nhưng vấn đề là làm thế nào để không bị lẫn lộn giữa chuyện phục hồi sản xuất – kinh doanh với việc tháo gỡ khó khăn?
– Nói tháo gỡ khó khăn cho sản xuất – kinh doanh, góp phần ổn định thị trường, chuyện luôn đúng, nhưng cho đến nay, vẫn chưa xác định chính xác được khu vực sản xuất – kinh doanh khó về vấn đề gì.
Trước đây, bán được hàng là do nền kinh tế nóng quá, thị trường “nhắm mắt” tiêu tất cả, nhưng bây giờ mọi việc đã khác. Để tiếp tục sản xuất – kinh doanh phải tìm ra được DN đang mắc điều gì.
Trong số DN chết ấy, bao nhiêu chết là tự thân phải chết, bao nhiêu là chết oan và trong số DN đang sống, bao nhiêu DN sống bằng thực lực, còn bao nhiêu sống không do thực lực.
Xác định là phải phục hồi sản xuất, nhưng mới chỉ nói và giải quyết một vài việc ngoài lề. Chẳng hạn, DN muốn vay nhưng không phải để đầu tư vào sản xuất, mà để trả nợ cũ, nợ xấu, còn một phần nhỏ thì để duy trì sản xuất hiện tại, thậm chí là cho công nhân nghỉ mà vẫn phát lương vì càng làm càng lỗ, làm xong rồi để tồn kho. Tất cả những điều đó hiện không có hướng nào thoát ra cả.
Toàn bộ chuyện sản xuất, kinh doanh ấy nằm trong tổng thể là phải cơ cấu lại mô hình phát triển. Nếu vẫn giữ mô hình phát triển chung của nền kinh tế dựa vào vốn đầu tư, tín dụng… thì không DN nào cơ cấu lại được.
Do đó, đừng hô hào DN phải tự cơ cấu lại, bởi họ chỉ tự cơ cấu được khi mô hình phát triển chung cho nền kinh tế được cơ cấu lại. Đơn cử với ngành gạo, nếu xác định Việt Nam tới đây sẽ dẫn đầu thế giới về xuất khẩu gạo, thì những DN xuất khẩu gạo đang gặp khó khăn sẽ giữ nguyên hiện trạng cơ sở vật chất, đầu mối, lao động… để khi kinh tế phục hồi là có thể kinh doanh ngay.
Ngược lại, nếu không xuất khẩu gạo, chỉ sản xuất đủ ăn thôi, bản thân những DN xuất khẩu gạo hiện nay và những DN đang nhăm nhe nhảy vào xuất khẩu gạo sẽ phải nhanh chóng chuyển sang lĩnh vực khác, thì lúc đó DN mới cơ cấu lại được.

* Xin cảm ơn ông.

Theo Doanh nhân Sài Gòn