Mua bán sáp nhập: Kiên nhẫn để vượt qua bất đồng

Làm sao để “sống chung” với đối tác một cách hòa thuận mà không bị thôn tính luôn là một thách thức của doanh nghiệp VN.

Tại diễn đàn Mua bán sáp nhập (M&A) 2013 do báo Đầu Tư tổ chức ngày 8-8, các chuyên gia khẳng định thông qua các vụ M&A, nhiều doanh nghiệp có cơ hội phát triển mạnh lên, nhưng cũng có không ít thương hiệu biến mất.
Làm sao để “sống chung” với đối tác một cách hòa thuận mà không bị thôn tính luôn là một thách thức của doanh nghiệp VN.

Xu hướng tất yếu
Ông John Ditty, chủ tịch kiêm giám đốc Công ty KPMG VN, khẳng định dù số lượng giao dịch M&A tại VN trong nửa đầu năm 2013 giảm nhẹ, nhưng diễn biến thị trường nửa năm còn lại sẽ sáng sủa hơn, khi các thương vụ đang trong giai đoạn thực hiện tiến tới hoàn tất. “Đến cuối năm 2013, con số thương vụ mua bán sáp nhập và phát hành cổ phần riêng lẻ ở VN có thể xấp xỉ bằng năm ngoái với khoảng 300 thương vụ” – ông John Ditty dự báo.
Theo ông Đặng Xuân Minh – Công ty AVM Vietnam, trước năm 2009 nói đến M&A người ta chỉ nghĩ đến các thương vụ nước ngoài mua lại hoặc đầu tư vào doanh nghiệp VN. Tuy vậy, kể từ năm 2009-2013, hiện tượng các doanh nghiệp VN thực hiện M&A đã ngày càng phổ biến và chiếm khoảng 40% tổng giá trị thương vụ M&A tại VN. Có thể nhìn thấy qua những câu chuyện tăng trưởng từ các thương vụ M&A của Masan, Kinh Đô, Hùng Vương, Vingroup, Viettel, Doji…
Ông Masataka “Sam” Yoshida, giám đốc điều hành cấp cao RECOF, cho biết VN đứng thứ năm về các thương vụ M&A của doanh nghiệp Nhật Bản ở nước ngoài, đa số doanh nghiệp Nhật đều có mối quan tâm về hoạt động đầu tư tại VN. Các lĩnh vực sáng giá như sản xuất hàng tiêu dùng, dược, nông nghiệp và bán lẻ rất hấp dẫn các nhà đầu tư gắn với sự gia tăng dân số, tầng lớp trung lưu, kinh tế phát triển ở VN.
Dự báo về thị trường M&A thời gian tới, ông David Blackhall – giám đốc điều hành VinaLand – cho biết hiện rất nhiều nhà đầu tư quốc tế nhờ VinaLand tìm hiểu và cung cấp thông tin về cơ hội trên lĩnh vực bất động sản và các ngành nghề sản xuất khác. “So với một số nước trong khu vực, VN vẫn đảm bảo được mức độ an toàn hơn, vì vậy sẽ có nhiều M&A diễn ra trong thời gian tới” – ông David Blackhall nhấn mạnh.

“Bán mình” không dễ
Ông Cao Tiến Vị, chủ tịch HĐQT Công ty Giấy Sài Gòn, kể vào năm 2011, đứng trước con đường tìm đối tác chiến lược mở rộng phát triển thương hiệu hay thu hẹp hoạt động sản xuất, doanh nghiệp này đã chấp nhận hợp tác với đối tác Nhật Bản với tỉ lệ tăng dần lên đến 48% cổ phần. Mục tiêu lúc ấy là nhằm mở rộng thị trường, tiếp cận được toàn diện về kỹ thuật, công nghệ, quản lý, đào tạo nguồn nhân lực từ Công ty Daio, một công ty sản xuất giấy đứng thứ 3 ở Nhật.
Sau ba năm hợp tác, ông Vị thừa nhận không phải mục tiêu nào cũng đạt được. Tăng trưởng vẫn giữ đều nhưng hiệu quả thì hạn chế hơn do có nhiều sự thay đổi. Mục đích xuất khẩu mở rộng sang thị trường Nhật Bản cũng không đạt được, do Giấy Sài Gòn vẫn tự thân vận động. Đối tác không giúp được nhiều vì cũng gặp khó khăn ở thị trường nội địa Nhật Bản, thành ra về chiến lược lâu dài đặt ra như ban đầu xem như thất bại.
“Thật ra, Giấy Sài Gòn có đặc thù riêng, gặp đối tác khá tử tế nên cũng qua được nhiều sóng gió. Tuy vậy trong quá trình hợp tác có không ít bất đồng mà mình phải kiên nhẫn để vượt qua. Những va chạm ấy khó để nói đúng sai mỗi bên nhưng đến bây giờ cũng tạm ổn, doanh nghiệp có nhiều cơ hội phát triển thêm” – ông Cao Tiến Vị nói. Theo ông Vị, M&A còn liên quan đến quan điểm kinh doanh và năng lực tài chính. Doanh nghiệp VN thiếu kinh nghiệm khó chống đỡ nổi trước nước cờ “cá lớn nuốt cá bé” của doanh nghiệp nước ngoài.
Một lãnh đạo Công ty cổ phần Bánh kẹo Biên Hòa (Bibica) từng cay đắng thừa nhận đã sai lầm khi nhắc đến mối quan hệ hợp tác với Lotte. Vị này chia sẻ thời gian qua “hôn nhân” với Lotte diễn ra không như mong muốn, nếu như không muốn nói là đi ngược lại mục tiêu ban đầu. Hàng loạt mâu thuẫn trong chiến lược phát triển, quản trị doanh nghiệp liên tiếp xảy ra, mà đỉnh điểm là việc Lotte muốn đổi tên Bibica thành Lotte – Bibica. “Khi một người lạ vào nhà, họ muốn chi phối mình thì ắt sẽ xảy ra lục đục, nhất là khi đụng chạm đến quyền lợi” – vị này nói.
Theo ông John Ditty, những nghiên cứu gần đây cho thấy các doanh nghiệp VN vẫn còn khá chật vật thay đổi sau khi vốn ngoại đổ vào như thay đổi quản trị doanh nghiệp, cơ cấu nhân sự… Thực tế để tìm được đối tác mạnh có cùng tầm nhìn, con đường phát triển trên thị trường ở VN là không dễ. Ông Ditty cho rằng hầu hết những M&A thất bại là do hai bên thiếu sự tin tưởng lẫn nhau. Không tìm được tiếng nói chung trong chiến lược phát triển, mục tiêu lâu dài.
Trong khi đó, ông Masataka “Sam” Yoshida – giám đốc điều hành cấp cao RECOF, đơn vị từng thực hiện hơn 1.000 thương vụ M&A, trong đó có vài chục thương vụ giữa doanh nghiệp Nhật Bản và VN – cho rằng trong M&A, cả bên mua lẫn bên bán đều mong muốn điều có lợi nhất, phải dung hòa, uyển chuyển thì mới tìm được lối ra. “Không nên quá lo lắng sẽ bị thôn tính vì M&A là xu thế tất yếu, quan trọng là chọn đúng đối tác, và bản thân doanh nghiệp phải chuẩn bị thật tốt về nội lực, chiến lược phát triển, quản trị…” – ông Masataka “Sam” Yoshida nói.

Theo Tuổi trẻ`